Mong muốn về một thế giới hòa bình, công bằng và thịnh vượng

Ðáng chú ý lần này, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, với sự có mặt của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun và đại diện của cả năm nước Thường trực HÐBA LHQ, chứng tỏ sức cuốn hút mạnh mẽ và vai trò của PTKLK ngày càng quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế.

Quê hương của nền văn minh Ai Cập cổ đại những ngày này đang giữa mùa hè, nắng như đổ lửa, bầu trời chói chang không một gợn mây. Tuy vậy, ở Sam En-sếch, trời cứ tắt nắng là gió mát từ biển thổi vào, không hề oi bức. Cả khu vực này, một bên là biển xanh ngắt còn lại ba bề là sa mạc bao quanh, không hề thấy mầu xanh của cây cỏ, chỉ một mầu nâu của đất cát  bạc phếch chạy dải tới những ngọn núi ở phía xa, trông thật nhức mắt. Vậy mà, nơi đây được mệnh danh là "Thiên đường trên sa mạc", với hàng loạt các khu du lịch nghỉ dưỡng, các khách sạn 5 sao, chen nhau nằm dọc theo bờ biển và quá trình mở rộng, xây mới vẫn đang diễn ra thật nhộn nhịp. Cả khu vực nổi tiếng rộng ngút tầm mắt này hầu như chỉ có nhà hai, ba tầng nằm dưới tán những cây chà là và được trang điểm bằng những bụi cây hoa giấy nở rực rỡ, rất thích hợp với vùng đất nhiều nắng và khô cằn này. Trung tâm Hội nghị Cấp cao có tên là Ma-ri-tim cũng vậy, là một loạt khu nhà thấp tầng nằm gần nhau và được canh gác cẩn mật bởi các lực lượng an ninh. Dọc hai bên con đường trải nhựa phẳng lì dẫn tới Trung tâm Hội nghị Ma-ri-tim, cờ của các quốc gia thành viên PTKLK bay phấp phới trong nắng gió sa mạc, không hề thấy bóng nhà cửa dân cư ở đây.

Ðúng 10 giờ ngày 15-7, Hội nghị Cấp cao PTKLK lần thứ 15 khai mạc tại Sam En-sếch. Nhớ lại sự ra đời của PTKLK cách đây gần nửa thế kỷ (1961), là một trong những sự kiện trọng đại nhất của lịch sử thế giới hiện đại, khởi nguồn từ lợi ích của các nước Á - Phi - Mỹ la-tinh mới giành được độc lập dân tộc, cần cùng nhau đoàn kết giữ vững nền độc lập của mình, đấu tranh với những hành động can thiệp, xâm lược, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, chống chủ nghĩa đế quốc, góp phần bảo vệ hòa bình thế giới đang đứng trước thách thức của cuộc chạy đua vũ trang và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Từ mục tiêu đó, tại đất nước Ai Cập này cách đây vừa tròn 45 năm, Hội nghị Cấp cao lần thứ hai của PTKLK (1964) đã thông qua bản Tuyên bố lịch sử "Chương trình vì hòa bình và hợp tác quốc tế" tạo cơ sở vững chắc cho sự phối hợp hành động được triển khai trong nhiều thập kỷ sau đó giữa các nước thành viên Phong trào. Không phải ngẫu nhiên, Hội nghị Cấp cao lần này cũng tổ chức tại Ai Cập, một trong những nước sáng lập PTKLK, các nước thành viên đông đảo hơn gấp nhiều lần cách đây 45 năm, nhất trí chọn chủ đề "Ðoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển", thể hiện mong muốn thiết tha vì hòa bình của PTKLK, luôn là một trong những phong trào phấn đấu vì hòa bình lớn nhất của thời đại. Thực tế cho thấy, từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, hơn 300 cuộc chiến tranh và xung đột trên thế giới xảy ra thì phần lớn đều diễn ra ở các nước đang phát triển. Các nước đang phát triển luôn là nạn nhân của chiến tranh, xung đột, của chính sách cường quyền. Trong tuyên bố khai mạc Hội nghị Cấp cao PTKLK lần này, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba, Ra-un Ca-xtơ-rô kêu gọi tiếp tục tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên PTKLK để đối phó với những thách thức hiện tại và tương lai, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Chủ tịch Hội nghị Cấp cao PTKLK 15, Tổng thống nước chủ nhà Hô-xni Mu-ba-rắc, trong diễn văn khai mạc cũng kêu gọi tăng cường hợp tác, đối thoại quốc tế trong khuôn khổ hợp tác Nam-Nam. Ông nhấn mạnh, hòa bình và phát triển là mục tiêu của PTKLK. Con đường để đạt được mục tiêu này là tăng cường bảo đảm quốc tế, hợp tác xây dựng giữa tất cả các nước. Ðể có hòa bình và ổn định quốc tế trước những khó khăn, thách thức, PTKLK cần cùng nhau nỗ lực hỗ trợ cho sự phát triển, giải quyết các vấn đề thách thức...

