Một thế kỷ phát hiện văn hóa Sa Huỳnh

Văn hóa Sa Huỳnh được các nhà khảo cổ đặt tên theo địa danh nơi di tích khảo cổ được phát hiện đầu tiên. Bà Vi-nét, một nhân viên thuế quan ở tỉnh Quảng Ngãi thời đó thông báo về việc phát hiện những quan tài bằng gốm ở đầm muối Sa Huỳnh, huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, đăng trên tạp san Trường Viễn Ðông Bác Cổ Pháp năm 1909 và trở thành dấu mốc phát hiện nền văn hóa Sa Huỳnh. Từ đó đến nay, ngót 80 di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện, hàng chục điểm ở Hà Tĩnh, Bình Ðịnh, Huế, Quảng Ngãi, Ðồng Nai, Khánh Hòa, Tây Nguyên... được khai quật nghiên cứu khẳng định nguồn gốc bản địa, giao lưu giữa văn hóa Sa Huỳnh với các nền văn hóa cùng thời nổi tiếng ở Việt Nam và Ðông - Nam Á. Ðể giới thiệu một phần di sản của nền văn hóa nổi tiếng này, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề: "Sa Huỳnh 100 năm - phát hiện và nghiên cứu" với nhiều bộ sưu tập chọn lọc được phát hiện,  trong đó có sưu tập mộ chum được đánh giá là độc đáo nhất.

Ðặc trưng nổi trội của văn hóa Sa Huỳnh sơ kỳ thời đại đồ sắt cách nay 2.500 - 2.000 năm là mộ chum. Mộ chum được chôn thành cụm, thường ở cồn cao ven biển, ven sông với những hình thức mai táng: cải táng, hỏa táng, hung táng trẻ em và mộ tượng trưng. Mộ chum Sa Huỳnh đa dạng về kích thước và kiểu dáng, như chum hình trụ, chum hình trứng, chum hình trung gian giữa hình trụ và hình trứng, chum hình cầu, chum lồng nhau,... Chum thường có nắp hình nón cụt đáy, loại gần hình chóp nón đáy gần nhọn, loại hình cầu đáy lòng chảo,... Kích thước chum khá đa dạng, chum lớn nhất có chiều cao tới 1,8 m, đường kính 1m còn đa phần cao dưới 1m, đường kính 50 cm - 60 cm. Ngoài mộ chum, văn hóa Sa Huỳnh còn có loại mộ đất, mộ nồi vò nhưng ít phổ biến hơn. Quy mô cũng như sự phân bố các mộ trong di tích Sa Huỳnh cũng rất khác nhau. Những bãi mộ có hàng trăm chiếc như ở Thạch Ðức, Phú Khương, Sa Huỳnh, Quảng Ngãi, kỷ lục là di tích Cồn Ràng (Thừa Thiên - Huế) phát hiện 207 mộ chum và 6 mộ đất trên diện tích khai quật 2.200m2. Nhưng cũng có những di tích chỉ phát hiện vài ba mộ. Trong chum có đồ tùy táng chôn theo gồm đồ gốm, công cụ đá, công cụ sắt, đồng và đồ trang sức,... Ðặc biệt là chiếc chum mai táng hình trái đào mới được phát hiện vào cuối năm 2008 tại di chỉ Bãi Cọi (Xuân Viên, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gây nhiều ngạc nhiên cho khách tham quan. Chum xuất lộ ở độ sâu 0,38m đặt nằm nghiêng theo hướng tây đông, miệng chum úp một chiếc nón cụt có trang trí văn chấm thô, văn khắc vạch, vai chum có trang trí hoa văn đập chéo, thân chum trang trí văn thừng. Trong chum không có đồ tùy táng, bên cạnh chum còn tìm thấy một chiếc bát bồng vỡ và có hiện tượng đập vỡ hiện vật trước khi đem chôn, các mảnh gốm được chèn chung quanh mộ.

Ðồ sắt là hiện vật đặc trưng của văn hóa Sa Huỳnh. Vật tùy táng bằng sắt tìm thấy khá phổ biến trong mỗi ngôi mộ. Ðồ sắt khá phong phú về loại hình, kiểu dáng cũng như công dụng. Có hai nhóm đồ sắt cơ bản là công cụ sản xuất và vũ khí. Về công cụ sản xuất phổ biến là các loại rìu sắt thân cong lưỡi xòe, các loại dao, dao quắm (rựa), mũi nhọn, thuổng, đặc biệt là sự có mặt của cuốc sắt. Ở giai đoạn sớm cư dân văn hóa này dùng công cụ đá như cuốc, rìu,... Nền nông nghiệp dùng cuốc chi phối sự phát triển kinh tế của cư dân Sa Huỳnh từ sớm đến muộn. Ở giai đoạn phát triển hưng thịnh nhất, với sự ra đời của đồ sắt đã tạo một bước ngoặt lớn trong sản xuất nông nghiệp của cư dân Sa Huỳnh. Về nhóm vũ khí có thể kể tới kiếm, dao găm, mũi giáo, mũi lao, hầu hết đều có chuôi hoặc họng để tra cán gỗ. Nhìn chung, kỹ nghệ luyện kim đồng thau của cư dân văn hóa Sa Huỳnh kém phát triển so với cư dân văn hóa Ðông Sơn nhưng ngược lại kỹ thuật luyện sắt của cư dân văn hóa Sa Huỳnh rất phát triển. Qua nghiên cứu cho thấy nghề chế tạo sắt phát triển rất mạnh. Ðồ sắt Sa Huỳnh được chế tạo từ sắt luyện trong các lò thủ công theo phương pháp hoàn nguyên, sắt có chất lượng khá cao, ít tạp chất, kỹ thuật chế tạo chủ yếu là rèn nóng.

ÐỒ gốm Sa Huỳnh cũng tạo nên bản sắc riêng cho nền văn hóa nổi tiếng này, là kết tinh của quá trình lao động sáng tạo của các cư dân bản địa với những sản phẩm tạo hình đa dạng tinh tế. Ngoài những quan tài bằng gốm còn có các loại hình gắn liền với đời sống sinh hoạt của con người. Nồi dùng để đun nấu, có dáng hình cầu. Nồi trong các di tích Sa Huỳnh có số lượng lớn, đa dạng về kiểu dáng, với hai tính năng: dùng trong sinh hoạt hằng ngày và dùng làm đồ tùy táng. Bình thuộc nhóm đồ đựng có chân đế, khá phổ biến và được cư dân Sa Huỳnh trang trí khá cầu kỳ, chủ yếu là bình con tiện, thể hiện trên các kiểu: bình có thân gãy góc và bình có thân không gãy góc. Mâm/bát bồng,  hai loại có kiểu dáng giống nhau với phần thân trên miệng loe hoặc khum, lòng nông, chân đế cao thường được trang trí cầu kỳ nhất là mâm bồng. Ðèn được tìm thấy chủ yếu trong mộ táng, có thể liên quan đến nghi lễ. Về cấu tạo, chân đế  hơi giống chân đế bình hoặc mâm bồng, phần miệng rộng loe hoặc khum, trong tạo nổi "ốc" rỗng. Dọi se chỉ: có mặt trong hầu hết các địa  điểm khai quật, với hình dạng mặt cắt, hình thoi, dạng hai hình nón cụt úp nhau, hình thang, hình cầu và gần hình cầu. Ðồ trang sức: tuy không phổ biến nhưng cũng là nét độc đáo tạo nên đặc trưng của văn  hóa Sa Huỳnh với các loại hình khuyên tai, hạt, chuỗi.

NGUYỄN THU