Món quà thiết thực dành tặng Điện Biên

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Tập đoàn TH trao tặng những căn nhà, những món quà thấm đượm nghĩa tình và tích cực triển khai đầu tư tại Điện Biên để đánh thức tiềm năng, hỗ trợ bà con sinh kế, nâng cao đời sống. Những việc làm thiện nguyện thiết thực chung tay lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái”, chăm lo, tri ân đồng bào các dân tộc từng đóng góp sức người, sức của, chiến đấu hy sinh, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
0:00 / 0:00
0:00
UBND huyện Tuần Giáo ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn TH về hợp tác phát triển vùng lõi mắc ca giai đoạn I trên địa bàn huyện.
UBND huyện Tuần Giáo ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn TH về hợp tác phát triển vùng lõi mắc ca giai đoạn I trên địa bàn huyện.

Tấm lòng thơm thảo

Sau gần 40 năm đổi mới, đời sống đồng bào các dân tộc ở Điện Biên ngày càng được nâng cao, tuy nhiên so với mặt bằng phát triển chung của cả nước vẫn còn nhiều khó khăn. Với tấm lòng thơm thảo “của ít lòng nhiều” góp sức xóa nhà tạm, nhà dột nát, Tập đoàn TH thông qua Quỹ Vì tầm vóc Việt đã và đang đầu tư xây dựng hơn 300 nhà tình nghĩa tại huyện Điện Biên Đông, Tuần Giáo trị giá gần 16 tỷ đồng. Nghĩa cử cao đẹp khích lệ, tiếp sức cho bà con ý chí tự lực tự cường vươn lên thoát nghèo.

Đồng hành nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, TH dự kiến trao 10 nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh ở Nghệ An đã tham gia chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ.

Món quà thiết thực dành tặng Điện Biên ảnh 1

Hưởng ứng chương trình “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động, Ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn TH và Quỹ Vì tầm vóc Việt ủng hộ 5 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho các hộ nghèo tại Điện Biên.

Được Tập đoàn TH tài trợ xây dựng điểm trường Thẩm Pung khang trang tại xã Pú Xi, huyện Tuần Giáo, việc dạy và học của thầy trò bớt gian khó, học sinh thêm yêu trường mến lớp. Trong năm nay, Tập đoàn TH cùng Ngân hàng TMCP Bắc Á xây 1 trường học trị giá 7 tỷ đồng và trao 10 nhà vệ sinh trường học tại Điện Biên, góp phần tạo môi trường học tập tốt, chắp cánh cho ước mơ của thế hệ trẻ bay cao, bay xa. Cùng với đó, hàng trăm suất quà tặng, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, học sinh, phụ nữ lan tỏa tinh thần nhân ái, sẻ chia vơi bớt khó khăn trong cuộc sống.

Đây là những hoạt động thiết thực mà Tập đoàn TH triển khai hỗ trợ người dân tỉnh Điện Biên. Được biết, là doanh nghiệp hàng đầu chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa, sản xuất sữa tươi sạch và đồ uống, Tập đoàn TH đã và đang tiếp tục triển khai nhiều dự án trồng cây lâm nghiệp, thảo dược… phát triển kinh tế dưới tán rừng ở nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Điện Biên. Vừa bước chân đầu tư trên mảnh đất mới, Tập đoàn TH đã đồng hành cùng chính quyền địa phương hỗ trợ người dân trên mọi mặt của đời sống.

Món quà thiết thực dành tặng Điện Biên ảnh 2

Quỹ Vì tầm vóc Việt, Ngân hàng TMCP Bắc Á phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao 200 suất quà tặng mẹ liệt sĩ, gia đình chính sách, nữ đảng viên cao tuổi và nhân chứng lịch sử tại 4 xã thuộc tỉnh Điện Biên.

Đánh thức tiềm năng vùng đất khó

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư Nguyễn Phi Sông, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định phát triển nhanh, bền vững gắn với tăng trưởng xanh, đầu tư trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh với nông-lâm nghiệp là nền tảng, sản xuất hàng hóa tập trung gắn với công nghiệp chế biến sau thu hoạch, ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh chú trọng tạo dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, lựa chọn nhà đầu tư đủ tâm và tầm, đồng hành, tạo điều kiện tối đa.