Tham dự Hội nghị Cấp cao PTKLK lần này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trưởng đoàn đại biểu Cấp cao nước ta, trong bài phát biểu tại Hội nghị Cấp cao với chủ đề "Ðoàn kết quốc tế vì hòa bình và phát triển", nêu rõ: "Thấu hiểu những đau thương, mất mát của chiến tranh, dân tộc Việt Nam ý thức sâu sắc về giá trị của độc lập, tự do, giá trị của hòa bình. Chúng tôi cực lực lên án các cuộc chiến tranh xâm lược vì đó là các cuộc chiến tranh phi nghĩa, là tội ác, đặc biệt lên án những thế lực gây ra chiến tranh. Hòa bình, chỉ có hòa bình và duy trì môi trường hòa bình, ổn định mới bảo đảm điều kiện để phát triển kinh tế, nhân dân chúng ta mới có cuộc sống tốt đẹp hơn". Tiếp đó, Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: "Trong bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay, Việt Nam cho rằng, chúng ta cần tăng cường đoàn kết hơn nữa để cùng nhau phấn đấu cho những mục tiêu cao cả trên cơ sở kiên trì các nguyên tắc của Phong trào. Ðó là các nguyên tắc tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ, tăng cường hữu nghị, không sử dụng và đe dọa sử dụng trong quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp quốc tế. Ðây là những chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi trong quan hệ quốc tế hiện đại và cũng là nguồn sức mạnh giúp Phong trào vượt qua nhiều thử thách".

