Bác sĩ Nguyễn Thị Cảnh, Trưởng Đơn nguyên Cấp cứu của Bệnh viện đa khoa Thạch Thất (Hà Nội) cho biết khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã lập tức cấp cứu ngừng tuần hoàn. Ca cấp cứu thành công, có mạch trở lại, bệnh nhân được chuyển tuyến điều trị tiếp nhưng sau đó bệnh nhân không qua khỏi.
Theo lãnh đạo bệnh viện này, gần đây lượng bệnh nhân cấp cứu vì ong đốt gia tăng. Gần đây nhất, chỉ trong ngày 6/10, Đơn nguyên Cấp cứu tiếp nhận 5 ca là học sinh, sinh viên đại học, bị sốc phản vệ do ong đốt, nguyên nhân do đốt phá vỡ tổ ong (không rõ loại).
Khoảng 30 phút đến 1 giờ sau khi đốt phá tổ ong, nhóm nam sinh có biểu hiện khó thở, tức ngực, đau buốt đầu nhiều vùng bị ong đốt, kèm theo chóng mặt, nôn nên vào viện.
Sau 30 phút cấp cứu, có bệnh nhân phải dùng giảm đau liều cao, các bệnh nhân dần ổn định.
Bác sĩ Cảnh cảnh báo các loại ong như ong vò vẽ, ong bắp cày thường là loài có độc tính cao. Khi bị ong đốt, cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất khi có các dấu hiệu sau: vết đốt nhiều (trên 10 nốt), bị ong vò vẽ, ong bắp cày, ong mật hoặc một số ong chưa rõ loại (ở các vùng rừng núi) đốt.
Hoặc khi nạn nhân có các biểu hiện như: đau nhiều, sưng nề nhiều vùng bị đốt, mẩn ngứa, nổi mề đay, khó thở, mệt, tiểu đỏ, tiểu ít... cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Nạn nhân bị ong đốt có thể bị sốc phản vệ, đây là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì rất dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp.
Theo các bác sĩ, nếu bị ong đốt, lấy vòi chích ra nếu có bằng cách khều nhẹ, dùng nhíp lấy ra, tránh nặn ép bằng tay vì có thể làm nọc độc lan ra.
Người bệnh cũng cần được rửa sạch vùng bị đốt bằng xà phòng và nước ấm, đắp băng lạnh lên vết đốt để giảm đau và giảm sưng. Cần đưa nạn nhân đến viện nếu có các biểu hiện trên đây.
Đề phòng ong đốt, người dân tránh mặc đồ màu sắc sặc sỡ khi đi chơi du ngoạn miền quê, trong rừng; tránh leo trèo hái trái cây có thể bị tai nạn do ngã và bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong; kiểm soát phát quang những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.