Một vở diễn khai thác toàn vẹn giá trị “Vang bóng một thời”

NDO -

Không quá lời khi nhận xét vở diễn “Vang bóng một thời” của Sân khấu Lệ Ngọc vừa hoàn thành, là một thành công mới, mang lại nhiều ấn tượng với công chúng. Vở diễn do nhà viết kịch Nguyễn Hiếu, đạo diễn Bùi Như Lai sáng tác, dàn dựng dựa trên tác phẩm văn học nổi tiếng cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân.

Nhân vật Huấn Cao trên Sân khấu Lệ Ngọc.
Nhân vật Huấn Cao trên Sân khấu Lệ Ngọc.

Đầu tháng 8/2021, trong những ngày dịch Covid-19 đang căng thẳng ở các địa phương nước ta, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc cho tôi biết, chị muốn thực hiện một vở diễn từ tác phẩm văn học “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân để kỷ niệm 35 năm ngày mất của ông (1910-1987). Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Ngọc chơi thân với họa sĩ Thu Giang, con gái nhà văn Nguyễn Tuân, phu nhân danh họa Nguyễn Tư Nghiêm và chị Giang rất khích lệ cho dự định này, song cũng đòi hỏi rất cao trong việc bảo toàn các giá trị của văn chương Nguyễn Tuân.

Tôi đã giới thiệu chị với nhà văn Nguyễn Hiếu, người từng viết kịch bản “Tấm Cám”, một trong các vở diễn ăn khách nhất của sân khấu Lệ Ngọc ở thời điểm ấy. Tuy vậy, thật lòng tôi không nghĩ “Vang bóng một thời” sẽ có thể nhanh chóng được dàn dựng thành công đến thế bởi tác phẩm mang nhiều tính văn chương và quá ít tính kịch.

Nhưng đầu tháng 12/2021, Sân khấu Lệ Ngọc đã tiến hành họp báo công bố khởi dựng vở “Vang bóng một thời” theo kịch bản của Nguyễn Hiếu, do nghệ sĩ Bùi Như Lai đạo diễn cùng Herostatus-Kẻ đốt đền của nghệ sĩ Lê Quý Dương. Thế rồi trong suốt hai tháng đâu năm nay và cả trong những ngày Tết Nguyên đán, cả ê-kíp sáng tạo và tập thể sân khấu Lệ Ngọc đã tập trung cật lực cho cuộc chơi may ít, rủi nhiều này.

Trước đó, trong suốt nửa tháng tham gia ban giám khảo Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Ngọc đã đem theo kịch bản “Vang bóng một thời” của Nguyễn Hiếu để học thuộc lời và tự tập vai diễn và vở diễn đã được ra mắt ngay trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp tại Hà Nội.

Tập truyện ngắn “Vang bóng một thời” được nhà văn Nguyễn Tuân công bố ở tuổi 29 và từng được nhà “bách khoa văn học” Vũ Ngọc Phan đánh giá là "văn phẩm gần tới sự toàn thiện, toàn mỹ". Trong kiệt tác này của văn học Việt Nam, truyện “Chữ người tử tù” với  nhân vật Huấn Cao là biểu tượng của cái đẹp tỏa sáng của nhân cách. Nhà văn, nhà viết kịch Nguyễn Hiếu hiểu rõ điều đó, cho nên anh dựa hẳn vào thiên truyện này để viết kịch bản “Vang bóng một thời” với sự bổ sung những nhân vật và chi tiết của các truyện ngắn “Chém treo ngành”, “Những chiếc ấm đất”... trong tập sách.

Nguyễn Hiếu hiểu rằng, cũng như nhiều nhà văn lớn thế giới, với nhà văn Nguyễn Tuân được nhiều người quá nhận xét là “ngông và duy mỹ bậc nhất văn học Việt Nam”, thì thực ra cái đẹp, cái ngông mà ông suốt đời tôn thờ có hạt nhân là cái chân, cái thiện và cái nhân. Bởi thế tư tưởng: Cái đẹp và sự thiên lương sẽ cứu rỗi con người của Nguyễn Tuân được Nguyễn Hiếu quán xuyến đầy ám ảnh trong bản chuyển thể kịch nói. Nguyễn Hiếu cũng rất trung thành với văn Nguyễn Tuân trong thoại kịch bởi anh biết đó chính là những hạt vàng phải hết sức gìn giữ.

Cho đến nay, không phải ai đọc Nguyễn Tuân cũng thấm thía được cái hay, cái thâm thúy của văn Nguyễn Tuân. Chỉ khai thác được phần kịch mà đánh mất phần văn, cái vĩ đại của kiệt tác Nguyễn Tuân sẽ "bay đi rất nhiều".

Bên cạnh sự thành công của kịch bản, đạo diễn Bùi Như Lai đã đẩy vở diễn lên một tầm cao mới. Anh đã cho thấy khát vọng và triển vọng của một tài năng đạo diễn sân khấu bởi việc chịu đọc, chịu nghĩ, chịu làm, chịu bứt phá qua những vở diễn của mình thời gian qua. Điều này được khẳng định rõ nhất ở vở “Vang bóng một thời” mà anh dàn dựng trên Sân khấu Lệ Ngọc.

Một vở diễn khai thác toàn vẹn giá trị “Vang bóng một thời” -0
Cảnh trong vở diễn Vang bóng một thời. 

