Một Hà Nội đầu thế kỷ… vừa lạ, vừa quen

NDO -

NDĐT – Những tấm ảnh màu hiếm hoi được in trên kính về Hà Nội hồi đầu thế kỷ đang được trưng bày tại Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, cho thấy một hình ảnh về Hà Nội vừa lạ lẫm, vừa thân quen.

Cầu Long Biên nhìn từ bờ sông Hồng.
Cầu Long Biên nhìn từ bờ sông Hồng.

Đây là những bức ảnh do Leon Busy, một trung úy hậu cần của đoàn quân viễn chinh Pháp thời kỳ 1914-1917, chụp làm tư liệu về khu vực Đông Dương, theo dự án xây dựng kho hình tư liệu các dân tộc trên thế giới của Albert Kahn, một chủ nhà băng triệu phú của Pháp.

Một Hà Nội đầu thế kỷ… vừa lạ, vừa quen ảnh 1

Thiếu nữ êm trầu.

Trong suốt những năm rong ruổi khắp khu vực Đông Dương, Leon Busy đã chụp khoảng 1.500 bức ảnh, ghi lại từ những phong tục, tập quán, phong cảnh, con người, tín ngưỡng, tôn giáo, nghề thủ công, trang phục…, trong đó có rất nhiều ảnh tư liệu quý về Việt Nam. Đáng chú ý, Leon Busy đã sử dụng kỹ thuật chụp ảnh màu tiên tiến nhất thời bấy giờ, là kính tự nhiễm sắc. Ông cũng từng được trao Huân chương Bắc đẩu bội tinh và trở thành cố vấn về kỹ thuật điện ảnh cho Toàn quyền Đông Dương.

Một Hà Nội đầu thế kỷ… vừa lạ, vừa quen ảnh 2

Phố Hàng Trống.

60 bức trong số đó đã được lựa chọn để trưng bày tại Hà Nội, nơi những bức hình này được ghi lại từ cách đây một thế kỷ, theo ý tưởng của Emmanuel Poisson, nhà sử học của Trường Đại học Paris Diderot và Đinh Trọng Hiếu, nhà dân tộc học của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp.

Một Hà Nội đầu thế kỷ… vừa lạ, vừa quen ảnh 3

Phố Hàng Đồng.

60 bức ảnh được chia thành các nhóm chủ đề, như phong cảnh, tôn giáo, trang phục, môi trường… Không chỉ có giá trị về mặt tư liệu, những bức ảnh này còn giúp cho người xem thấy được sự thay đổi, tiếp nối rất hiển nhiên của Việt Nam sau một thế kỷ đầy biến động. Những địa điểm như phố Hàng Trống, Hàng Đồng, Hàng Gai, Thợ Khảm (nay là phố Hàng Khay), lăng Hoàng Cao Khải, ấp Thái Hà, lăng Linh Lang, đền Voi Phục… hiển hiện dưới một dáng vẻ khác, mà bất cứ ai khi nhìn tấm ảnh cũng phải ngạc nhiên. Những khu phố sầm uất, tấp nập xe cộ ngày nay, trước đây là những căn nhà ngói âm dương, cửa ván gỗ, bài trí thô sơ, các món đồ thủ công truyền thống của từng phố nghề được bày trên sạp gỗ…

Một Hà Nội đầu thế kỷ… vừa lạ, vừa quen ảnh 4

Hồ Tây nhìn từ cổng đền Quán Thánh.

Khu vực ấp Thái Hà, lăng Hoàng Cao Khải, đền Linh Lang… ngày nay có những nơi chỉ còn vài vết tích đổ nát, thì xưa kia cây xanh um tùm, hồ nước mênh mông, nhà cửa bề thế uy nghi… Hồ Tây, trước đây vào tận mé cổng đền Quán Thánh, giờ nước đã rút xa cả trăm mét. Văn Miếu toàn bộ khuôn viên phủ kín bởi những luống rau. Đường vào làng Định Công ruộng xen lẫn hồ ao. Đền thờ Linh Lang thần, nay là công viên Thủ Lệ rợp bóng cây to, quang cảnh chung quanh vẫn còn rất hoang vu. Hồ Gươm lạ lẫm với cây gạo chòi ra giữa hồ, những bụi cây lúp xúp hoang vu và những con đường đất chạy quanh hồ.

Một Hà Nội đầu thế kỷ… vừa lạ, vừa quen ảnh 5

Lăng Hoàng Cao Khải.

Những biến đổi hay giữ nguyên về trang phục, phong tục tập quán, hay sự giao thoa giữa cái cũ – cái mới cũng được thể hiện rõ trong bức ảnh. Người thiếu phụ mặc bộ áo dài sang trọng, chân đi đôi hài mũi cong vút. Cô gái trong trang phục áo yếm gợi cảm ngồi chải tóc trước gương, Chiếc đồng hồ quả lắc bày trên kỷ trong bức ảnh chụp nhà sư và các tiểu, khung cửa sổ lắp kính… cho thấy những ảnh hưởng ban đầu của Pháp đến Việt Nam. Hình ảnh một đội kèn ở lễ tang, nghi thức cải táng, những ngôi miếu thờ thần ở đầu làng, lễ hội mùa xuân… tất cả mọi bức ảnh đều có kèm theo ghi chú cụ thể, có ghi chú thể hiện hiểu biết sâu sắc của tác giả, cũng có ghi chú cho thấy không phải ông đã hiểu đúng về sự việc.

Một Hà Nội đầu thế kỷ… vừa lạ, vừa quen ảnh 6

Văn Miếu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Những bức ảnh là tư liệu vô cùng quý giá đối với chúng ta ngày nay, về một ký ức đã mất. Cảnh vật có thể được giữ lại phần nào, nhưng phong tục tập quán, nếp nhà đã có nhiều thay đổi sau một thế kỷ”.

Tất cả những bức ảnh này bên cạnh việc cho chúng ta thấy một hình ảnh rất khác của Bắc Bộ, cả vùng đồng bằng lẫn thành thị, mà còn cho thấy sự gần gũi, gắn bó và hiểu biết sâu sắc của Leon Busy trong những năm phiêu du trên vùng đất này.