Các văn bản của Ðảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới đều khẳng định: phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu; sứ mạng cơ bản của giáo dục và đào tạo (sau đây gọi tắt là GD) là phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu CNH, HÐH, hội nhập quốc tế nhằm mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
I. Về đánh giá chung những thành tựu và điểm yếu của GD nước ta
Nói chung, sự nghiệp đổi mới GD trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định, tạo ra những chuyển biến quan trọng của bản thân ngành GD, góp phần phát triển đất nước. Ðồng thời cũng còn nhiều yếu kém, trong đó có một số yếu kém lớn không những đã hạn chế tác dụng của những thành tựu mà còn đang là những trở lực cần phải kiên quyết khắc phục kịp thời để có thể tiếp tục đổi mới GD.
1- Thành tựu nổi bật là đã hoàn thành về cơ bản xóa mù chữ theo tiêu chí quy định và phổ cập tiểu học (tuy nhiên vẫn cần phải sớm sửa đổi tiêu chí cho phù hợp để bảo đảm tất cả mọi người trong tuổi lao động ở miền xuôi cũng như ở miền núi đều phải biết chữ...); nhiệm vụ phổ cập THCS đang được triển khai mạnh mẽ. GD dạy nghề đã được hồi phục sau một thời gian suy giảm. Quy mô GD đại học tăng nhanh trong thập kỷ 90 sau một thời gian dài trì trệ trong thập kỷ 80. Mạng lưới các trường học trải rộng khắp mọi miền của đất nước kể cả các vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo, tạo cơ hội học tập cho con em dân tộc ít người, cho bình đẳng giới. Ðã hình thành hơn 4.000 trung tâm học tập cộng đồng trong cả nước góp phần xây dựng xã hội học tập từ cơ sở và ngay từ bây giờ. Số học sinh tham dự các kỳ thi quốc tế và khu vực đạt nhiều giải cao. Ðã hình thành khối trường ngoài công lập, đẩy mạnh xã hội hóa GD, mở rộng quan hệ quốc tế, bước đầu áp dụng những thành tựu và kinh nghiệm tốt trên thế giới về GD phù hợp thực tiễn nước ta.
Nếu so sánh với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, trong điều kiện nước ta còn nhiều khó khăn thì những thành tựu nêu trên là đáng kể, đã tạo điều kiện thuận lợi để GD nước ta thích ứng với những yêu cầu đổi mới kinh tế-xã hội ngày càng cao trong thời gian tới. Ðể hình dung cho hết khó khăn thực sự của GD ở nước ta, chỉ so sánh đầu tư trên đầu học sinh thì chưa đủ; thí dụ ở thành phố, nhiều trường vẫn thường có những lớp học trên 50 học sinh, trong lúc ở nhiều nước, đã quy định 16 - 25; phần lớn trường của chúng ta vẫn chưa có phòng thí nghiệm, thư viện cần thiết...; ở nông thôn vẫn còn nhiều lớp học ba ca, học sinh ở xa trường hàng chục cây số, vừa là học sinh vừa là lao động gia đình, v.v.
2- Yếu kém lớn nhất của nền GD hiện nay là: Một nền GD tách rời thực tiễn và kém thiết thực; nặng về học chữ và hướng theo thi cử, chưa quan tâm đúng mức đến những năng lực then chốt, như: độc lập suy nghĩ, kỹ năng thực hành, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, vi tính, v.v, đến GD đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống... cần thiết cho thế hệ trẻ khi bước vào sự nghiệp CNH, HÐH, hội nhập quốc tế và xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Quy mô đào tạo nhân lực, nhất là công nhân kỹ thuật, nhân lực trình độ cao, chưa đáp ứng được nhu cầu cho CNH, HÐH.
Trong lĩnh vực GD, có nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài, chậm được khắc phục. Nền GD còn khép kín, chưa liên thông tốt ngay trong bản thân hệ thống giáo dục và đào tạo, ít liên kết với kinh tế-xã hội trên nhiều mặt, do vậy nền GD kém nhạy bén và thích ứng chậm đối với những thay đổi nhanh chóng của thực tiễn và phát triển kinh tế-xã hội. Khoảng cách bấp cập của phát triển giáo dục và đào tạo so với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội đang có chiều hướng tăng lên.
