Là người nghiên cứu về quan hệ quốc tế nên việc truy cập báo chí các nước vừa để cập nhật thông tin, vừa phục vụ công tác nghiên cứu đã trở thành thói quen hằng ngày của tôi. Vừa qua, tôi đã được đọc bài viết Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam của Ngài Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đăng trên báo Nhân Dân. Thực tế, có rất nhiều bài viết về chủ nghĩa xã hội nhưng cũng rất hiếm các bài viết mang tính tổng kết chân thực, ngắn gọn và đáng suy ngẫm như bài viết của Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đối với cá nhân tôi, bài viết là một tác phẩm cô đọng, sâu sắc, thể hiện tầm nhìn bao quát toàn diện trên các mặt chính trị, đối ngoại, an ninh - quốc phòng, kinh tế, văn hóa; là một quá trình chắt lọc, đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn với cách tiếp cận chân thực, khoa học. Điều tôi đánh giá cao là bài viết còn thể hiện tâm huyết của một nhà lãnh đạo cấp cao, đã chỉ ra căn nguyên những mặt hạn chế của hình thái tư bản chủ nghĩa với cách lập luận logic, dễ hiểu; từ đó lý giải vì sao Việt Nam lựa chọn phát triển con đường chủ nghĩa xã hội. Bên cạnh đó, bài viết còn truyền tải nhiều thông điệp, có cả những trăn trở, băn khoăn, gợi mở nhiều khía cạnh nghiên cứu về con đường phát triển ở Việt Nam; đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khiếm khuyết cần khắc phục, giúp mọi tầng lớp xã hội và người dân Việt Nam hiểu rõ, có nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp, kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Bài viết của Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bao trùm cả một vấn đề to lớn, rộng mở và mang tính thời đại, đó là “chủ nghĩa xã hội”. Trong bài viết này của mình, tôi chỉ xin có một số cảm nghĩ về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ góc nhìn cá nhân trên quan điểm của một người làm công tác nghiên cứu chính trị, luôn quan tâm đến Việt Nam. Có thể nói, sự lựa chọn tiến lên theo con đường chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có xuất phát điểm rất dài và đạt được những thành tựu to lớn như ngày nay, dựa trên các nhân tố chủ yếu sau:
Thứ nhất, con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được lựa chọn từ tư duy lấy dân làm gốc, kết hợp với lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Điều đó không phải ngẫu nhiên mà nó là một quá trình kiên trì đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn kết hợp với các lý luận khoa học đã được các thế hệ lãnh đạo Việt Nam tổng kết. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh hay điều kiện nào, Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn luôn lấy đích đến là người dân, mọi quyết định đều vì người dân, vì lợi ích của nhân dân Việt Nam. Tư duy đó diễn giải thành cụm từ “quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân”.
Điểm mấu chốt là con đường xã hội chủ nghĩa hướng đến các giá trị tiến bộ, nhân văn, đáp ứng khát vọng của người dân Việt Nam dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, hài hòa với lợi ích chính đáng của con người. Rõ ràng đó không chỉ là mong ước tốt đẹp của người dân Việt Nam mà của cả nhân loại và được thực hiện uyển chuyển phù hợp với quy luật, với điều kiện thực tế ở Việt Nam. Việt Nam đã trải qua quá trình đấu tranh gian khổ với nhiều mất mát hy sinh để giành lại độc lập dân tộc, chịu nhiều tổn thất và xuất phát điểm thấp nên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội có thể sẽ còn khó khăn, phức tạp hơn. Xét trên nhiều phương diện trong thực tiễn 35 năm của công cuộc đổi mới tại Việt Nam từ năm 1986 đến nay, với những thành tựu to lớn đạt được trên các lĩnh vực, người dân Việt Nam ngày nay đã có điều kiện và mức sống cao hơn nhiều so với các thời kỳ trước đây. Điều này cho thấy con đường đi lên chủ nghĩa xã hội không chỉ có hiệu quả tích cực về kinh tế, mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn so với các quốc gia có cùng mức độ phát triển kinh tế.
Thứ hai, như tôi đã đề cập ở trên, việc xây dựng và phát triển con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được áp dụng linh hoạt đi đôi với quá trình đổi mới liên tục về tư duy, nhận thức, sự nhạy bén với thời cuộc theo quy luật vận động. Ngay từ những năm tháng đầu đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định “đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam” và được thể hiện xuyên suốt trong các Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam. Định hướng đó không đơn thuần là một “khẩu hiệu” mà được gắn liền với công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, công sức tìm tòi, sáng tạo, rút kinh nghiệm để từng bước hoàn thiện. Từ những nhận thức đúng đắn, khách quan về quy luật phát triển, khắc phục những khiếm khuyết nội tại, Việt Nam đã và đang lựa chọn một hướng đi phù hợp.
Tôi cho rằng, những mục tiêu Việt Nam đặt ra như đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, các chính sách về quốc phòng - an ninh, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, v.v. là lựa chọn phù hợp, toàn diện với bối cảnh phát triển của Việt Nam hiện nay trên cơ sở chắt lọc những kinh nghiệm hay và kế thừa những giá trị tiến bộ, thành tựu văn minh của nhân loại.
