Kinh tế Pháp tiếp tục hồi phục

NDO - Nền kinh tế Pháp ghi nhận mức tăng trưởng 0,5% trong quý II/2022 dù lạm phát lên tới 6,1%, mức cao nhất kể từ năm 1985 và trong bối cảnh có nhiều diễn biến tiêu cực của tình hình kinh tế toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Paris ước tính sẽ đón 33 triệu lượt du khách Pháp và quốc tế trong năm 2022, so với 19 triệu trong năm 2021 và 38 triệu vào năm 2019.
Paris ước tính sẽ đón 33 triệu lượt du khách Pháp và quốc tế trong năm 2022, so với 19 triệu trong năm 2021 và 38 triệu vào năm 2019.

Theo kết quả thống kê do Viện Thống kê và Nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) công bố ngày 29/7, trong quý II/2022, GDP của Pháp đạt mức tăng trưởng 0,5%, mức hồi phục mạnh so với -0,2% trong 3 tháng đầu năm nay. Ngoại thương là động lực chính đóng góp cho mức tăng trưởng rất tích cực của GDP ở Pháp.

Kết quả này cao hơn so với dự báo trước đó, nhất là sau khi có nhiều tác động tiêu cực từ cuộc xung đột ở Ukraine đối với Pháp và các nước châu Âu. Ông Nicolas Carnot, Giám đốc phụ trách nghiên cứu và tổng hợp kinh tế của INSEE, nhận định rằng đây là "một tín hiệu tích cực" và là kết quả từ các biện pháp "tăng sức đề kháng" của nền kinh tế Pháp.

Hơn nữa, tiêu dùng hộ gia đình, chiếm hơn một nửa hoạt động kinh tế của Pháp đã thay đổi tích cực, giảm từ -1,3% trong quý I xuống còn -0,2% vào quý II. Như vậy tiêu dùng đối với dịch vụ đã bù đắp cho tiêu dùng hàng hóa.

Theo ông Nicolas Carnot, mức tăng trưởng vượt trội trong những tháng giữa năm 2022 có thể tạo cơ sở để Pháp đạt mức tăng trưởng tới 2,5%, so với dự báo ở mức 2,3% trong năm 2022.

Dù vậy, tình hình còn diễn biến phức tạp trong nhiều tháng do biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm pháp. Các chỉ số về niềm tin của các hộ gia đình tại Pháp tiếp tục suy giảm vì người dân Pháp rất lo lắng về tình hình tài chính và đang giảm bớt kế hoạch đầu tư vào bất động sản và các kế hoạch mua sắm lớn.

Chính vì vậy, lạm phát trong tháng 7/2022 đã lên tới 6,1%, so với mức 5,8% ghi nhận vào tháng 6, và là mức cao nhất kể từ tháng 7/1985.

Theo INSEE, nguyên chủ yếu là do giá dịch vụ và thực phẩm tăng 3,9% và 6,7%. Dù vậy, mức tăng lạm phát trong tháng 7 có chiều hướng giảm, chỉ tăng 0,3%, so với 0,7% của 3 tháng trước.

Một số nhà phân tích kinh tế Pháp cho rằng, lạm phát có thể lên tới 7-8%, thậm chí là 9% vào mùa đông vì giá các sản phẩm xăng dầu tăng 28,7% trong tháng 7. Doanh số bán hàng giảm đang tác động tiêu cực tới sản xuất hàng hóa.

Sản xuất trong lĩnh vực năng lượng, nước và chất thải đã giảm trong quý thứ hai liên tiếp. Ngành thực phẩm, vốn chịu tác động lớn từ lạm phát, đã giảm 1,2%.

Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Pháp, hồi phục rất nhanh trong mấy tháng qua do dịch bệnh ở trong tầm kiểm soát.

Ngày 27/7, Quốc hội Pháp đã thông qua dự thảo dỡ bỏ quy định về chứng nhận y tế và các biện pháp đặc biệt chống dịch Covid-19 kể từ ngày 1/8/2022, nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng xét nghiệm âm tính bắt buộc đối với du khách nhập cảnh vào Pháp nếu đến từ nước có biến thể mới nguy hiểm.

Việc dỡ bỏ các hạn chế chống dịch sẽ tạo điều kiện để ngành dịch vụ tại Pháp tiếp tục hồi phục trong những tháng tới.

Dù có kết quả hồi phục kinh tế rất ấn tượng trong quý II, các nhà kinh tế Pháp vẫn cho rằng cần thận trọng trong những tháng tới vì tình hình ở châu Âu và trên thế giới còn nhiều diễn biến khó lường. Hơn nữa, mức tăng trưởng của Pháp gần như đã đạt đỉnh.