3- Nguyên nhân chủ yếu của các yếu kém này là:
- Các cấp lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước cùng với các ngành chưa thật sự làm cho quan điểm cơ bản "giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và kỹ thuật là quốc sách hàng đầu" được xã hội nhận thức rõ ràng. Trong thực hiện, còn thiếu cụ thể hóa, kế hoạch hóa và lộ trình hóa chiến lược đổi mới GD một cách thiết thực và hiệu quả, theo hướng gắn kết với yêu cầu phát triển đất nước, với chiến lược chuyển đổi kinh tế theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, nhằm mục tiêu CNH, HÐH, hội nhập quốc tế, là những định hướng đúng quy luật, có nhiều mới mẻ, thách thức mà ta còn chưa nhận thức được đầy đủ và kịp thời cũng như chưa có được nhiều kinh nghiệm. Chính đây là nguyên nhân chủ yếu của sự thích ứng kém nhạy bén và sự bất cập của GD đối với yêu cầu GD phải chuyển giai đoạn;
- Ðội ngũ giảng viên đại học và giáo viên phổ thông, là nhân tố quyết định chất lượng đào tạo, nhìn chung còn bất cập cả về số lượng, cả về trình độ khoa học-công nghệ nhất là về phương pháp dạy học; bên cạnh đó, một bộ phận còn chịu tác động của các mặt tiêu cực trong kinh tế thị trường, cho nên đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu dạy người, dạy nghề phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH;
- Chưa làm cho xã hội đồng thuận và tích cực hưởng ứng, đóng góp công sức vào việc thực hiện những chủ trương đổi mới của ngành, trong khi bản chất của sự nghiệp GD mang tính xã hội rất cao. Ðặc biệt, việc khắc phục những tiêu cực trong GD, còn thiếu sự phối hợp với gia đình và xã hội cùng làm, nên ngành GD cũng chỉ đạt được những kết quả khá hạn chế và không vững bền, vì nguyên nhân của những tiêu cực đó không phải chỉ từ phía trường học mà còn từ nhiều phía khác;
- Ðổi mới tư duy quản lý GD khá chậm so với đòi hỏi, chưa tương thích với đổi mới tư duy quản lý kinh tế để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề do thực tiễn đặt ra cho công cuộc đổi mới GD. Ðặc biệt chưa thực hiện mạnh mẽ sự phân biệt quản lý nhà nước về GD và quản lý sự nghiệp của các cơ sở. Năng lực quản lý, tổ chức triển khai thực hiện của toàn ngành GD còn yếu, ôm đồm bao biện, nặng về đối phó, bị động tháo gỡ những gay cấn, chậm phát huy những nhân tố mới và những tiềm năng trong xã hội để phát triển GD. Lĩnh vực các khoa học về GD có tính tổng hợp cao, nhưng công tác nghiên cứu dự báo, xây dựng chiến lược GD cũng như nghiên cứu khoa học về GD và quản lý GD còn yếu.
II- Về hướng phát triển giáo dục và đào tạo
1. Về mối quan hệ giữa quy mô, chất lượng GD và điều kiện đáp ứng
Trong khi có nhận định chung về những điểm mạnh, điểm yếu của GD nước ta như vừa trình bày, nhiệm vụ đặt ra là phải tìm được vấn đề vừa bức xúc nhất đồng thời lại vừa bản chất nhất trong thực trạng GD để tập trung giải quyết phục vụ cho hướng phát triển GD trong thời gian tới. Chúng tôi nghĩ rằng, vấn đề đó chính là về mâu thuẫn lớn trong quá trình phát triển GD những năm qua, mà Nghị quyết T.Ư 2 (khóa VIII) (12-1996) đã chỉ rõ: "Hiện nay sự nghiệp giáo dục - đào tạo đang đứng trước mâu thuẫn lớn giữa yêu cầu vừa phải phát triển nhanh quy mô giáo dục-đào tạo, vừa phải gấp rút nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trong khi khả năng và điều kiện đáp ứng yêu cầu còn nhiều hạn chế. Ðó là mâu thuẫn trong quá trình phát triển. Những thiếu sót chủ quan, nhất là những yếu kém về quản lý đã làm cho những mâu thuẫn đó càng thêm gay gắt".
