Cuộc đối thoại được truyền trực tuyến tới điểm cầu một số tỉnh, thành phố lớn; 40 điểm cầu các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại những ngày tháng hai bên cùng nhau phòng, chống dịch Covid-19 cách đây 1 năm, để rồi chúng ta ngồi với nhau hôm nay yên tâm hơn mặc dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nhất là châu Âu, Hoa Kỳ... Chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh vì có vaccine, thuốc chữa bệnh, kinh nghiệm, tổng kết được công thức chống dịch. Chúng ta cũng vui mừng chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc.
Trong 30 năm qua, hai bên đã làm được rất nhiều việc. Quan hệ hai nước ngày càng được nâng tầm, đi vào chiều sâu thực chất, hiệu quả; góp phần thúc đẩy quan hệ hai dân tộc, hai đất nước vốn có mối lương duyên lâu đời, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ của mỗi nước, góp phần vào hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi đối thoại. |
Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22/12/1992. Sau 30 năm, quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc không ngừng được củng cố và phát triển thực chất, toàn diện, vượt bậc trên cả bình diện song phương và đa phương trong nhiều lĩnh vực hợp tác khác nhau. Hai bên đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Tin cậy chính trị và hiểu biết giữa hai nước không ngừng được củng cố.
Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là một điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã đầu tư, hoạt động hiệu quả và có đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao việc cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc, thời gian qua luôn tin tưởng sự lãnh đạo Chính phủ Việt Nam, vừa thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, vừa duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh từng bước vận hành trở lại, không để gián đoạn sản xuất.
Nhân dịp này, thay mặt Đảng, Nhà nước, và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu của Chính phủ và nhân dân Hàn Quốc đã đồng hành, chia sẻ, ủng hộ trong nỗ lực phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam nói chung và trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng với những đóng góp quan trọng, ý nghĩa, thiết thực, kịp thời và hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc đối thoại với hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. |
Qua hơn 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.
Hoạt động đầu tư nước ngoài ngày càng sôi động, nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp lớn với công nghệ hiện đại, trong đó có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam; quy mô vốn và chất lượng dự án tăng, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; tăng thu ngân sách nhà nước, ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao vị thế và uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài và thực tiễn triển khai các dự án đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc cả về thể chế, chính sách cũng như trong công tác triển khai thực hiện. Điều quan trọng chúng ta chia sẻ, phát hiện những vướng mắc, hợp tác cùng nhau, quyết tâm tháo gỡ, tạo cơ hội cho nhau phát triển.
Để lắng nghe và ghi nhận từ thực tiễn cộng đồng doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc cũng như những đề xuất sáng kiến, giải pháp cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính nhằm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp Hàn Quốc vào tháng 9/2021. Đến nay, 25/28 đề xuất, kiến nghị đưa ra đã được xử lý, nhất là các kiến nghị liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư kinh doanh. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tiếp tục tích cực nghiên cứu xử lý 3 đề xuất, kiến nghị còn lại.
Trên tinh thần luôn sát cánh, chia sẻ, động viên, lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng, hôm nay, chúng ta lại có dịp cùng gặp gỡ, trao đổi thẳng thắn, cởi mở, xây dựng để tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả với quan điểm “khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết”, các đề xuất thiết thực, cụ thể, rõ ràng, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác đầu tư-thương mại giữa hai nước.
Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan phát biểu. |
Theo đó, Thủ tướng đề nghị, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc nêu các vấn đề còn gặp vướng mắc, khó khăn, đề xuất, sáng kiến về tầm nhìn, hoạt động chiến lược, các hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, phát triển hùng cường thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Các bộ, ngành, cơ quan chức năng, địa phương của Việt Nam tập trung trao đổi, giải đáp và đưa ra các giải pháp cụ thể, phù hợp.
Với tinh thần chân thành, thẳng thắn, tin cậy, cầu thị, những khó khăn, vướng mắc nào giải quyết được ngay thì có câu trả lời rõ ràng; những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì phải khẩn trương nghiên cứu, đưa ra phương hướng, giải pháp với lộ trình cụ thể để xử lý trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, hữu nghị, chân thành, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Tại buổi đối thoại, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Park Noh Wan chân thành cảm ơn sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Hàn Quốc làm ăn thuận lợi tại Việt Nam.
Đại sứ đánh giá, Việt Nam đang đạt được sự phục hồi kinh tế nhanh chóng. Nhờ phục hồi kinh tế của Việt Nam, thương mại hai nước đang gia tăng rõ rệt, nếu giữ đà này, kim ngạch thương mại song phương có thể đạt được mục tiêu 100 tỷ USD vào năm nay, sớm 1 năm so mục tiêu đề ra.
