Qua tiếp nhận ý kiến kiến nghị của cử tri khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết, Công ty Cổ phần Hợp Nhất đang thực hiện khai thác than tại mỏ Đông Nam Chũ và mỏ Nước Vàng (thuộc tỉnh Bắc Giang) với quy mô 500.000 tấn/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 1.000 người lao động địa phương.
"Trong thời gian qua, tiêu thụ than gặp nhiều khó khăn, tồn kho của công ty này tăng rất cao, đến nay lên tới một triệu tấn than sạch, làm ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp”, văn bản nêu.
Hiện, Công ty Cổ phần Hợp Nhất đang tạm dừng sản xuất ở các lò chợ, chỉ thực hiện đào các đường lò khai thông và xén cửa, cùng cố các đường lò.
“Việc tạm dừng sản xuất dẫn đến nguy cơ người lao động thiếu việc làm, mất việc làm, nguy cơ mất an toàn lao động do các công trình mỏ, phương tiện khai thác xuống cấp do không được vận hành thường xuyên”, Đoàn đại biểu Bắc Giang cho hay.
Nhằm giải quyết tồn kho, Công ty CP Hợp Nhất đã làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thống nhất kế hoạch cung cấp than.
Do đó, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đề nghị Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương xem xét, chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho Công ty CP Hợp Nhất được cung cấp than vào các nhà máy điện của EVN trong năm 2017 và các năm tiếp theo như phương án đã được EVN thống nhất với doanh nghiệp.
Thời gian gần đây, việc mua than của EVN với các công ty trong nước thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) xảy ra nhiều quan điểm trái chiều. Vào tháng 5-2017, EVN đề xuất lên Chính phủ được điều chỉnh lại số lượng than nhận của TKV từ 19,92 triệu tấn xuống 17,92 triệu tấn, giảm hai triệu tấn so kế hoạch.
Với đề xuất trên của EVN, TKV cho biết, việc này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn này trong năm nay. Theo tính toán từ TKV, nếu EVN giảm mua than, sẽ có hàng nghìn công nhân, lao động của tập đoàn này đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Do đó, tập đoàn này đang tính phương án thuyết phục ngành điện xem xét lại đề xuất giảm mua than của TKV để mua của đối tác bên ngoài.
Còn phía EVN khẳng định không có chuyện EVN bỏ mua than của TKV để mua của đối tác nước ngoài. Theo lãnh đạo EVN, việc tập đoàn này giảm sản lượng mua than của TKV vì than của KTV có giá cao hơn thị trường. Theo EVN, hiện trên thị trường có khá nhiều đơn vị cung cấp than có giá cả hợp lý hơn. EVN cho biết, nếu chi phí mua than bị tăng cao, sẽ làm cho chi phí, giá thành sản xuất điện tăng lên. Thậm chí sẽ khiến ngành điện phải gánh thêm khoản lỗ lớn do giá than.
Bà Lê Thị Thu Hồng, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho biết: “Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Bắc Giang nhận được ý kiến của cử tri khối doanh nghiệp phản ánh những khó khăn của Công ty Hợp Nhất trong tiêu thụ than, ảnh hưởng lớn tới sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động. Phản ánh nguyện vọng của cử tri, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương đề nghị giải quyết kiến nghị của cử tri. Trước đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang cũng có công văn đồng ý với công văn của đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang. Tinh thần của đoàn Đại biểu Quốc hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Giang là tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”.