Ý tưởng này cho thấy: "- mâu thuẫn lớn của tình hình, cũng là mâu thuẫn trong quá trình phát triển, là mâu thuẫn giữa ba yếu tố: quy mô, chất lượng và điều kiện; từ cách đặt vấn đề như thế, có thể tìm trúng hướng giải quyết. Mâu thuẫn lớn nói trên đặc biệt đã thể hiện khá gay gắt ở GD đại học. Trong suốt tám năm qua, cùng với xu thế phổ cập THCS, mở rộng THPT, phát triển giáo dục không chính quy,... tức là giáo dục cho toàn dân và xu thế phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng cao cần thiết cho CNH, HÐH, hội nhập quốc tế, thì nhu cầu đa dạng về học đại học gia tăng rất nhanh (khoảng 20%/năm) còn chỉ tiêu tuyển sinh lại tăng rất ít (khoảng 5 - 6%/năm). Những cải tiến liên tục về tuyển sinh đại học cũng như những cố gắng bước đầu cải tiến chất lượng đào tạo cùng với những điều kiện bảo đảm rõ ràng đã không giải quyết được mâu thuẫn này. Chúng tôi cho rằng, thực chất của mâu thuẫn này là: sự cần thiết phải thực hiện ngay quá trình chuyển dịch sang thời kỳ GD đại học cho số đông (đại học đại chúng) mâu thuẫn với cách tư duy chỉ đạo về cơ bản vẫn còn dựa trên quan niệm GD đại học cho số ít (đại học tinh hoa). Chính mâu thuẫn này giữa nhu cầu học đại học quá lớn và cách đáp ứng nhu cầu lại quá nhỏ, là một trong những nguyên nhân gây ra những hiện tượng tiêu cực trong GD, như học thêm, dạy thêm tràn lan, như học giả bằng thật, nhất là bằng đại học...
Ðại hội IX (4-2001) cũng như Nghị quyết T.Ư 6 (khóa IX) (7-2002) và Chiến lược phát triển GD 2001-2010 (12-2001) đã chỉ rõ hướng giải quyết mâu thuẫn giữa quy mô, chất lượng và điều kiện là, phải đa dạng hóa trình độ và hình thức GD, chuẩn hóa và hiện đại hóa chất lượng của từng dạng, xã hội hóa việc khai thác nhiều nguồn lực đang tiềm tàng trong xã hội cho GD, nhằm phát triển mạnh quy mô, trên cơ sở đó, xác định các tầng chất lượng và điều kiện đảm bảo đối với từng tầng, từng dạng chất lượng.
Vận dụng vào GD đại học, những giải pháp sơ bộ theo hướng giải quyết mâu thuẫn này đã có trong thực tế và đã được ghi vào các nghị quyết, như: mở rộng loại trường cao đẳng cộng đồng hai, ba năm, các hình thức đào tạo nhân lực sau trung học phổ thông (khoảng hai năm), các loại đại học ngắn hạn; đẩy nhanh việc mở trường ngoài công lập, tăng mạnh tỷ trọng sinh viên học ở các trường ngoài công lập; phát triển mạnh những hình thức đào tạo không chính quy, đặc biệt sớm mở rộng đào tạo từ xa... tạo những điều kiện thuận lợi cho sự hội nhập quốc tế về đại học từ việc mở trường nước ngoài, thực hiện "du học tại chỗ" đến việc áp dụng sáng tạo những thành tựu khoa học, công nghệ của thế giới vào việc đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, kể cả đổi mới cách quản lý GD, phù hợp với thực tiễn Việt Nam...
