Một báo cáo thiếu khách quan và đáng tiếc

Mới đây, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới. Đáng chú ý, văn bản này vẫn tiếp tục dựa trên những nhận định sai lệch, thông tin thiếu chính xác như từng diễn ra trong các báo cáo trước đây, dẫn đến đánh giá thiếu khách quan, sai sự thật về tình hình nhân quyền của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

Ngày 20/3, tại thủ đô Washington D.C, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã công bố Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tình hình nhân quyền năm 2022 (Báo cáo). Tuy nhiên, cũng giống như trước đây, Báo cáo 2022 lặp lại những đánh giá, kết luận chủ quan, phiến diện về tình hình nhân quyền của Việt Nam, bất chấp những thành tựu không thể phủ nhận mà đất nước ta đã đạt được trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Với 43 trang, gồm 7 phần, có thể thấy phần lớn nội dung bản Báo cáo vừa công bố được sao chép y nguyên từ Báo cáo Nhân quyền năm 2021. Trong đó, nhóm soạn thảo đề cập lại một số trường hợp công dân Việt Nam phạm tội hình sự như Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, Ngụy Thị Khanh với quan điểm bịa đặt, suy diễn bất chấp sự thật là những vụ án này đều được tiến hành tố tụng một cách minh bạch, khách quan, công bằng theo đúng trình tự, quy định của pháp luật Việt Nam.

Tại phiên tòa, bản thân các bị cáo cũng đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của họ. Với bản chất nhân văn của chế độ xã hội chủ nghĩa, các bị cáo vẫn được tạo cơ hội để hưởng sự khoan hồng. Chẳng hạn tại phiên tòa xét xử phúc thẩm ngày 21/11/2022, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đã quyết định giảm nhẹ hình phạt cho Ngụy Thị Khanh sau khi ghi nhận thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải cũng như những đóng góp của bị cáo cho xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19. Tòa cấp phúc thẩm đã tuyên phạt Ngụy Thị Khanh 21 tháng tù về tội trốn thuế, giảm ba tháng tù so với án sơ thẩm.

Nếu thiện chí và hướng đến nhân quyền đích thực, lẽ ra nhóm soạn thảo Báo cáo phải tìm hiểu kỹ hành vi mà các đối tượng đã thực hiện trên thực tế, nghiên cứu quá trình điều tra, cũng như kết quả điều tra của cơ quan chức năng trên cơ sở pháp luật của Việt Nam để nắm bắt bản chất hành vi của những người mà họ đã đề cập. Không thể vin vào lý do “tự do báo chí” để bảo vệ cho hành vi vi phạm các quy định liên quan của luật pháp Việt Nam. Trên thực tế, Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở, giải đáp thắc mắc về những vấn đề khác biệt để tăng cường hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ nói chung, trên lĩnh vực bảo vệ và thúc đẩy quyền con người nói riêng.

Bên cạnh đó, bản Báo cáo còn đưa ra những nhận xét không đúng sự thật về bản chất của chế độ Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam và công tác bầu cử Quốc hội tại nước ta. Điều này cho thấy trải qua nhiều năm, những người xây dựng báo cáo vẫn giữ nguyên định kiến sai lệch nặng nề về Việt Nam, đi ngược hẳn với tuyên bố chung “tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị” được các chính khách, nhà ngoại giao Hoa Kỳ nhiều lần đưa ra tại các buổi làm việc giữa hai nước.

Việt Nam trên tinh thần xây dựng, thiện chí luôn trao đổi các thông tin khách quan, chính thống trong các cuộc đối thoại nhân quyền thường niên với phía Hoa Kỳ, song đáng tiếc không được phản ánh đầy đủ trong các báo cáo nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Với cách thức xây dựng Báo cáo như đề cập, dư luận trong nước cũng như quốc tế có quyền dấy lên nghi vấn những người soạn thảo chỉ muốn chọn lọc số liệu, tài liệu, chứng cứ từ một số nguồn tin, tổ chức, cá nhân mà họ quan tâm và muốn bảo vệ, chứ không hề tìm hiểu căn cứ theo thông tin chính thức được cung cấp bởi chính quyền nước sở tại trong quá trình thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh, chủ quyền quốc gia.

Tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra chiều 23/3 khi được hỏi về Báo cáo Nhân quyền năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: “Việt Nam lấy làm tiếc vì Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2022 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên các thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn cởi mở trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về các vấn đề còn khác biệt để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, đóng góp phát triển quan hệ giữa hai nước”.

Trên thực tế, dù đối diện với vô vàn thách thức, nhất là xử lý những hậu quả nặng nề từ đại dịch Covid-19, Việt Nam vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm và phát huy quyền con người. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nổi lên là thành tựu giảm nghèo ấn tượng.

