Một số bang tại Mỹ bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học

NDO -

Theo thống kê của Worldometers tính đến 9 giờ ngày 8/2, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận hơn 1,8 triệu ca mắc và 8.126 ca tử vong do Covid-19. Trong đó, Mỹ là quốc gia có thêm nhiều ca tử vong nhất (1.269 trường hợp) và Nga đứng đầu về số ca mắc mới trong ngày (171.905 trường hợp).

Poster khuyến cáo người dân đeo khẩu trang được dán tại New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)
Poster khuyến cáo người dân đeo khẩu trang được dán tại New York, Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Hai bang Delaware và New Jersey của Mỹ sẽ bỏ quy định đeo khẩu trang tại trường học vào tháng 3 tới, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tại các bang này có xu hướng giảm.

Ngày 7/2, Thống đốc  bang New Jersey Phil Murphy đã ra thông báo về việc bỏ quy định đeo khẩu trang bắt buộc tại trường học từ ngày 7/3 tới. Trong khi đó, Thống đốc bang Delaware John Carney cho biết các quy định về đeo khẩu trang ở các trường công lập và tư thục từ bậc tiểu học và trung học cũng như các cơ sở chăm sóc trẻ em sẽ hết hạn vào cuối tháng 3 tới.

Dù quy định đeo khẩu trang tại trường học tiếp tục được áp dụng tại nhiều bang khác của Mỹ như Washington, Oregon, Nevada và New Mexico, song một số chuyên gia dự báo tình hình có thể thay đổi trong thời gian tới.

Biến thể phụ BA.2 của Omicron lan nhanh tại châu Âu và châu Á

Theo New York Times, một biến thể phụ mà các nhà khoa học cho rằng có khả năng lây lan mạnh hơn dạng phổ biến nhất của biến thể Omicron đang lan nhanh tại nhiều khu vực ở châu Á, châu Âu, và nó cũng đang chiếm ưu thế tại Đan Mạch, nơi gần như toàn bộ các biện pháp phòng, chống Covid-19 được dỡ bỏ vào tuần trước.

Hiện tại, các nhà khoa học không cho rằng biến thể phụ BA.2 có thể nguy hiểm hơn nhiều so với phiên bản Omicron đang chiếm ưu thế tại các khu vực còn lại của thế giới. Tuy nhiên, họ quan ngại rằng BA.2 có thể kéo dài đợt bùng phát biến thể Omicron trên toàn cầu vì dường như biến thể phụ này có thể lây nhiễm mạnh hơn BA.1. Biến thể phụ BA.2 đã được ghi nhận tại ít nhất 57 quốc gia. 

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 31/1, BA.1 là nguyên nhân đứng sau hơn 96% số ca nhiễm biến thể Omicron trên toàn thế giới. Tuy nhiên, kết quả giải trình tự gene chỉ ra rằng BA.2 đang nhanh chóng "tìm chỗ đứng" và sẽ sớm chiếm ưu thế trong các ca mắc mới tại Ấn Độ, Nepal, Philippines, Qatar và các quốc gia khác. 

BA.2 đang chiếm khoảng 2/3 số ca mắc mới tại Đan Mạch và được dự báo sẽ là nguyên nhân gây ra gần như toàn bộ số ca mắc của nước này từ nay cho đến giữa tháng 2. 

Dù số ca nhập viện tăng kỷ lục và vẫn tiềm ẩn những diễn biến khó lường chung quanh biến thể phụ BA.2 song Chính phủ Đan Mạch và một số quốc gia châu Âu khác đang nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống Covid-19 và cho rằng tỷ lệ tiêm chủng cao có thể chống chọi với làn sóng Omicron cũng như các diễn biến tiếp theo của đại dịch.

Theo Tiến sĩ Boris Pavlin, nhà dịch tễ học của WHO, BA.2 dường như không gây ra bệnh nặng hơn so với BA.1, và các loại vaccine vẫn có tác dụng đối với biến thể phụ này như đối với các dạng khác của Omicron.

Australia đón du khách quốc tế từ ngày 21/2

Sau gần 2 năm đóng cửa biên giới với hầu hết du khách quốc tế, Australia chuẩn bị mở cửa trở lại, cho phép du khách quốc tế đã tiêm đủ liều vaccine ngừa Covid-19 nhập cảnh. Theo Bộ trưởng Nội vụ Karen Andrews, các du khách quốc tế, những người tới Australia để công tác và người sở hữu thị thực khác đều có thể tới Australia từ ngày 21/2 nếu đã tiêm đủ liều vaccine. Những người có thị thực nhưng chưa tiêm phòng đầy đủ sẽ phải cách ly và cần nộp đơn miễn trừ di chuyển. 

Hai bang đông dân nhất Australia là New South Wales và Victoria không bắt buộc những du khách đã tiêm chủng phải cách ly. Tuy nhiên, Western Australia sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người tới bang này.

Australia đã thay đổi cách ứng phó đại dịch, chuyển từ chiến lược "Zero Covid" sang "chung sống với dịch bệnh". Biến thể Omicron vốn có khả năng lây nhiễm cao hơn đã lây lan tại các bang New South Wales, Queensland và Victoria trong 2 tháng qua khiến số ca mắc tăng vọt.