Một Maradona trần trụi, một Diego diệu kỳ

NDO -

Hôm nay, Diego Maradona bước sang tuổi 60. Đó là lúc để tất cả nhớ về một thiên tài độc nhất vô nhị của bóng đá thế giới, một ngôi sao đầy mâu thuẫn và một con người phức tạp.

Diego Maradona, huyền thoại độc nhất vô nhị của bóng đá thế giới.
Diego Maradona, huyền thoại độc nhất vô nhị của bóng đá thế giới.

Cuộc đời Diego Maradona là một bộ phim dài, đầy thăng trầm, kịch tính, có đỉnh cao và vực sâu, vinh quang và nước mắt, sự sùng bái và cả nỗi ô nhục. Trong bộ phim ấy, nhân vật chính Maradona lẽ ra đã chết nhiều lần. Nhưng ông vẫn sống để hôm nay, đón sinh nhật thứ 60, và tự hào nhìn lại những gì đã trải qua.

Vì một bộ phim luôn phải có nhân vật chính diện và phản diện, nên trong bộ phim đời mình, Maradona đóng… cả hai. Chính xác hơn, đó là hai nhân vật khác nhau. Một, là Diego. Và một, là Maradona.

Lần đầu tiên, thế giới biết về Diego khi ngôi sao trẻ của Argentina ghi bàn ra mắt ĐTQG vào lưới Scotland năm 1979. Lẫn trong dàn cầu thủ vạm vỡ, râu ria xồm xoàm từng vô địch World Cup 1978 là chàng trai 18 tuổi nhỏ bé đến tội nghiệp. Thậm chí, Arthur Graham, tiền vệ Scotland không đành lòng nổi, đã phải đến xoa đầu và nói, “gắng lên nhé, nhóc”.

Vậy mà khi trận đấu diễn ra, tất cả đều choáng váng. Bất chấp vóc dáng thấp lùn, Diego lướt đi như một vũ công, biến những người giỏi nhất cũng trở thành vụng về trước khi lập cú đúp dễ dàng. Chỉ sau vài phút, Graham cảm thấy xấu hổ vì thương hại nhầm Diego, rồi hạ quyết tâm phải đổi áo với chàng trai này ngay sau trận đấu.

Nhiều năm sau, Cậu bé Vàng, người đã lớn lên trong khu ổ chuột tồi tàn ở Villa Fiorito và không bao giờ biết đến nước sạch, ngoài trừ những giọt nước mưa chảy xuống từ mái nhà thủng lỗ chỗ, khiến cả thế giới kinh ngạc.

Đó là thiên tài đã giúp Argentina đăng quang World Cup 1986, và biến Napoli thấp kém luôn sống với nỗi lo xuống hạng thành nhà vô địch Italy. Cho đến nhiều năm sau, người ta vẫn sẽ còn nhắc đến bàn thắng thế kỷ ông ghi vào lưới tuyển Anh ở tứ kết World Cup 1986, bàn thắng đáng kinh ngạc từ rìa đường biên trận gặp Verona, pha solo ảo diệu dưới vòng vây của hàng phòng ngự dày đặc Brescia hay cú đá phạt tinh tế tung lưới Juventus.

Tại Argentina, Cậu bé Vàng là một biểu tượng tôn giáo. Một nhà thờ thánh Maradonian được tạo nên với hơn nửa triệu tín đồ, những người sẽ đặt tên con trai họ là Diego và nghi lễ rửa tội mô phỏng theo bàn thắng “Bàn tay của Chúa”.

Ở Napoli, người dân xứ Naples cho rằng nếu ai nói xấu Diego tức là đang chỉ trích Chúa. Ông là vị Thánh bảo trợ cho thành phố, là con trai của các bà mẹ, người tình của các cô gái và là hình tượng mà mọi người đàn ông muốn trở thành.

Khi mọi thứ đều đã đạt được, như Diego nói, “tôi không có gì để làm”. Và đó là lúc Maradona xuất hiện.

Maradona không sống trong khu ổ chuột và cũng không coi bóng đá là lối thoát suy nhất. Ông sống trong những căn biệt thự xa hoa và tận hưởng những điều tuyệt vời mà bóng đá mang lại. Bóng đá không còn là ưu tiên hàng đầu, Maradona dành ít thời gian trên sân tập. Thay vào đó là những cuộc vui thâu đêm trong vòng tay các cô gái cùng sự ve vuốt của rượu mạnh và ma túy.

Cuối cùng, Maradona trốn chạy khỏi Napoli trong nỗi xấu hổ khi bị phát hiện dương tính với coacaine, trước khi kết thúc sự nghiệp ở ĐT Argentina tại World Cup 1990 vì dùng chất kích thích một lần nữa. “Ma túy khiến tôi trở nên tệ hơn, chứ không phải tốt hơn”, Maradona nói, “Nếu không có nó, tôi vẫn là Diego của năm 1986 trong nhiều năm tiếp theo”.

Nhưng vì ông là Maradona, vì vậy không bao giờ hối tiếc về những hành động trong quá khứ. Người ta ca tụng ông là Vua, Thánh hay thiên tài, song bản thân Maradona chỉ muốn là chính mình, tự do tận hưởng cuộc sống, có vấp ngã, trả giá rồi lại đứng lên.

Đó là lý do Maradona có thể ăn mừng khi vẫn đón sinh nhật thứ 60 sau quá nhiều lần nhập viện trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. Maradona bất tử, như những ký ức về một Diego diệu kỳ sẽ luôn sống mãi.