Ông Jafar Jafari, Giáo sư tại khoa Khách sạn và Du lịch tại Đại học Wisconsin-Stout (Mỹ) chỉ ra, sau đại dịch, góc nhìn đối với ngành du lịch đã có nhiều thay đổi như: Chất lượng được đề cao hơn số lượng, nhóm nhỏ tốt hơn các nhóm lớn, du lịch cộng đồng là lựa chọn thân thiện với biến đổi khí hậu, du lịch dưới sức chứa tốt hơn du lịch quá tải, du lịch cộng đồng phải là tổng hòa của sức khỏe, sung túc và hạnh phúc cho cả cộng đồng và khách du lịch.
Giáo sư Jafari cho hay, đại dịch đã tác động mạnh mẽ đến ngành du lịch, song trong những điều tiêu cực luôn tiềm tàng mặt tích cực. Theo đó, Covid-19 đã làm nổi bật tầm quan trọng và giá trị đích thực của ngành du lịch, khiến các Chính phủ nhận thức được du lịch là một ngành công nghiệp lớn có động lực phát triển kinh tế-xã hội mang tính toàn cầu.
Thí dụ điển hình cho thấy tiếng nói của ngành du lịch đã được quan tâm hơn là sự kiện Liên hợp quốc tổ chức phiên thảo luận chuyên đề về “Du lịch và vai trò quan trọng trong phục hồi và tăng trưởng bao trùm” ngày 4/5/2022; hay Chính phủ Mỹ mới đây đã loại bỏ yêu cầu test Covid-19 khi nhập cảnh từ ngày 12/6/2022 sau sức ép từ chính tiếng nói của cộng đồng những người làm du lịch tại Mỹ.
Qua hàng nghìn bài báo, nghiên cứu và hội thảo về du lịch, Giáo sư Jafari đã đưa ra 7 chữ “S” về ngành du lịch sau đại dịch, đó là: Safety - an toàn, Security - an ninh, Sanitation - vệ sinh, Service - dịch vụ, Sympathy - đồng cảm, Small - Nhỏ, đơn giản, Sustainability - Bền vững.
Ông cũng nhấn mạnh “slow tourism” (du lịch chậm) đang là xu hướng được ưa chuộng, đặc biệt với nhóm đối tượng du khách nhiều tuổi. Đối tượng khách này hiểu rõ giá trị của thời gian sống, yêu thích những điểm đến biển đảo, mang lại lợi nhuận nhiều hơn cho những nơi họ tới. Do vậy, Giáo sư Jafari cho rằng du lịch cần tập trung vào nhóm đối tượng khách này và cần đánh giá đúng giá trị của du lịch chậm.
Nói sâu hơn về tình trạng quá tải du lịch, Giáo sư Jafari chỉ ra, tình trạng quá tải du lịch không chỉ diễn ra ở Venice (Italia) hay Barcelona (Tây Ban Nha), mà cả với một ngôi làng nhỏ nếu phải đón tiếp tới 2 nghìn khách mỗi ngày.
“Quá tải du lịch không đo đếm bằng hàng triệu lượt khách, mà là đo đếm trên sức chịu đựng của cộng đồng (ở điểm đến). Họ có thể chịu đựng được bao nhiêu? Bất cứ tình trạng nào vượt quá sức chịu đựng thì đều là quá tải du lịch”, Giáo sư Jafari nói.
Theo Giáo sư Jafari, các cộng đồng, các điểm đến cần có thời gian để gia tăng chất lượng và khi số lượng du khách giảm, chất lượng du lịch sẽ gia tăng.
Giáo sư Jafari đánh giá, nhiều bài học đã được rút ra từ đại dịch, ảnh hưởng và làm thay đổi hầu hết các sản phẩm du lịch. Sau 2 năm Covid-19, đây là thời điểm thích hợp để làm mới sản phẩm du lịch và xúc tiến các sản phẩm ngách trở nên phổ biến hơn, như du lịch ẩm thực, du lịch y tế/chăm sóc sức khoẻ/spa, du lịch xe đạp, du lịch âm nhạc/yoga, du lịch nông nghiệp/trang trại/làng, du lịch dành cho du khách cao tuổi…
Ông gợi ý, để phục hồi và phát triển ngành du lịch, cần quan tâm tới những yếu tố: Chú trọng sự hiếu khách của ngành du lịch - điều đã khá mai một sau đại dịch; Lắng nghe ý kiến của cộng đồng địa phương; Xác định sức chứa của điểm đến để quản trị hiệu quả việc quá tải du lịch; Xây dựng mạng lưới các bên liên quan trong ngành; Tập trung vào chất lượng thay vì số lượng khách đến; Chú trọng đến sự hài lòng của cộng đồng địa phương ngang với sự hài lòng của du khách để ngành du lịch cân đối được lợi ích của cả hai phía.
Giáo sư Jafari cũng chỉ ra rằng, du lịch cần học hỏi cách loài chim làm tổ. Ông nêu thí dụ, loài chim khi làm tổ biết lựa chọn chỗ đặt tổ không ảnh hưởng đến sự phát triển của cái cây, biết tránh hướng nắng làm hại chim con vào mùa hè. “Đó được gọi là lồng ghép. Và du lịch cần phải được lồng ghép vào trong cộng đồng, dựa vào cộng đồng”, Giáo sư Jafari nói.
Đồng thời, ông lưu ý, đại dịch chỉ kéo dài vài năm nhưng biến đổi khí hậu thì vẫn diễn ra và đó như “một đại dịch” mà chúng ta chung sống lâu dài. Do đó, du lịch phải thân thiện với môi trường và lựa chọn phát triển du lịch về chất luôn là du lịch thông minh.