Bùi Như Lai đã chọn con đường mang tính truyền thống và ngắn nhất nhưng khó nhất, đẳng cấp nhất với một đạo diễn kịch nói: chinh phục khán giả bằng chính kịch và lời thoại, không cần sự trợ giúp của các mảng miếng, trò diễn ngoài kịch. Tất nhiên, để có được điều này, Bùi Như Lai đã rất yêu, rất tin và đồng cảm sâu xa với văn chương của Nguyễn Tuân và kịch bản của Nguyễn Hiếu. Và bởi thế, nói như đạo diễn tiền bối Nguyễn Đình Nghi, Bùi Như Lai đã thành một "luật sư nhiệt thành bảo vệ kịch bản" chứ không phải như một "công tố hung hăng dè bĩu kịch bản" mà một vài đạo diễn thế hệ trước Bùi Như Lai đã và đang hào hứng làm. 

Từ đó, Bùi Như Lai đã tìm ra chìa khóa để tạo nên thành công của vở diễn: Tập trung khai thác đến mức cao nhất nghệ thuật của người diễn viên, cả nghệ thuật thoại và nghệ thuật diễn. Trang trí, phục trang, âm nhạc cũng theo nguyên lý kinh điển: Tập trung tôn nghệ thuật biểu diễn của diễn viên để làm nên một chỉnh thể. Nhờ thế, chúng ta may mắn được xem những cảnh diễn thật hay, thật kỳ công, đầy sức chinh phục và những lời thoại làm dâng trào cảm xúc.  

Tất nhiên, trước hết và sau cùng, thành công của vở “Vang bóng một thời” được tạo nên từ diễn xuất của tập thể  Sân khấu Lệ Ngọc, từ hai nghệ sĩ gạo cội Lệ Ngọc, Văn Hải đến dàn diễn viên cơ hữu của Sân khấu Lệ Ngọc gồm các nghệ sĩ trẻ đã khẳng định được tài năng như: Anh Tuấn, Quang Tú, Lâm Cương, Huy Hoàng, Anh Đào, Châu Sa, Hoàng Nam... Đây là dàn diễn viên rất hợp với một sân khấu xã hội hóa: Ít mà tinh, lại rất đa năng, hứa hẹn sẽ gắn bó lâu dài với Sân khấu Lệ Ngọc.

Từ khi được xem Sân khấu Lệ Ngọc và quen biết anh Văn Hải, chị Lệ Ngọc, tôi luôn bất ngờ với những gì anh chị làm được cho sân khấu và cả văn học nước nhà. Phải là những người có kiến thức và nhãn quan văn hóa sâu rộng, một tình yêu và niềm say mê đến thế nào mới đề ra một tôn chỉ nghệ thuật như Sân khấu Lệ Ngọc đang thể hiện: Mang quá khứ về hiện tại và mang Việt Nam ra thế giới.

Ban đầu, ai cũng tưởng đó chỉ là một khẩu hiệu to tát suông nhưng rồi kinh ngạc khi chứng kiến đó là những gì Sân khấu Lệ Ngọc, một sân khấu tư nhân ở phía bắc, nơi 99,9% là sân khấu công lập, đã và đang làm. Mới chỉ 5 năm mà Sân khấu Lệ Ngọc đã đưa rất nhiều giá trị văn học dân gian và hiện đại Việt Nam lên sàn diễn của mình qua các vở diễn: Ngũ biến (hầu đồng), Tấm Cám, Cây tre thần, Huyền thoại Gò Rồng Ấp, Quan Âm Diệu Thiện, Thị Nở Chí Phèo, Huyền thoại  Đinh Tiên Hoàng, Dế mèn... và bây giờ là “Vang bóng một thời”. Họ hiểu đây là những giá trị vĩnh cửu của dân tộc và phổ biến của nhân loại.

Không phải ngẫu nhiên giữa thời mà sân khấu chỉ quẩn quanh trong nước thì Sân khấu Lệ Ngọc đã xuất ngoại biểu diễn ở 11 nước châu Á, châu Âu chỉ trong năm 2019 và chỉ tạm dừng các chuyến lưu diễn ấy vì dịch Covid-19 trong hai năm qua. Năm 2022 này, dù dịch bệnh vẫn căng thẳng ở nhiều nước, những Sân khấu Lệ Ngọc đã có hai lời mời xuất ngoại: Trở lại Vương quốc Buthtan và đến Hy Lạp, quê hương của người đốt đền Herostrastus vừa được đưa lên Sân khấu Lệ Ngọc.

Ở trong nước, các buổi diễn của Sân khấu Lệ Ngọc bao giờ cũng cháy vé. Người xem đến với Lệ Ngọc không chỉ vì những vở diễn luôn làm vì khán giả mà còn vì họ luôn được coi là Thượng đế với các địa điểm biểu diễn tiện nghi, sang trọng, với sự chăm sóc tận tình và sự thấu hiểu sâu sắc. Thật sự mà nói, những nơi coi sân khấu là thánh đường và khán giả là thượng đế như Sân khấu Lệ Ngọc ở nước ta hiện không nhiều.

Như nhận xét của Giám đốc Nhà xuất bản Sân khấu, nhà văn Nguyễn Tuân đã trở lại trong sự ngưỡng mộ của những người yêu thích văn chương và sân khấu đúng dịp 35 năm Ngày ông ra đi trong một tác phẩm sân khấu xứng đáng với kiệt tác văn học của ông. Sau vở “Vang bóng một thời”, tập thể Sân khấu Lệ Ngọc đang ấp ủ dự án dàn dựng vở diễn về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong mối quan hệ với người Mỹ trong những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Đây là một dự án khó, nhưng thành công của vở “Vang bóng một thời” chắc chắn sẽ tạo niềm tin cho họ trong hành trình dấn thân vì nghệ thuật.