Trên nhận thức đó, theo Chủ tịch nước, Việt Nam luôn ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực nhằm sớm có giải pháp  hòa bình cho các bất đồng quốc tế và xung đột khu vực. Trên cương vị là Ủy viên không thường trực HÐBA LHQ, Việt Nam dành ưu tiên cao nhất cho việc góp phần ngăn ngừa xung đột, giải quyết một cách hòa bình các cuộc tranh chấp. Việt Nam kiên trì lập trường là HÐBA LHQ cần hoạt động phù hợp với Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Phát biểu của Chủ tịch nước cũng cho thấy, Việt Nam đã tích cực cùng Cu-ba và các nước KLK là thành viên HÐBA LHQ thúc đẩy các quan điểm của PTKLK tại HÐBA LHQ trong thời gian qua... Tại diễn đàn đa phương này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nêu rõ, việc Việt Nam chia sẻ quan điểm chung của các nước KLK là ủng hộ quyền con người như những giá trị phổ cập của nhân loại. Việt Nam khẳng định, không có một mô hình dân chủ duy nhất đối với mọi quốc gia, phản đối việc sử dụng các vấn đề dân chủ, quyền con người làm công cụ chính trị can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia, coi đó là biểu hiện của chủ nghĩa thực dân, vi phạm thô bạo quyền con người cơ bản nhất là quyền dân tộc tự quyết và cản trở hợp tác quốc tế trên cơ sở đối thoại, tôn trọng lẫn nhau. Thực hiện đường lối đối ngoại của mình, Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ với PTKLK và trên tinh thần đoàn kết, hợp tác vì lợi ích chung, Việt Nam chú trọng mở rộng quan hệ kinh tế, triển khai các hình thức giúp đỡ lẫn nhau với các nước KLK anh em trong các lĩnh vực cụ thể như nông nghiệp, y tế, giáo dục và sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm phát triển, trong đó, có các biện pháp đối phó khủng hoảng kinh tế - tài chính, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Trong quá trình xây dựng Dự thảo Văn kiện của Hội nghị, cũng như việc thông qua tại Hội nghị Cấp cao lần này và phát biểu của các Trưởng đoàn tại đây, cho thấy cộng đồng quốc tế nói chung và PTKLK nói riêng đang đối mặt với  nhiều thách thức trên các lĩnh vực hòa bình, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, quyền con người và pháp quyền. Do đó cần khẳng định lại cam kết về tôn trọng và bảo vệ các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương LHQ, các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Mong muốn chung của PTKLK về một thế giới hòa bình, thịnh vượng và một trật tự công bằng tiếp tục gặp nhiều trở ngại, trong đó một bên là tác động tiêu cực nghiêm trọng của khủng hoảng kinh tế - tài chính, cộng với sự thiếu nguồn lực và trình độ phát triển thấp ở đa số nước đang phát triển, và bên kia là sự bất hợp tác, cùng với việc áp dụng các biện pháp đơn phương, ép buộc của một số nước phát triển. Hội nghị Cấp cao khẳng định cam kết và quyết tâm tôn trọng các nguyên tắc sáng lập (các nguyên tắc Băng-đung, cũng như các nguyên tắc thông qua tại Hội nghị Cấp cao 14 tại La-ha-van (2006), nhằm tiếp tục củng cố và đề cao vai trò, vị thế của KLK là diễn đàn chính trị chủ chốt, đại diện cho thế giới đang phát triển ở nhiều diễn đàn đa phương, đặc biệt là LHQ. Nhất quyết phải tiếp tục thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, đặc biệt phải tăng cường vai trò trung tâm của LHQ, bảo vệ lợi ích của các nước đang phát triển, ngăn chặn việc các nước này bị gạt ra rìa bên lề. Nếu có thành viên KLK phải chịu tổn thất, dù là kinh tế, chính trị, quân sự hay an ninh, hoặc do bao vây cấm vận đơn phương, Phong trào sẽ thể hiện sự đoàn kết với nước đó thông qua sự hỗ trợ về tinh thần, vật chất...

TRƯỚC cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới, Hội nghị Cấp cao nhận thấy các nước KLK và đang phát triển, đang và sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nhất từ các cuộc khủng hoảng mà nguyên nhân của chúng là những khiếm khuyết về cấu trúc của các hệ thống kinh tế - tài chính quốc tế. Hội nghị tỏ rõ cam kết phối hợp cải tổ cơ bản các hệ thống kinh tế - tài chính quốc tế; cam kết tăng cường vai trò và sự tham gia của các nước đang phát triển vào các quá trình ra quyết định kinh tế quốc tế; thực hiện triệt để các hành động đề ra tại Hội nghị Cấp cao LHQ về khủng hoảng kinh tế và tài chính thế giới và bảo đảm các biện pháp này không gây phương hại cho các nước đang phát triển... Có thể thấy tại Hội nghị Cấp cao lần thứ 15, không khí bao trùm là sự nhất trí cao trong việc đánh giá các vấn đề quốc tế. Ðiều đó thể hiện rõ niềm tin vào PTKLK, sự đoàn kết được tăng cường. Tuyên bố Sam En-sếch khi kết thúc Hội nghị Cấp cao đã tập trung nêu bật sự quan tâm và quyết tâm của các nước KLK trước các vấn đề toàn cầu hiện nay.

Tại Hội nghị, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki Mun phát biểu cho rằng, ngày nay không thể có nước nào có thể giải quyết các vấn đề quốc tế một mình được. Vì thế, vai trò của PT KLK ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.