Phóng viên: Từ ngày 27/4/2021 đến nay, biến chủng Delta xuất hiện với tốc độ lây lan nhanh và mức độ nguy hiểm chưa từng có, số tỉnh, thành phố có ca nhiễm, số người mắc bệnh, số người chết… diễn biến khó lường. Trong khó khăn và thách thức đó, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Xin đồng chí đánh giá kết quả bước đầu?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và toàn thể đồng bào ta ở trong nước và ngoài nước đã đoàn kết, chung sức chạy đua với thời gian, “chống dịch như chống giặc” để từng bước đẩy lùi và vượt qua đại dịch Covid-19. Cùng chung tay với cả hệ thống chính trị và nhân dân, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã chủ động, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt, phối hợp các cơ quan ra lời kêu gọi, tuyên truyền, vận động, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái trong nhân dân, góp công, góp sức, góp tiền ủng hộ tuyến đầu phòng, chống dịch, bổ sung nguồn kinh phí của Chính phủ mua vắc-xin phòng dịch, góp phần ngăn chặn, kiềm chế sự gia tăng và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Kết thúc đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 từ ngày 1/5/2021 đến 31/8/2021, số tiền ủng hộ công tác phòng, chống dịch qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương lên tới hơn 7.770 tỷ đồng, trong đó Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tiếp nhận 888 tỷ đồng.
Các tổ chức thành viên Mặt trận đã chủ động, sáng tạo, linh hoạt tổ chức nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, qua đó khơi dậy, tập hợp được các nguồn lực to lớn cho công tác phòng, chống dịch. Các tổ chức thành viên khác của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng đã vào cuộc từ rất sớm, trực tiếp rà soát khó khăn về cơ chế, thực trạng ảnh hưởng để có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả, kịp thời cho hội viên, đoàn viên và nhân dân, giảm tác động ảnh hưởng từ đại dịch.
Lời kêu gọi của Tổng Bí thư và sự chỉ đạo quyết liệt và chuyển hướng chiến lược của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ, minh chứng rõ nhất là những ngày này, tình hình trên cả nước đã có những kết quả tích cực, 8/23 địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội đã kiểm soát dịch hiệu quả, 12/23 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch. TP Hồ Chí Minh, Bình Dương cũng đã có nhiều cố gắng, tình hình đang chuyển biến theo hướng tích cực.
Phóng viên: Thưa đồng chí, tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thế giới tiếp tục chứng kiến sự xuất hiện và lây lan của nhiều biến thể mới của SARS-CoV-2. Chúng ta bắt đầu chủ động thích ứng và triển khai các kịch bản, giải pháp để chung sống với dịch bệnh trong trạng thái bình thường mới. MTTQ các cấp sẽ tập trung thực hiện các hoạt động nào để tham gia thực hiện chủ trương quan trọng này?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Tại các Phiên họp gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng, dự báo các kịch bản phát triển đất nước trong trạng thái bình thường mới, mục tiêu cao nhất là khôi phục sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội cho nhân dân.
MTTQ Việt Nam tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Thường trực Tiểu ban Vận động và huy động xã hội, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và huy động các tổ chức, cá nhân; cán bộ, đoàn viên, hội viên; các tầng lớp nhân dân hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kêu gọi của MTTQ Việt Nam tiếp tục đóng góp kinh phí, hàng hóa, vật tư y tế, nhu yếu phẩm, nhân lực và nguồn lực để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Nguồn lực tiếp nhận ủng hộ được, Tiểu ban sẽ phân bổ công khai, minh bạch, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả theo quy định của Nhà nước và Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài kêu gọi đóng góp về kinh phí và vật chất, sự đóng góp về trí tuệ của các tầng lớp nhân dân thông qua việc hiến kế ý tưởng, đóng góp các sáng kiến, sáng tạo trong phòng, chống dịch cũng rất quan trọng. Tiểu ban rất trân trọng và mong muốn tiếp nhận những cá nhân, tập thể có đóng góp sản phẩm trí tuệ các giải pháp hữu ích, tiết kiệm để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như việc chung sống với dịch bệnh trong tương lai.
MTTQ Việt Nam phát huy vai trò chủ trì, hiệp thương giữa các tổ chức thành viên, phối hợp Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp bảo đảm lương thực thực phẩm cho người dân, không để ai thiếu ăn thiếu mặc; bảo đảm an dân, an ninh, an toàn trật tự xã hội; vận động mỗi người cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng và Nhà nước, cảnh giác với luận điệu của các thế lực thù địch, kẻ xấu chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng lòng, chung sức cùng quân, dân cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19. Đây là yêu cầu cấp bách và lâu dài để nhân dân có thể nhanh chóng thích nghi với điều kiện bình thường mới.
Phóng viên: Với chức năng và nhiệm vụ của mình, MTTQ sẽ tiếp tục triển khai các nội dung công tác khác trong điều kiện bình thường mới như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Tiến Châu: Với vai trò của mình, MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tiếp tục giám sát việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT của Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam khóa IX về “Đẩy mạnh vận động toàn dân phát triển kinh tế - xã hội và tiếp tục phòng, chống, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19”. Tăng cường tiếp xúc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng để nắm bắt tình hình đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân để phản ánh, kiến nghị kịp thời với Đảng, Nhà nước nhằm giải đáp kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
MTTQ Việt Nam sẽ chủ trì hiệp thương giữa các tổ chức thành viên như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh… để phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động để huy động các tầng lớp nhân dân; doanh nhân, doanh nghiệp tích cực thi đua học tập, lao động; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; nâng cao năng suất và cường độ lao động để tạo động lực mới, sức bật đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, hướng đến những mục tiêu phát triển đất nước mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra. MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên sẽ tổ chức ghi nhận, biểu dương, đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng, có hình thức tôn vinh các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là lực lượng cơ sở và nhân dân có công lao to lớn đóng góp vào công cuộc phòng, chống dịch Covid-19.
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!