Thứ ba, câu hỏi đặt ra là sự định hướng phát triển ở một quốc gia thất bại hay thành công cần phải được thể hiện bằng những chỉ số và con số cụ thể, sự ổn định bền vững trên các mặt xã hội và đời sống của dân chúng được cải thiện. Tất nhiên, quá trình phát triển ở mỗi quốc gia đều có nét riêng biệt và có những trở lực, nhanh hay chậm, bền vững hay mong manh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố và cách thức xử lý của hệ thống chính trị nước đó. Tôi tâm đắc quan điểm “dân giàu thì nước mới mạnh”, nó thể hiện sức mạnh nội tại của một quốc gia và khách quan cho thấy Việt Nam đã đạt được những chỉ số đáng ghi nhận sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới.
Từ một nước nghèo, Việt Nam đã vươn lên, kinh tế tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm, GDP năm 2020 đạt 342,7 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.512 USD, trở thành nước xuất khẩu gạo và có nền kinh tế lớn thứ tư trong ASEAN; thu hút đầu tư nước ngoài đạt gần 395 tỷ USD cuối năm 2020. Những chỉ số về chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, chính sách phát triển nông thôn, giáo dục, y tế, văn hóa - xã hội, chỉ số phát triển con người... là những minh chứng cụ thể thể hiện sự chuyển biến rõ nét và tích cực, phản ánh sự phát triển toàn diện ở Việt Nam so với các giai đoạn trước.
Thứ tư, chủ thể thực hiện con đường xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đóng vai trò quan trọng. Ngay từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Việt Nam đã khẳng định “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ đất nước”. Luận điểm này theo tôi hiểu nghĩa là nhân dân làm chủ đất nước, sức mạnh của đất nước là sức mạnh của toàn dân, lợi ích của đất nước chính là lợi ích của toàn dân. Sứ mệnh của Đảng, Nhà nước Việt Nam là bảo vệ và phục vụ lợi ích toàn dân; cán bộ, đảng viên sinh ra từ nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng, tạo điều kiện làm việc để phục vụ nhân dân. Dù rằng còn những hạn chế, thách thức trong giải quyết hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích chính đáng của từng cá nhân, nhưng những kết quả đạt được trên thực tế những năm qua ở Việt Nam cho thấy con đường xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam đang xây dựng và tiến bước là một xã hội hướng tới các giá trị đích thực vì con người, vì nhân dân.
Thứ năm, thành tựu Việt Nam đạt được ngoài sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đồng lòng, chung sức của toàn thể người dân Việt Nam, nhân tố nội tại cùng nhiều nhân tố khác, cũng cần nói đến những đóng góp to lớn của ngành đối ngoại Việt Nam và sự hỗ trợ ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới, trở thành thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc (1977), ASEAN (1995), Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021, tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương, ký kết nhiều hiệp ước, hiệp định quan trọng với các nước. Hoạt động đối ngoại mạnh mẽ, hiệu quả của Việt Nam và việc mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước đã góp phần rất lớn vào những thành tựu phát triển của Việt Nam ngày nay.
Thứ sáu, sau 35 năm đổi mới, Việt Nam luôn kiên trì và đang thực hiện thành công chính sách đối ngoại rộng mở, làm bạn với tất cả các nước, là đối tác hợp tác có trách nhiệm trên trường quốc tế. Campuchia và Việt Nam là hai quốc gia láng giềng gần gũi, có quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời, giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Đó là nền tảng cơ bản cho quan hệ hợp tác tốt đẹp, lâu dài giữa hai nước, hai dân tộc. Ngày nay, quan hệ hợp tác Campuchia - Việt Nam với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài” đang phát triển mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu rực rỡ trên các lĩnh vực, với dấu ấn đậm nét của các chuyến thăm giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước. Nhiều cơ chế hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương hai nước đã hình thành và phát huy hiệu quả, tạo động lực và định hướng cho việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện hai bên ngày càng thực chất hơn. Hai bên đã ký kết và phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005, từng bước hiện thực hóa một đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển.
Tuy còn khó khăn về kinh tế, Việt Nam vẫn luôn ưu tiên cao cho quan hệ đặc biệt với Campuchia về vật chất và tinh thần, hỗ trợ Campuchia phát triển kinh tế, xã hội. Cùng với quan hệ hợp tác giữa các bộ, ngành Trung ương, hợp tác giữa các tỉnh, thành, địa phương, hiệp hội, đoàn thể quần chúng hai nước ngày càng gắn bó, gần gũi, nhất là giữa các tỉnh có chung đường biên giới, làm “cầu nối” góp phần làm sâu đậm hơn quan hệ hai nước. Trong 6 tháng đầu năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước vẫn đạt hơn 5 tỉ USD, bằng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả năm 2020.
Những thành quả to lớn về mọi mặt của mỗi nước ngày nay có được, ngoài ý chí tự lực tự cường, vươn lên, còn có cả nhân tố quan trọng là sự kết tinh của tình đoàn kết, tình cảm thiêng liêng của hai dân tộc dành cho nhau và sự nhận thức đúng đắn đối với vận mệnh chung của hai nước trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lịch sử hai nước đã chứng minh, dù phải trải qua khó khăn, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào, Campuchia và Việt Nam vẫn luôn bên cạnh nhau.
Có thể khẳng định, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và đang tiếp tục đạt nhiều thành công không chỉ mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân Việt Nam mà còn rất tốt cho Campuchia và khu vực, đóng góp vào sự thành công và thịnh vượng của ASEAN. Tôi thực sự ấn tượng với những thành quả quan trọng mà đất nước Việt Nam đã giành được và chân thành chúc nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, sẽ tiếp tục đạt những thành tựu mới, sớm thực hiện khát vọng và mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.