Mùa biến động

NDO -

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng với lối thơ tự do, ăm ắp chất văn hóa dân gian vừa làm mới mình bằng tập thơ với đề tài thời sự “Mùa biến động” (NXB Hội Nhà văn). Từ đầu đến cuối bạn đọc nhận thấy trong thơ anh hằn nỗi trăn trở của một công dân, thi sĩ trước các vấn đề đang đặt ra, rất thời sự, nóng hổi trong đời sống xã hội.

Mùa biến động

Ở phần mở đầu là nỗi trăn trở của tác giả trước đại dịch Covid-19, mà ở đó cuộc đấu tranh dai dẳng giữa người và dịch bệnh (con virus giấu mặt) luôn cam go, ác liệt và sẽ vẫn còn tiếp tục. Thơ anh làm gợi cho bạn đọc nghĩ về hình ảnh các bác sĩ kiên cường ở tuyến đầu chống dịch, đối diện với hiểm nguy, người dân phập phồng lo lắng trong rất nhiều diễn biến phức tạp. Anh lo khi ngoài xã hội có thêm ca mắc mới. Anh mừng khi có người khỏi bệnh.

Thơ Quang Hưng cũng ngầm nói rằng, trong đại dịch, con virus giấu mặt đó đã đáng sợ, nhưng có một con virus khác làm mất niềm tin, làm hoang mang, làm con người yếu đi còn đáng sợ hơn. Chẳng gì khác, chính mỗi chúng ta phải tự giúp mình, cứu lấy mình. “Phù Đổng chính mình” là cách chúng ta phải tự thân vận động để chung sống an toàn với sự cực đoan của bệnh tật, trong dòng chảy đầy bất trắc.

Ở phần thứ hai - “Giả tưởng nhiệt” lại là nỗi lo về hiện tượng thời tiết cực đoan, mùa hè đổ lửa, mùa hè nắng nóng bất thường kéo dài mà chúng ta vừa trải qua. Yếu tố môi trường, sự nóng lên của trái đất, ô nhiễm sông, đất đai, nguồn nước đã “bước” vào thơ.

Tất nhiên, nói về những vấn đề này thơ Nguyễn Quang Hưng khó tránh khỏi bị giảm chất thơ, nhất là anh đang đi theo dòng thơ tự do nhiều trúc trắc. Song, chúng ta cũng dễ dàng tìm ra những câu thơ đa cảm, giàu chất gợi, như trong bài “Tín hiệu xám”: “Ngày càng nhiều tín hiệu đau yếu phát đi/ Tôi ngửi thấy mùi cỏ cây phân hủy/ Hơi thở một tán cây cũng làm tôi gần như ngã quỵ/ Khi tìm đến nghỉ mệt”. Ở bài này, tác giả nói nhiều đến chuyện con người chỉ nhả ra khí thải, cây cối làm thiên nhiên rùng mình ớn sợ. Và hậu quả là “Nắng tường nhà nắng mặt đường nắng sông cạn bùn nắng đồng bãi đất nẻ/Nắng chói kính nhà kính xe kính mắt vừa nhìn trời lóa cụp ngay xuống/Nắng lùa quạt hơi nước thốc luôn gió nóng/Người héo gọi cốc nước chan đá cảm giác như uống chanh héo (Cứu hỏa người).

Bước sang phần “Xoay xoáy phố” lại là những trăn trở khác, khi phố phường thay đổi, chật hơn, ngột ngạt hơn. Khi đó thi sĩ nghĩ về đời người: “Hàng Mành phố hơi ngắn/ Đi quá bước đã sang phố mới/ Muốn trở lại đi thêm những đời người/Muốn trở lại tưởng tượng thêm đời mình/ Muốn nối thêm đường mình phố nhỏ”. Rồi “Ngay cả hôm qua phố cũng không là như cũ/ Nhưng còn lưu trong mạch máu phố điều gì/ Để truyền cho người như con cái/ Những con cái lớn lên bằng biết phố/ Những con cái sống bằng giữ phố”.

