Một Hoàng thành Thăng Long tráng lệ

Điện Kính Thiên, ảnh chụp cuối thế kỷ 19.
Điện Kính Thiên, ảnh chụp cuối thế kỷ 19.

Xây Long thành

Ðại Việt sử ký toàn thư ghi lại:

Tháng 6, rồng hiện ở nền cũ điện Càn Nguyên. Vua bảo các quan hầu rằng: "Trẫm phá điện ấy, san phẳng nền rồi, mà rồng thần còn hiện, hay là chỗ ấy là đất tốt đức lớn dấy nghiệp ở chính giữa trời đất chăng?".

Bèn sai quan theo quy mô rộng lớn, nhằm lại phương hướng, làm lại mà đổi tên là điện Thiến An. Bên tả làm điện Tuyên Ðức, bên hữu làm điện Diên Phúc, thềm trước điện gọi là thềm Rồng (Long Trì); bên đông thềm Rồng đặt điện Văn Minh, bên tây đặt điện Quảng Vũ; hai bên tả hữu thềm Rồng đặt lầu chuông đối nhau để nhân dân ai có việc kiện tụng oan uổng thì đánh chuông lên; bốn chung quanh thềm Rồng đều có hành lang giải vũ để các quan hội họp và sáu quân túc vệ. Phía trước là điện Phùng Thiên, trên điện dựng lầu Chính Dương làm nơi giữ giờ khắc; phía sau làm điện Trường Xuân, trên điện dựng gác Long Ðồ làm nơi nghỉ ngơi chơi ngắm. Bên ngoài đắp một lần thành bao quanh gọi là Long Thành.

Hoàng thành nguy nga

Theo Ðại Việt sử ký toàn thư chép lại:

Xây dựng cung điện ở trong cung thành Thăng Long phía trước dựng điện Càn Nguyên làm chỗ coi chầu, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu làm điện Giảng Võ, lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghêng Xuân, cửa Ðan Phượng thông với cửa Uy Viễn, chính hướng nam là điện Cao Minh, đều gọi là thềm rồng; bên trong thềm rồng có mái cong, hàng hiên bao quanh bốn mặt. Sau điện Càn Nguyên dựng hai điện Long An và Long Thụy làm nơi nghỉ ngơi, bên tả làm điện Nhật Quang, bên hữu làm điện Nguyệt Minh; đằng sau dựng hai cung Thúy Hoa và Long Thụy làm chỗ ở cho cung nữ. Dựng kho tàng, đắp thành đào hào, bốn mặt thành mở bốn cửa, phía đông gọi là cửa Tường Phù, phía tây gọi là cửa Quảng Phúc, phía nam gọi là cửa Ðại Hưng, phía bắc gọi là cửa Diệu Ðức. Lại ở trong thành làm chùa Hưng Thiên Ngự và lầu Ngũ Phượng Tinh, ở ngoài thành làm chùa Thắng Nghiêm ở phía nam.

Không khác cảnh tiên

Trong Thượng Kinh Ký Sự, Lê Hữu Trác (1724 - 1791) viết:

Thăng Long đâu đâu cũng lâu đài đình gác, cửa ngọc rèm châu, long lanh chiếu xuống đáy nước, cao vút tận trời xanh. Hai bên lề đường toàn là hoa thơm cỏ lạ, những loại thú, những con chim đẹp bay nhảy hót vang. Từ dưới đất bằng nhô lên một hòn núi cao cây cổ thụ bóng che râm mát. Một cây cầu lớn bắc ngang qua dòng nước uốn quanh, đá hoa làm lan can... Thực không khác gì một cảnh tiên.

Xây thành Hà Nội

Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí ghi:

Hà Nội chu vi 432 trượng linh, cao 1 trượng 1 thước 2 tấc, hào rộng trên dưới 4 trượng, mở 5 cửa, ở địa phận hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Từ đời nhà Lê về trước, kinh đô đều đặt ở đây, lại có tên là thành Phụng Thiên, ở trong thành Ðại La. Thành lâu năm sụp đổ, đến đời Tây Sơn, theo nền cũ đắp thành quanh từ cửa Ðông Hoa đến cửa Ðại Hùng. Bản triều đầu đời Gia Long lấy làm lỵ sở cửa Bắc Thành. Năm thứ 3 triều thần bàn rằng thể chế của Tây Sơn không hợp quy củ, tâu xin sửa đổi. Năm thứ 4 sai quan đốc sức việc xây đắp, trong thành dựng kỳ đài và hành cung với hai điện chính, một tả vu, một hữu vu, sau điện dựng lầu Tĩnh Bắc; quanh nội điện đều xây tường gạch; lại đằng trước chính điện xây một đường ống bằng đá khắc hai chữ "Ðoan Môn", đấy là di tích từ đời Lý; ngoài cửa dựng nhà bia, xây kỳ đài, quy mô rộng lớn. Năm Minh Mạng thứ 12, chia tĩnh hạt, lấy thành này làm thành tĩnh Hà Nội; năm thứ 16, cho rằng thân thành quá cao, giảm bớt đi 1 thước 8 tấc. Các đời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị dùng thành này làm sở bang giao.

Lâu đài lộng lẫy

S. Baron trong cuốn Thành cổ Việt Nam viết:

Khi dựng trước ba lớp thành cổ, người ta phải lấy làm ngạc nhiên với những di tích còn lại, tỏ ra rằng thành ấy xây vững vàng, có những cửa lớn và đẹp, lát bằng một thứ cẩm thạch, cung điện có chu vi rộng 6 - 7 dặm. Cứ xem các cửa ngõ, sân và các gian nhà còn lại cũng đủ biết lâu đài trước kia rất đẹp và lộng lẫy.

Một thành phố lớn ở châu  Á

Alaxta Lam trong The Mandarin Road to Old Huế viết:

... Vào lúc bấy giờ (1680), Hà Nội là một thành phố lớn ở châu Á với khoảng 20.000 căn nhà (khoảng trên 100.000 dân). Cảnh tráng lệ nhất là cung điện cổ của triều Lê, bao bọc bởi vòng thành đồ sộ. Nhưng từ thời kỳ này, cung điện cũng bắt đầu hư hao và các chúa Trịnh sống trong các lâu đài ít tráng lệ hơn. Tác giả  không mô tả xí nghiệp của người Anh và xí nghiệp của người Hà Lan nhưng ông có viết là từ bờ sông Nhị Hà người ta có thể thấy được hai xí nghiệp này, như trong bản in của Churchill: Mô tả vương quốc Ðông kinh...