Để bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, Việt Nam hiện có 127 cơ quan báo; 670 cơ quan tạp chí (có 327 tạp chí lý luận chính trị và khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật); 72 cơ quan đài phát thanh, truyền hình; 57 nhà xuất bản, khoảng 1.500 cơ sở in công nghiệp và khoảng 14.000 công ty phát hành sách, trung tâm phát hành sách. Không chỉ vậy, 935 mạng xã hội đã được cấp phép hoạt động tại Việt Nam với khoảng 130 triệu tài khoản đăng ký. Trong đó, 10 mạng xã hội có trên 1 triệu tài khoản đăng ký hoạt động và 27 mạng xã hội có lượt người truy cập/tháng từ 1 triệu lượt trở lên. Đây là diễn đàn rộng mở cho người dân tham gia đóng góp ý kiến, quan điểm, phản biện xã hội.

Ở Việt Nam mọi công dân đều sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; không ai được lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của cá nhân khác.

Trên bình diện quốc tế, là một quốc gia có trách nhiệm, Việt Nam đã phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của ILO, trong đó có 9/10 công ước cơ bản.

Từ sự tín nhiệm của các nước trong khu vực và trên thế giới, Việt Nam đang đồng thời đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại các cơ quan Liên hợp quốc như Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2023-2025; Hội đồng khai thác Liên minh Bưu chính thế giới (UPU), nhiệm kỳ 2022-2025; Hội đồng Thống đốc cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), nhiệm kỳ 2021-2023; Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) nhiệm kỳ 2023-2027...

Qua đó, Việt Nam thể hiện cam kết với Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế trong bảo vệ và thúc đẩy những giá trị phổ quát về quyền con người, cùng phấn đấu vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác phát triển và tiến bộ xã hội, đồng thời thể hiện thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo; sẵn sàng làm bạn, đối tác tin cậy, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế để xử lý các vấn đề về quyền con người trên phạm vi khu vực và toàn cầu.

Với chính sách nhất quán lấy con người làm trung tâm phát triển, Việt Nam luôn quan tâm, thúc đẩy các quyền cơ bản của con người, cũng như sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong vấn đề quyền con người trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, thông qua Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát của Liên hợp quốc, các cuộc đối thoại nhân quyền song phương và đa phương cùng nhiều diễn đàn quốc tế khác. Việt Nam cũng nghiêm túc ghi nhận các đánh giá, khuyến nghị khách quan được các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế nhằm góp phần cải thiện, điều chỉnh việc bảo đảm nhân quyền ở Việt Nam ngày càng hoàn thiện.

Gần 30 năm, kể từ khi bình thường hóa quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, hai nước đã đạt được nhiều thành tựu phát triển đáng kinh ngạc, vượt xa sự kỳ vọng của những người đặt nền móng cho tiến trình này. Năm 2015, trao đổi với báo chí Việt Nam về chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam thời điểm đó là Ted Osius đã thẳng thắn chia sẻ: “Dù vẫn còn có những bất đồng, chúng ta vẫn có quan hệ đối tác ngày càng sâu rộng về an ninh, kinh tế, quan hệ nhân dân... Chúng ta không cần có hệ thống chính trị giống hệt nhau để hợp tác mạnh mẽ.

Khi đến California, tôi cũng nhận được câu hỏi Hoa Kỳ có chương trình gì để thay đổi Chính phủ Việt Nam không. Tôi trả lời đó không phải là chính sách của Hoa Kỳ, Hoa Kỳ tôn trọng sự khác biệt về thể chế chính trị. Cách duy nhất để tạo dựng lòng tin giữa hai nước là thể hiện rõ ràng sự tôn trọng đó. Đó không phải câu trả lời họ muốn nghe, nhưng đó là chính sách mà Mỹ nhấn mạnh nhiều lần”.

Ngày 2/7/2020, nhân dịp kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ, Đại sứ Daniel J.Kritenbrink cho rằng “Thành tựu lớn nhất là ngày nay chúng ta hoàn toàn gọi nhau là bạn bè và là đối tác một cách chân thành. Phái đoàn Hoa Kỳ ở đây để hỗ trợ Việt Nam phát triển và thành công. Thành công của các bạn là thành công của chúng tôi. Thịnh vượng của các bạn là thịnh vượng của chúng tôi. Chúng tôi lạc quan về những thành tựu sẽ đạt được giữa hai nước trong 25 năm tiếp theo”.

Tuy nhiên, việc đưa ra một số nhận định thiếu khách quan, dựa trên các thông tin không chính xác về tình hình thực tiễn tại Việt Nam qua các báo cáo thường niên về tình hình nhân quyền, tự do tôn giáo, tình hình buôn người của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đang nguy cơ ảnh hưởng tới những thành quả mà chính quyền và nhân dân hai nước đã nỗ lực xây dựng và vun đắp suốt nhiều năm qua. Nhất là trong bối cảnh, các báo cáo này gần như đi ngược lại với đánh giá, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về tình hình bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam.

Đây là một điều đáng tiếc khi hai quốc gia đang nỗ lực tăng cường sự hiểu biết và tôn trọng những đặc thù, khác biệt để cùng tìm ra mẫu số chung trong lĩnh vực quyền con người, xóa bỏ những áp đặt và chính trị hóa của một bên từng diễn ra trong quá khứ, cùng nhau phát triển.