Ở các phần “Chuỗi cộng hưởng chóng mặt”, “Lên trước không trung”, vẫn là tâm trạng “biến động”, nhưng đã được nhân lên, rộng thêm khi con người là chủ thể, là đối tượng chịu nhiều bất trắc, tổn thương trước những biến động của cuộc đời.

Với bài thơ “Ngày biến động”, Nguyễn Quang Hưng khéo léo nói hộ cộng đồng, xã hội để mỗi ai đọc đều nhận thấy mình đang dự phần vào những dòng chảy có nhiều bất trắc ấy. “Hơi chút va chạm xe/ Hơi chút mưa ngập/ Cây đổ đây đó/ Đá lăn đô thị lăn xe quay ngụt khói/ Trồi sụt đất trồi sụt chỉ số…” và “Bất trắc cửa phòng bất trắc trên bàn ăn/ Bất trắc rình tôi mở máy/ Gặm dần gặm dần cắn ngập/ Những hàm răng ngang nhiên đột nhập”.

Cũng đã khá lâu, ở một số hội thảo và trong dư luận đặt ra hỏi nhà thơ đang viết gì? Đã có người chỉ ra nhà thơ thế hệ 8X, 9X tập trung khai thác đề tài cá nhân, tình yêu nhiều quá, bỏ qua thế sự, bỏ qua những vấn đề chung của đất nước. Ngày Thơ Việt Nam năm 2019, Hội Nhà văn đã lấy chủ đề “Sông núi trên vai”, là muốn nhắc nhở, “làm nóng” lại trách nhiệm công dân của người cầm bút. Nhiều nhà trơ trẻ vẫn đang loay hoay tìm hướng đi, chỗ đứng cho con đường thơ của mình. Thật ra, lịch sử thơ ca Việt Nam đã chứng minh rằng, dù là thơ gắn liền với thời sự đi nữa nhưng nếu thơ hay, có sức khái quát thì nó vẫn tồn tại độc lập.

Tập thơ “Mùa biến động” của Nguyễn Quang Hưng với 54 bài, nỗi trăn trở thế sự đã được giăng kín, chồng lớp, đưa bạn đọc đi hết nỗi lo này đến nỗi lo khác. Nhưng không phải để bi lụy, bi quan, mà để mỗi chúng ta hãy áp má xuống đất, lắng nghe tiếng đất. Hãy ngửa mặt nhìn trời mây mà nghe thiên nhiên nổi dậy, dịch bệnh hoành hành để mỗi người phải có cách ứng xử đúng đắn, có trách nhiệm trước thời cuộc, thiên nhiên, bờ cõi, chủ quyền đất nước. Bởi thiên nhiên đang đáp trả chúng ta bằng nắng nóng, bằng lũ lụt, bằng sự trồi sụt của vạt đồi vạt núi, bằng sự hung dữ của các dòng sông oằn oại nước, bằng muôn hình vạn trạng tật bệnh.

Mỗi bài thơ đều có sức gợi, phô bày các hiện tượng và lý giải nó. Tất nhiên ở thể loại thơ, để lý giải cặn kẽ là không thể. Nhưng với sức gợi ấy khiến mỗi chúng ta nhìn lại mình.

GS Nguyễn Văn Hạnh từng viết: “Văn chương cũng như nghệ thuật không thể thay thế cho kinh tế, chính trị và những lĩnh vực quan trọng khác của đời sống xã hội. Nhưng ngược lại, cũng không một lĩnh vực nào có thể thay thế được văn chương trong việc giúp con người hiểu cuộc sống và hiểu chính mình, sống có tình thương, có đạo lý, có văn hóa, vượt qua cái tầm thường, phàm tục, giả dối, để thăng hoa, để ước mơ, vươn đến chân, thiện, mỹ…”.

Có những biến động về thời cuộc, xã hội mà một phần là do con người. Bởi thế, không chỉ người cầm bút, mà cả cộng đồng, đừng để ô nhiễm gió ô nhiễm nắng ô nhiễm cả ý nghĩ. Ngược lại hãy như nhà thơ viết: “Mở vào hôm nay những người xếp hàng/ Trên núi trên trời trên đảo/ Theo những đường biển đường xóm thôn/ Truyền đời ánh nhìn nhận diện/ Truyền nhau thế đứng sắt thép…”.