Một số ý kiến của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

NDO -

Ngày 22/7, Quốc hội nghe Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Báo Nhân Dân trân trọng giới thiệu một số ý kiến của các cử tri được ghi nhận tại kỳ họp.

Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường ngày 22/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: DUY LINH)
Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường ngày 22/7, Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV. (Ảnh: DUY LINH)

Sớm khôi phục sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển

Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh diễn ra liên tục và phức tạp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, nền kinh tế thành phố nói chung và các khu công nghiệp, khu công nghệ cao (KCN-KCNC) nói riêng bị ảnh hưởng tiêu cực kéo dài. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết doanh nghiệp đã thích ứng với điều kiện dịch bệnh, triển khai nhiều biện pháp thực hiện “mục tiêu kép”, nỗ lực để khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế trong điều kiện mới theo yêu cầu của Chính phủ và chỉ đạo của Thành ủy Đà Nẵng.  

Theo tôi, cần sớm triển khai các giải pháp để khôi phục sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế của thành phố. Trước hết và quan trọng vẫn là kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh. Trong điều kiện hiện nay, thu hút đầu tư, nhất là dự án lớn vốn đầu tư nước ngoài cũng là một thách thức, cần có hình thức mới.

Đối với các KCN, KCNC, công tác thu hút đầu tư được Ban quản lý đa dạng hóa và tổ chức các hoạt động, chương trình xúc tiến đầu tư thông qua các kênh giao lưu, tiếp xúc trực tuyến với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư là một giải pháp cần thiết, tình hình hiện nay đặt ra yêu cầu phải có biện pháp cải cách mạnh mẽ, thiết thực, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính, bảo đảm cung cấp các dịch vụ công không bị trì hoãn, kéo dài do ảnh hưởng của dịch bệnh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, các biện pháp như bưu chính công ích, thủ tục trực tuyến cần được ưu tiên đẩy mạnh thực hiện.  

PHẠM TRƯỜNG SƠN
Trưởng ban Quản lý KCNC và các KCN Đà Nẵng

_ _ _ _ _

Bảo đảm hoạt động sản xuất để cung ứng nông sản đến vùng dịch

Hiện nay, theo tôi cần xây dựng các kịch bản, thích nghi với điều kiện mới “vừa sản xuất, vừa chống dịch ngay tại nhà máy, xí nghiệp” bảo đảm nguồn lao động cho sản xuất liên tục, không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. 

Để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản cho các vùng dịch, cùng với việc phát động phong trào hỗ trợ nông sản miễn phí cho các vùng dịch, thì các địa phương có nền nông nghiệp phát triển mạnh cần chủ động, sát sao theo dõi thị trường, từ đó lên kế hoạch sản xuất; khẩn trương rà soát toàn bộ diện tích trồng rau, củ, quả hiện có trong tỉnh; xác định cụ thể diện tích, sản lượng, chủng loại và thời gian thu hoạch để có kế hoạch thu mua, cung ứng kịp thời; vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn có kế hoạch cụ thể phát triển sản xuất, bảo đảm nguồn cung ứng nông sản, trước hết là tại địa phương và các tỉnh, thành phố vùng dịch. 

ĐOÀN VĂN THÀNH
(Phường 9, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)

_ _ _ _ _

Phối hợp chặt chẽ, khoa học hơn trong phòng, chống dịch Covid-19

TP Hồ Chí Minh đã và đang quyết liệt triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã thường xuyên làm việc trực tiếp, trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để có những chỉ đạo và hỗ trợ tối đa trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố…

Tuy nhiên, trên thực tế, sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương vẫn có lúc còn thiếu đồng bộ. Tình trạng thiếu một số mặt hàng nhu yếu phẩm đã có thời điểm diễn ra căng thẳng; các thông tin độc hại, gây hoang mang liên quan dịch bệnh vẫn chưa được ngăn chặn kịp thời; giá cả nhiều mặt hàng “leo thang” trong lúc dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp khiến người dân thêm khó khăn…