Ðó là tầm nhìn xa cần thiết đối với sự phát triển GD, đặc biệt GD đại học, tiến hành theo quan điểm chủ động thích ứng với phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, với quá trình CNH, HÐH, hội nhập kinh tế quốc tế, giải quyết mâu thuẫn giữa ba yếu tố: quy mô, chất lượng và các điều kiện như đã nêu, góp phần hình thành một xã hội học tập và từng bước phát triển kinh tế tri thức. Ðiều chỉnh tiến trình đổi mới GD theo quỹ đạo vừa nêu là một hướng quan trọng để đưa GD ra khỏi những lúng túng, bất cập khá gay gắt hiện nay để GD có thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
2. Về chất lượng giáo dục
Chất lượng GD còn phải được xem xét theo mục tiêu đào tạo con người. Cần nhấn mạnh những phẩm chất cần thiết về phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực như: tính trung thực, tính trách nhiệm, tính kỷ luật, tính sáng tạo, khả năng tự lập, năng lực hợp tác và cạnh tranh (trong nước và quốc tế)..., hoài bão xây dựng đất nước để "sánh vai". Phương pháp dạy, học, đánh giá, ở bất kỳ bậc cấp học, hình thức học nào cũng đều là yếu tố trực tiếp quyết định chất lượng, hằng ngày được hàng vạn thầy giáo, hàng triệu học sinh thực hiện. Xây dựng phẩm chất, nhân cách con người, đổi mới phương pháp dạy và học phải bắt đầu từ người thầy.
Sau đây là một vài suy nghĩ.
2.1/Trước hết về giáo dục phổ thông
Giáo dục phổ thông là nền tảng cơ bản của giáo dục một nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục và hình thành nhân cách công dân của thế hệ trẻ và nâng cao mặt bằng dân trí. Chất lượng giáo dục phổ thông nên được nhìn nhận từ vị trí, mục tiêu, nội dung và phương pháp dạy và học ở từng cấp học theo ba tiêu chí: phổ thông, cơ bản và thiết thực. Hiện nay, trong toàn ngành đang triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học và THCS cùng với yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Chưa thể đòi hỏi hiệu quả tức thời, tuy nhiên dư luận xã hội vẫn còn nhiều băn khoăn, quan ngại về sự nặng nề, quá tải trong nội dung chương trình và kiến thức môn học nói chung và giữa các vùng, miền nói riêng và đặc biệt về mục tiêu giáo dục toàn diện (đức, trí, thể, mỹ; ý chí và hoài bão cống hiến cho xã hội...) cho thế hệ trẻ nước ta. Cần rà soát lại mục tiêu, chương trình sách giáo khoa sao cho thực sự phổ thông, cơ bản và thiết thực và có khả năng hòa nhập với giáo dục các nước trong khu vực và trên thế giới. Thu hút các giới khoa học, công nghệ, giảng dạy, doanh nghiệp, văn hóa, xã hội, v.v... tham gia xây dựng/thẩm định các chương trình và giáo trình (có thể gọi là xã hội hóa việc xây dựng chương trình, giáo trình - một việc làm mới mẻ và hiệu quả, phù hợp thực tiễn Việt Nam). Cần giải quyết tốt vấn đề phân hóa và phân luồng sau THCS, quan tâm đến năng lực cá biệt, hứng thú, nguyện vọng của học sinh và gia đình họ. Ðể giảm sự nặng nề cho GD, cần bỏ thi tốt nghiệp tiểu học và THCS mà chỉ tổ chức kiểm tra cuối cấp; vẫn phải tổ chức thi vào và thi tốt nghiệp ở THPT. Chưa thể sớm bỏ thi tuyển sinh đại học; cần chuẩn bị tiến tới hợp nhất thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển đại học vào một kỳ thi chung.
2.2/ Về chất lượng đào tạo đại học
Cần cụ thể hóa mục tiêu đào tạo đại học đã nêu trong những văn kiện như bản Chiến lược phát triển GD 2001-2010. Ðặc điểm lớn của GD đại học là đào tạo nhân lực trình độ cao theo những lĩnh vực, ngành nghề khác nhau, đồng thời phải tiến hành nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cho nên tính tự chủ và chịu trách nhiệm xã hội của trường đại học rất cao. Chất lượng của GD đại học phải trở thành lẽ sống, uy tín và danh dự của chính nhà trường. Quản lý trường đại học phải chuyển sang lấy quản lý chất lượng làm cốt lõi. Ðại học ngày nay ở nước ta đang đi vào quỹ đạo của đại học đại chúng, nên chất lượng đại học đang phải phân tầng, cơ cấu phân tầng này chưa được đặt ra một cách rõ ràng và có hệ thống; thí dụ có tầng chất lượng tầm quốc tế, tầng chất lượng tầm quốc gia, tầng chất lượng tầm cộng đồng... Ðể nâng cao chất lượng GD đại học, quá trình đào tạo đại học phải là một quá trình chọn lọc, buộc sinh viên phải có trách nhiệm cao với việc học đồng thời cũng tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học. Mặt khác cần chấn chỉnh việc đào tạo sau đại học, bảo đảm các văn bằng, học vị là thực chất.