Với mục tiêu trở thành thủ phủ của Tây Bắc về trồng cây mắc ca, Điện Biên hiện có 13 dự án được tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng quy mô 61.223 ha. Cho biết Tập đoàn TH vừa ký kết biên bản ghi nhớ với UBND huyện Tuần Giáo về hợp tác phát triển vùng lõi mắc ca giai đoạn I, Chủ tịch UBND huyện Lê Xuân Cảnh khẳng định, huyện đất rộng, có khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên chọn mắc-ca là cây trồng chủ lực và xây dựng vùng nguyên liệu tập trung phục vụ chế biến sâu, xuất khẩu. Các thủ tục về hỗ trợ công khai hoang, trình UBND tỉnh giao, cho thuê đất vùng lõi dự án theo quy định của pháp luật được huyện tích cực triển khai theo nội dung ký kết, xây dựng kế hoạch phối hợp cụ thể hàng quý.

Hợp tác với một tập đoàn đầu tư uy tín, cam kết bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường trong 50 năm là điều kiện thuận lợi để Tuần Giáo phấn đấu trở thành huyện trọng điểm trồng mắc-ca, góp phần tạo sinh kế, giảm nghèo nhanh và bền vững. Quan điểm của huyện là làm phổ rộng, ngoài vùng lõi doanh nghiệp tự trồng còn thúc đẩy vùng liên kết để người dân trồng trên đất của mình, năm 2023 đạt gần 1.000ha.

Nắm bắt tâm lý người dân muốn trồng cây nhanh cho thu hoạch, lãnh đạo huyện trực tiếp tới tất cả các xã tuyên truyền, vận động hàng chục nghìn hộ dân bằng video trình chiếu, trả lời thắc mắc để bà con thấu hiểu trồng cây ngắn ngày “ráo mồ hôi là hết tiền”, trồng cây lâu năm chăm sóc vất vả hơn, sau 3 năm mới cho thu hoạch nhưng mang lại giá trị kinh tế cao. Những băn khoăn lo lắng về “đầu vào” và “đầu ra” của người dân đều được đả thông, giải thích cụ thể: Nhà nước hỗ trợ phân bón, cây giống, TH hướng dẫn kỹ thuật trồng và thu mua, khi cây chưa cho quả thì trồng xen ngô, đậu tương… để “lấy ngắn nuôi dài”. Hiệu ứng của việc vận động, thông tin tới người dân một cách sâu rộng, bài bản, bà con hăng hái ủng hộ chủ trương.

Khí thế vào cuộc khẩn trương, quyết liệt. Cán bộ Tập đoàn TH, các phòng, ban của huyện, cán bộ khuyến nông xã, tổ trưởng tổ hợp tác “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn các hộ trồng theo đúng quy trình kỹ thuật. Cùng với 156 nhóm zalo kết nối từ huyện đến các bản, nhóm bản để tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc người dân trồng, chăm sóc, bảo vệ cây, lãnh đạo huyện họp trực tuyến với các hộ dân kiểm tra, nhắc nhở tưới cây bảo đảm yêu cầu.

Xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo có 48 hộ, năm 2023 trồng 193ha mắc-ca. Bà Đặng Thị Ngọt ở bản Minh Thắng hồ hởi cho biết, trồng 520 gốc mắc-ca, cán bộ đến tận nhà hướng dẫn tỉ mỉ về quy cách trồng, khoảng cách giữa các cây, đào hố, bón phân..., thường xuyên thăm hỏi, động viên nên yên tâm, tin tưởng.

Chị Lò Thị Sim ở bản Cang bộc bạch: “Trước đây dân bản trồng lúa, sắn chỉ được mấy triệu đồng/ha một năm. Nay bà con chuyển đổi trồng mắc-ca, chăm sóc theo đúng kỹ thuật, mọi thắc mắc hỏi ở trên nhóm zalo đều được giải đáp nhiệt tình, cây mắc-ca lên xanh tốt”. Khởi sắc bước đầu củng cố niềm tin, chị còn tích cực động viên các hộ chung quanh tham gia trồng, chia sẻ kinh nghiệm để cùng làm giàu ngay trên quê hương.

Đánh giá cao sự vào cuộc của của chính quyền địa phương, nhất là vai trò của người đứng đầu, Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH nhấn mạnh, Dự án Trồng thâm canh cây mắc ca tại huyện Tuần Giáo mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo bền vững, nâng tỷ lệ che phủ rừng, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả. Đó cũng là món quà ý nghĩa thiết thực Tập đoàn dành tặng bà con Điện Biên, góp phần đánh thức tiềm năng vùng đất khó.