Một trẻ em chết, sáu người khác cấp cứu do ngộ độc cá nóc

NDO -

NDĐT - Thông tin từ Bệnh viện T.Ư Huế ngày 27-6, cho biết, một trẻ nhỏ chín tuổi đã tử vong và sáu người khác (trong đó, có bốn trẻ em) hiện đang nhập viện cấp cứu tại Khoa Cấp cứu hồi sức và Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện T.Ư Huế) do ăn cá nóc.

Các cháu nhỏ hiện đang điều trị tích cực tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện T.Ư Huế.
Các cháu nhỏ hiện đang điều trị tích cực tại Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện T.Ư Huế.

Vụ ngộ độc trên xảy ra vào trưa 26-6, khi gia đình ông Hoàng Văn Lưỡng (40 tuổi), ở đội 3, thôn Quy Lai, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) được vợ chồng bà Nguyễn Thị Dung (trú cùng thôn) mời sang nhà ăn cơm sau khi chồng bà Dung vừa đi biển về.

Bảy người nhập viện do ngộ độc cá nóc đều cư trú ở thôn Quy Lai, xã Phú Thanh, trong đó, năm thành viên trong một gia đình gồm: chị Nguyễn Thị Dung (39 tuổi), mẹ của ba cháu nhỏ đang điều trị tại Khoa Cấp cứu hồi sức cùng ba người khác là Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 2007), Nguyễn Thị Bảo Ngọc (SN 2011) và Nguyễn Văn Tiến (SN 2010). Riêng trường hợp cháu Nguyễn Thị Oanh (SN 2005), con của anh Nguyễn Văn Thiện và chị Dung, đã tử vong sau khi nhập viện vì ăn nhiều cá nóc.

Ông Hoàng Văn Lưỡng kể: “Lúc 12 giờ trưa 26-6, tôi và con trai được mời qua nhà anh Thiện và chị Dung dùng cơm, anh Thiện vừa đi làm từ biển về có con cá nóc ngon nên đã làm món um chua với con lệch, cho mọi người cùng ăn. Sau đó, tui về nhà ngủ đến 16 giờ, tỉnh dậy thì nghe cháu Nguyễn Thị Oanh đã tử vong, mấy người còn lại bị nôn mửa”.

Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu hồi sức - Bệnh viện T.Ư Huế, hiện trình trạng ông Lưỡng đã khá hơn, có thể trò chuyện với mọi người. Riêng chị Dung, vẫn trong tình trạng nặng. Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Cấp cứu hồi sức cho biết: Hai bệnh nhân nhập viện vào cấp cứu đa khoa lúc 17 giờ 40 phút, ngày 26-6, sau đó chuyển lên cấp cứu hồi sức lúc 18 giờ. Khi mới nhập viện, hai bệnh nhân ngộ độc cá nóc có triệu chứng tê lưỡi, miệng, môi, mặt, tê ngón và bàn tay, ngón chân và bàn chân; đau đầu, vã mồ hôi. Ngoài ra, bệnh nhân còn đau bụng, buồn nôn và nôn nhiều, tăng tiết nước bọt. Các bác sĩ đã nhanh chóng cho uống than hoạt sớm trong vòng một giờ thì có hiệu quả. Hiện đã loại bỏ chất độc khỏi cơ thể người bệnh. Riêng trường hợp chị Dung, hiện vẫn nặng; ông Lưỡng đang hồi phục dần, có thể nói chuyện được.

Hiện, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện T.Ư Huế vẫn đang điều trị bốn trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc cá nóc nặng. TS.Bác sĩ Trần Kiêm Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nhi khoa cho biết: Khi mới nhập viện, ba trong số bốn cháu bị ngộ độc bị hôn mê sâu, rối loạn nhịp thở, suy hô hấp; một cháu còn lại chỉ rối loạn ý thức, chưa hôn mê. Sau khi tiến hành cấp cứu tích cực, sức khỏe các cháu đã tiến triển tốt.