Cần sớm xây dựng đề án cải cách GD đại học với kế hoạch thực hiện rõ ràng, cụ thể.
3. Về quản lý giáo dục
Cần tập trung giải quyết sớm một số vấn đề sau đây:
1- Quản lý GD là khâu quan trọng quyết định sự thành bại của sự nghiệp GD và cũng thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ. Theo sự phân tích đã nói ở phần nguyên nhân của yếu kém, cần khẩn trương làm rõ nhận thức về tính chuyển giai đoạn của nền kinh tế, về sự tương thích tất yếu của cơ chế điều hành GD, đặc biệt là GD đại học, với cơ chế thị trường, định hướng XHCN, làm cơ sở để có nhận thức đúng và quyết tâm tổ chức thực hiện những chủ trương đổi mới quản lý GD ở các cấp. Ðồng thời khắc phục những yếu kém trong quản lý cụ thể như đã nêu trong Chiến lược phát triển GD; phân định rõ trách nhiệm của các bộ, các cấp; phải coi khâu quản lý này là then chốt để giải quyết những vấn đề về GD đang đặt ra một cách rất bức xúc trong xã hội.
2- Về chính sách: Hầu như những chính sách lớn để thực hiện Chiến lược phát triển GD 2001-2010 đều đã được đề ra, nhưng tiến trình thực hiện chậm đồng thời cũng không có một cam kết thời hạn nào về lộ trình giải quyết.
Xin nhấn mạnh thêm một số điểm về các chính sách sau đây:
+ Chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý GD, đội ngũ giáo viên, giảng viên phải tạo được động lực, phát huy người có năng lực, sàng lọc người yếu kém; thu hút người giỏi bao gồm cả các nhà giáo, nhà khoa học Việt kiều, những chuyên gia giỏi nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ;
+ Chính sách về đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị dạy học, thí nghiệm và thực hành và chính sách về đất đai đều rất cần thiết cho việc mở trường cả công lập, ngoài công lập và hiện đại hóa nhà trường;
+ Chính sách tạo cơ hội học tập cho học sinh, sinh viên phải nhằm mở rộng hơn việc thực hiện công bằng xã hội. Trong điều kiện kinh tế còn khó khăn; đối với các cấp GD phổ cập, phải miễn học phí; đối với các cấp THPT và các cấp đại học, người học phải đóng học phí, nhưng có chính sách miễn giảm phù hợp cho người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn (như khuyết tật...);
3- Tạo sự tham gia tích cực của xã hội và sự đồng thuận xã hội đối với GD.
Ðây là chức năng lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị của chúng ta để tạo thành một cuộc vận động quần chúng có tính cách mạng. Làm cho nhân dân nắm được và đồng tình với mục tiêu, chủ trương, chính sách về phát triển GD; vận động mọi người tham gia học tập, tự học, tự đào tạo; vận động mọi người góp công góp sức để phát triển GD; làm cho người lớn, phụ huynh thấy trách nhiệm chăm lo cho con em học tập rèn luyện tốt hơn, người lớn phải là tấm gương tốt.
III. Ðề nghị cần làm ngay
- Sửa đổi, bổ sung Luật GD cần đáp ứng những yêu cầu mới, để tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và đào tạo theo hướng được xác định như trên;
- Năm 2005 là năm đầy sự kiện quan trọng (kỷ niệm những ngày lễ lớn) đồng thời cũng là năm sắp bắt đầu giai đoạn 2 của Chiến lược phát triển GD 2001-2010. Ðề nghị lấy năm 2005 làm năm chấn hưng giáo dục Việt Nam để phát động một phong trào trong xã hội tập trung vào GD, từ nâng cao nhận thức đến việc xác định trách nhiệm của mỗi người, mỗi ngành, mỗi cấp đối với GD. Ðặc biệt ngành GD cần phát động trong các cấp quản lý GD, các trường học phong trào chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nghiêm chỉnh thực hiện các quy chế, tạo một bước ngoặt trong hoạt động giáo dục và đào tạo, thực hiện tốt các chủ trương kế hoạch theo Chiến lược phát triển GD 2001 - 2010.