Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội

Một đô thị xứng tầm

Hơn 70 năm xây dựng và phát triển, thành phố Hà Nội đã có bảy lần xây dựng, điều chỉnh quy hoạch chung và bốn lần điều chỉnh địa giới vào các năm 1960, 1978, 1991 và 2008. Ðồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 - lần điều chỉnh thứ tám đã được xây dựng, chuẩn bị kỹ lưỡng và đi đến những bước cuối cùng để cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Một góc hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh Ðăng Quang)
Một góc hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội). (Ảnh Ðăng Quang)

Kỳ vọng về một đô thị phát triển xứng tầm được đặt nền móng từ những bài học kinh nghiệm bao gồm cả thành công và hạn chế; những vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới và nhất là vị thế mới của quốc gia, của Thủ đô.

Theo Kết luận số 80-KL/TW về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Bộ Chính trị nêu rõ, Quy hoạch Thủ đô cần có “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra “cơ hội mới - giá trị mới” trong phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” cả trước mắt và lâu dài.

Về quy hoạch Thủ đô, Bộ Chính trị yêu cầu, kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”; xác định giáo dục, khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô; đồng thời, chú trọng đẩy mạnh xây dựng thể chế đồng bộ, quản trị hiện đại theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW.

Một trong các mục tiêu quan trọng được đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung đặt ra, đó là Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, Hà Nội đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, đòi hỏi quy hoạch phải có tầm nhìn và tư duy đổi mới, đột phá và có thể chế quản lý tốt hơn. Luật Thủ đô (sửa đổi) được ban hành sẽ tạo điều kiện để Hà Nội tháo gỡ các nút thắt, trở ngại, tạo động lực mới cho Thủ đô. Ðó là quy định phân quyền, giao quyền cho Hà Nội nhiều hơn để thành phố chủ động tạo sự bứt phá.

Ðể phát huy vai trò dẫn dắt và kết nối vùng, quy hoạch đã dựa trên phân công vai trò, chức năng giữa Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với vị thế đầu tàu kinh tế; phân công vai trò giữa Thủ đô và các tỉnh trong vùng Ðồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô và các địa phương phía bắc, để xác định vai trò chức năng phù hợp với nguồn lực và ưu thế của mỗi địa phương. Sự phân công này cần được hỗ trợ bởi các cơ chế chính sách nhằm bảo đảm sự tự do di chuyển các nguồn lực và kết nối hoạt động sản xuất, dịch vụ theo chuỗi giá trị.

Nền tảng quan trọng để phát huy vai trò dẫn dắt của Thủ đô đó là đào tạo, thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp nguồn nhân lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội của vùng. Bên cạnh đó, phát triển cơ sở hạ tầng, gồm giao thông vận tải, hạ tầng số, hạ tầng năng lượng… để Thủ đô trở thành thành phố thông minh, có hiệu quả với các hoạt động đầu tư, tạo không gian phát triển mới. Những kỳ vọng này đòi hỏi chính quyền đô thị phải nâng cao năng lực quản lý, tạo ra những động lực thông qua chính sách và hành động phát triển mối liên kết vùng.

Theo đồ án Ðiều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065, Hà Nội sẽ hình thành năm khu vực phát triển đô thị tập trung theo mô hình vùng đô thị lớn gồm:

Ðô thị trung tâm tiếp tục phát triển mở rộng về phía tây và phía nam, giới hạn đến đê Tả Ðáy và tỉnh lộ 427. Phát triển hành lang đô thị hai bên trục đường vành đai 4 để bổ trợ các chức năng về văn phòng, giáo dục, y tế, văn hóa, dịch vụ cho khu vực nội đô; Khu vực đô thị phía đông gồm Long Biên, Gia Lâm, phát triển các chức năng về đô thị, thương mại, dịch vụ, logistics và dịch vụ hỗ trợ hành lang kinh tế biển phía Ðông.

Khu vực đô thị phía bắc gồm Ðông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn phát triển các chức năng kết nối quốc tế gồm tài chính, dịch vụ, khoa học-công nghệ. Khu vực đô thị phía tây với trọng tâm là đô thị Hòa Lạc phát triển các chức năng về khoa học-công nghệ, giáo dục đào tạo, dịch vụ du lịch. Khu vực phía nam với trọng tâm là đô thị Phú Xuyên mở rộng gắn với đô thị sân bay, dịch vụ logistics.

Trong lần điều chỉnh quy hoạch này, các văn bản, ý kiến chỉ đạo từ Trung ương, Chính phủ đều chú trọng đến phát triển lĩnh vực khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo; đây là động lực cốt lõi để xây dựng phát triển Thủ đô trở thành đô thị có năng lực dẫn dắt; phát huy và khai thác các động lực phát triển quan trọng như nhân lực, hạ tầng, nguồn lực đầu tư. Do đó, đầu tư có trọng điểm cho khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo là ưu tiên, được hoạch định rõ nét trong quy hoạch.