Năm nay là năm đặc biệt đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đang nỗ lực tạo xung lực đột phá trong quan hệ hai nước, đặt nền tảng cho mối quan hệ vững bền trong 30 năm tới. Chính phủ Hàn Quốc luôn hỗ trợ Việt Nam phát triển, nỗ lực để hai nước tiếp tục ứng phó chung đối với sự biến đổi kinh tế thế giới; sẵn sàng hợp tác tối đa với Việt Nam để nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch; tiếp tục hợp tác hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số, biến đổi khí hậu…
Tại buổi đối thoại, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam, đại diện các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhiều vấn đề liên quan việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm ăn thuận lợi tại Việt Nam; bảo đảm chuỗi cung ứng lao động ổn định; tạo điều kiện thuận lợi cấp phép lao động cho doanh nhân, chuyên gia Hàn Quốc làm việc tại Việt Nam; thúc đẩy nhanh thủ tục cấp phép đầu tư các dự án đang đầu tư tại Việt Nam; ưu đãi về các chính sách thuế, phí, hải quan; có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong trung và dài hạn như ưu đãi thuế để các công ty gặp khó khăn có thể vượt qua tình trạng khủng hoảng do giảm đơn đặt hàng trong tất cả các ngành; bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho các doanh nghiệp Hàn Quốc sản xuất, kinh doanh; quan tâm, giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đất đai; có cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam; hỗ trợ phát triển đào tạo nguồn nhân lực; hoàn thiện thủ tục xuất nhập khẩu đối với một số mặt hàng công nghệ.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng các biện pháp đối phó với dịch bệnh truyền nhiễm mới dựa trên kinh nghiệm phòng, chống dịch Covid-19 trong 2 năm qua để không gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp…
Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, một số địa phương cũng trả lời, giải đáp nhiều kiến nghị của các Hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tinh thần là hai bên tiếp tục hợp tác, chân thành, tin cậy, hiệu quả; đề nghị “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.
Thủ tướng chia sẻ một số suy nghĩ: trước hết, về các yếu tố nền tảng, Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có lịch sử hào hùng đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước; có nền văn hóa lâu đời, phong phú, đa dạng (trong đó, có nhiều nét tương đồng với nền văn hóa Hàn Quốc); con người Việt Nam cần cù, bản lĩnh, sáng tạo, thân thiện và mến khách. Việt Nam có tinh thần đại đoàn kết dân tộc rất cao, càng khó khăn càng đoàn kết.
Quan điểm xuyên suốt là lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Việt Nam đã và đang: kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, an ninh, an toàn, an dân; từ đó mới có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, đủ sức chống chịu với những biến động bên ngoài và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động, thực chất, hiệu quả…
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ, nhất là trước các tác động của đại dịch Covid-19, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột tại Ukraine, Việt Nam vẫn bảo đảm mức tăng trưởng; đồng thời ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành hài hòa, hợp lý, hiệu quả, hỗ trợ lẫn nhau giữa các chính sách tiền tệ-tài khóa; triển khai Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch.
Năm 2022, GDP quý II tăng 7,72% (tốc độ cao nhất trong 11 năm qua), góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm. Trong 7 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt trên 11,5 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ; xuất siêu đạt 764 triệu USD; các cân đối lớn được bảo đảm. Chuỗi cung ứng lao động được khắc phục nhanh. Nhiều tổ chức quốc tế như WB, IMF, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao trong năm 2022 lạc quan, tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn tự lực, tự cường, từ đó có đối sách phù hợp.
Thủ tướng khẳng định, có được thành quả như trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành, phối hợp hiệu quả của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt của Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, đoàn kết, đồng hành của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam; sự hợp tác chặt chẽ, phối hợp hiệu quả, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Thủ tướng vui mừng khi thấy nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Hàn Quốc đã tiến hành đầu tư thành công tại Việt Nam như: Samsung, LG, Hyosung, Hanwha, Hyundai, Tập đoàn CJ, Lotte...
Điển hình là Tổ hợp doanh nghiệp Samsung điện tử Việt Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD, thu hút trên 125 nghìn lao động, chiếm 0,8% tổng lao động làm việc trong các doanh nghiệp cả nước.
Trong năm 2021, Samsung điện tử Việt Nam tạo ra 1,7 triệu tỷ đồng doanh thu; chiếm tỷ trọng 13,6% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Việt Nam là đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại ASEAN, 30% đầu tư Hàn Quốc vào ASEAN là vào thị trường Việt Nam; kim ngạch thương mại Việt Nam-Hàn Quốc tương đương 50% tổng kim ngạch thương mại giữa Hàn Quốc và ASEAN. Giai đoạn vừa qua, hai nền kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc đã bổ trợ rất tốt cho nhau.
Thủ tướng nêu rõ, những thành tựu tốt đẹp của 30 năm hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là “động lực” để hướng tới nâng tầm quan hệ Việt Nam-Hàn Quốc lên thành “Đối tác Chiến lược toàn diện”, thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Tại buổi gặp mặt với các hiệp hội, doanh nghiệp Hàn Quốc này, Thủ tướng chia sẻ một số định hướng lớn: Đảng, Nhà nước Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các doanh nghiệp nước ngoài nói chung, Hàn Quốc nói riêng, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường.
Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng...); có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam, bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam); thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Việt Nam kêu gọi, kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Về thương mại, tiếp tục tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc (VKFTA); đồng thời, giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc.
Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh hơn nữa hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc về phát triển năng lượng. Việt Nam khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, thực hiện cam kết tại Hội nghị COP 26; chú trọng hình thành các trung tâm năng lượng lớn phù hợp với lợi thế cạnh tranh của các địa phương; phát triển hệ thống thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch; đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh để huy động các nguồn xã hội hóa cho đầu tư phát triển.
Về phát triển công nghiệp, trọng tâm ưu tiên của Việt Nam là phát triển công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đồng thời, tập trung thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo, tạo bước đột phá trong hình thành năng lực sản xuất mới gắn với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đây cũng là lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh, do đó mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cam kết tạo thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp nước ngoài nói chung và cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đầu tư kinh doanh hiệu quả, thành công và bền vững tại Việt Nam; tin tưởng rằng, với sự nỗ lực, hợp tác chặt chẽ của hai bên; với tiềm năng, thế mạnh và tính chất bổ trợ của hai nền kinh tế, các hoạt động hợp tác đầu tư, kinh doanh giữa Việt Nam-Hàn Quốc thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa hướng đến sự phát triển bền vững và thịnh vượng của cả hai nước.