Một động lực quan trọng của nền kinh tế

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập toàn diện, sâu sắc cả lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Các tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa)
Các tập đoàn kinh tế tư nhân ngày càng khẳng định vai trò và đóng góp to lớn cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Với lập luận sắc bén, tác giả đã giúp người đọc hiểu rõ hơn nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng là nền kinh tế có nhiều thành phần và đều là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế. Trong đó kinh tế tư nhân được xác định là "một động lực quan trọng của nền kinh tế". Chúng tôi cho rằng, để thực hiện được chủ trương đó, cần nhận thức đầy đủ hơn, đúng hơn về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân; đồng thời cần thể chế hóa quan điểm nêu trong bài viết thành những cơ chế chính sách cụ thể, tạo động lực thật sự cho kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn nữa.

Quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta nhận thức ngày càng đúng hơn về vai trò của kinh tế tư nhân. Nghị quyết T.Ư 5, khóa IX mới đưa ra chủ trương tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân. Nhưng Nghị quyết T.Ư 5, khóa XII coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Như vậy, kinh tế tư nhân được coi là một trong ba trụ cột của nền kinh tế.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Ðảng ta đề ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2030, có ít nhất hai triệu doanh nghiệp tư nhân với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP đạt từ 60% đến 65%. Nhiệm vụ đặt ra cho kinh tế tư nhân rất lớn. Muốn vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần có kế hoạch cụ thể về phát triển kinh tế tư nhân cho từng năm và cả giai đoạn, theo đúng quan điểm của Ðảng nêu trong Nghị quyết Ðại hội XIII và các nghị quyết chuyên đề trước đó.

Kinh tế tư nhân cũng như các thành phần kinh tế khác đều bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Các ngành cần quan tâm hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; khuyến khích hình thành, phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Ðể kinh tế tư nhân phát triển đúng hướng, lành mạnh, cần có cơ chế phát huy mặt tích cực của thành phần kinh tế này, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm soát, thực hiện công khai, minh bạch, ngăn chặn các mặt tiêu cực, nhất là phòng, chống mọi biểu hiện của "chủ nghĩa tư bản thân hữu", quan hệ "lợi ích nhóm", thao túng chính sách, cạnh tranh không lành mạnh để trục lợi bất chính. Vừa khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, góp phần tăng của cải cho đất nước, nhưng kiên quyết xử lý nghiêm những đối tượng làm trái, nhất là sai phạm trong bảo vệ môi trường, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế; các chính sách đối với người lao động như tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp đó, tin rằng kinh tế tư nhân sẽ thật sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế nước nhà.