Do vậy, rất cần có phối hợp nhịp nhàng, sáng tạo. TP Hồ Chí Minh nên tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn một cách khoa học, hiệu quả để nhanh chóng khống chế, đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tiến sĩ, Chuyên gia kinh tế LÊ BÁ CHÍ NHÂN
(Phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh)

_ _ _ _ _

Cần hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất “ba tại chỗ”


Nhiều doanh nghiệp ý thức tốt việc sản xuất phải an toàn trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp theo phương châm “ba tại chỗ” vì quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, việc bố trí ăn, ngủ tại chỗ cho số lượng lớn công nhân phát sinh nhiều phức tạp, nhất là về cơ sở vật chất, an toàn phòng, chống cháy nổ. Tổ chức bữa ăn tại công ty cũng khó khăn trong điều kiện nguồn cung cấp thực phẩm  bị hạn chế do dịch bệnh và  phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Vì thế, tôi mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương ưu tiên cung cấp nguồn thực phẩm ổn định cho doanh nghiệp; ưu tiên nguồn vaccine ngừa Covid-19 để tiêm phòng cho công nhân ở các khu công nghiệp; sớm thực hiện việc hỗ trợ cho người lao động, doanh nghiệp theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, nhất là công nhân neo đơn, có con nhỏ phải ngừng việc vì không thể tham gia sản xuất theo phương châm “ba tại chỗ”, để giúp người lao động giảm bớt khó khăn…

LÊ THÀNH DŨNG 
Phó Giám đốc Công ty TNHH Kwong Lung Meko, KCN Trà Nóc II, TP Cần Thơ

_ _ _ _ _

Cần các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp


Đợt dịch Covid-19 lần này gây ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương. Nhà nước đã và đang có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đến nay đối tượng được thụ hưởng còn chiếm tỷ lệ thấp. Chúng tôi mong muốn các gói hỗ trợ cần thiết thực, công bằng hơn nữa, tiêu chí thụ hưởng dễ dàng để doanh nghiệp, người dân có thể tiếp cận được…

Cơ quan quản lý cần lắng nghe, quan tâm và kịp thời giải quyết những đề xuất, kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Xây dựng các chính sách giãn thuế, hoãn thuế để doanh nghiệp có đủ thời gian và điều kiện khôi phục sau dịch bệnh.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần cắt giảm thủ tục, thời gian tiếp nhận giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp và người dân. Trong đó, ưu tiên tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng. 

Nguyễn Đăng Cường
(Xã Đại Đồng Thành, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh)

_ _ _ _ _

Công nhân lao động đang gặp khó khăn 


Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống công nhân lao động, nhất là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Những ngày qua, bản thân tôi và nhiều anh chị em công nhân khác cảm thấy ấm lòng hơn khi giữa lúc khó khăn nhận được sự hỗ trợ kịp thời một số nhu yếu phẩm thiết yếu từ chính quyền, tổ chức công đoàn, nhà hảo tâm.

Lúc này, chúng tôi mong muốn gói hỗ trợ đối với lao động có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế sớm được chính quyền các cấp giải ngân để góp phần vượt qua giai đoạn khó khăn này. 

Trần Thị Hường
(Phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)

_ _ _ _ _

Kiên trì thực hiện mục tiêu kép    


Công tác phòng, chống dịch tại một số địa phương thời gian qua mặc dù rất nỗ lực, nhưng vẫn còn tình trạng lơ là, chậm trễ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, mà còn gây thiệt hại lớn về kinh tế khi sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Vì vậy, tôi đề nghị cơ quan chức năng cần phải quyết liệt, thậm chí có biện pháp mạnh hơn để ngăn chặn dịch bệnh.

Đồng thời, cần đẩy nhanh hơn nữa chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19, tạo miễn dịch cộng đồng. Có môi trường sống an toàn, chúng ta mới có thể đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu kép.

NGUYỄN MINH PHƯƠNG
(Phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV