Mòn mỏi chờ điện lưới quốc gia

Năm 2016, người dân ở 120 thôn, bản chưa có điện của tỉnh Bắc Kạn phấn khởi khi biết Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020.

Trẻ em thôn Nà Cà, xã Bằng Thành (Pác Nặm) phải dùng đèn dầu tự chế lấy ánh sáng để học bài.
Trẻ em thôn Nà Cà, xã Bằng Thành (Pác Nặm) phải dùng đèn dầu tự chế lấy ánh sáng để học bài.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 363 tỷ đồng, đặt mục tiêu xây dựng hơn 251 km dây trung áp 35 kV, 73 trạm biến áp, cấp điện cho khoảng 3.254 hộ dân... Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chỉ nằm trên giấy.

Trong những năm qua, tại các cuộc tiếp xúc đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp ở Bắc Kạn, một trong những ý kiến được cử tri nêu nhiều nhất chính là đề nghị cấp điện cho các thôn, bản chưa có điện.

Khổ vì không có điện

Pác Nặm là một trong những huyện nghèo nhất cả nước. Hàng chục năm qua, nhiều thôn, bản vùng cao nơi đây vẫn chưa một lần được “thắp sáng” từ điện lưới quốc gia. Con đường từ trung tâm xã Bộc Bố đến xã Bằng Thành vừa được nâng cấp, cải tạo giúp người dân đi lại thuận lợi, tuy nhiên, niềm vui ấy vẫn không xóa được khoảng cách có điện ở vùng thấp và “trắng điện” ở nhiều thôn, bản vùng cao của xã. Khi chúng tôi đến thôn Nà Cà (Bằng Thành), nhiều gia đình đang sửa lại đường dẫn nước của gia đình.

Được tiếng là có điện nước mini nhưng nhà nào trong thôn khi đi chợ phiên cũng phải mua sẵn dầu hỏa về dự trữ, phòng khi mưa to, máy điện nước hỏng, đứt dây hoặc rác cuốn vào làm mất điện. Chưa kể, vì người dân thiếu am hiểu, nguy cơ mất an toàn khi sử dụng điện nước mini luôn hiện hữu. Điện chập chờn, nhiều khi không đủ sạc điện thoại nên lũ trẻ trong thôn học trực tuyến trong mùa dịch lúc được, lúc không.

Không có điện để phục vụ trạm tiếp sóng điện thoại, thôn phải dựng lán cho trẻ “hứng sóng” học trực tuyến ở trên rừng. Vừa thắp đèn dầu cho hai đứa trẻ ôn bài, Trưởng thôn Nà Cà Đặng Vần Phu cho biết, thôn có 47 hộ đồng bào dân tộc Dao, Tày, hơn 90% là hộ nghèo. Từ trước đến nay, người dân trong thôn chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Nhà nào có điều kiện thì đầu tư một đến hai triệu đồng để tự lắp điện nước mini nhưng cũng chỉ đủ thắp sáng. Không có điện lưới, họ không xem được tivi, muốn xát thóc phải chở xuống thôn trung tâm cách vài cây số. “Chúng tôi kiến nghị nhiều lắm rồi nhưng không biết bao giờ mới được cấp điện về dùng nữa”, anh Phu chia sẻ.

Giám đốc Điện lực Pác Nặm Nguyễn Đình Giảng cho biết, toàn huyện hiện chỉ còn tám thôn, bản chưa có điện nhưng hàng chục năm qua vẫn chưa giải quyết được. Thậm chí ngay ở xã trung tâm huyện là Bộc Bố hiện cũng vẫn còn một thôn chưa có điện. Nguyên nhân là do dự án cấp điện nông thôn do tỉnh làm chủ đầu tư chưa triển khai. Do vậy, Điện lực Pác Nặm hiện vẫn chỉ biết chờ dự án triển khai để cấp điện cho những thôn, bản này.

Gia đình bà Bàn Thị Hiền ở thôn Khuổi Ngoài, xã Cốc Đán, huyện Ngân Sơn tích cóp xây dựng được ngôi nhà cấp 4 kiên cố ngay sát đường, nhưng không có điện nên thi công rất vất vả, tốn kém, phải thuê máy nổ. Xây xong nhà, để có điện thắp sáng, bà Hiền phải bỏ ra gần hai triệu đồng mua tấm năng lượng mặt trời đủ thắp sáng một bóng điện 200W. Nhưng những ngày mưa hay trời âm u, tấm năng lượng mặt trời nhỏ trở nên vô tác dụng, nhà sẽ không có điện, phải dùng đèn dầu.

Cách nhà bà Hiền không xa, để có điện thắp sáng, gia đình anh Lý Hữu Sỹ tận dụng nguồn nước khe lắp máy phát điện mini. Tuy nhiên, do nước lúc nhiều, lúc ít nên điện cũng phập phù, chỉ đủ thắp sáng ba bóng điện từ 15 đến 20W. Vào mùa mưa, nước nhiều mới có thể chạy thêm một cái quạt. Anh Sỹ cho biết: “Không có điện ổn định gây ảnh hưởng đến việc học của con nhỏ. Điện chủ yếu chỉ đủ dùng thắp sáng, không sử dụng được cho hoạt động sản xuất, chạy các loại máy móc, thiết bị khác”.

Xã Cốc Đán hiện còn bảy thôn với 147 hộ dân tộc Dao chưa có điện. Nhiều hộ tận dụng khe nước để lắp máy phát điện mini nhưng chỉ thắp sáng khoảng bảy tháng trong năm, còn lại phải dùng đèn dầu. Công cuộc xây dựng nông thôn mới vì thế cũng không biết bao giờ sẽ về đích. Chủ tịch UBND xã Cốc Đán Đồng Thị Thùy cho biết, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia ở xã mới đạt hơn 75%. Thiếu điện nên việc tiếp cận thông tin của người dân hạn chế; tất cả các hộ dân ở các thôn không có điện đều là hộ nghèo, cận nghèo; quá trình xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn, việc học hành của học sinh gặp nhiều trở ngại…

Thiếu vốn triển khai

Năm 2017, sau khi dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia, tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2015-2020 được Bộ Công thương phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Bắc Kạn làm chủ đầu tư dự án. Tuy nhiên, từ năm 2016 tới nay, dự án chưa đưa được điện tới bất cứ thôn, bản nào. Trưởng phòng Quản lý dự án 1 (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bắc Kạn) Vũ Đình Tiến cho biết, đến ngày 30/3 vừa qua, dự án mới chỉ có khối lượng công việc thực hiện khoảng 10 tỷ đồng, chủ yếu là triển khai các bước chuẩn bị đầu tư. Tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị quan tâm bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho dự án cấp điện nông thôn.

Theo đó, dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2021-2025 có nhu cầu vốn hơn 363 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 3.500 hộ dân. Bắc Kạn cũng đăng ký thực hiện dự án cấp điện nông thôn sử dụng vốn chương trình SETP-EU tài trợ, giai đoạn 2021-2025 với nhu cầu vốn 32 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2022 vẫn chưa được giao vốn để triển khai, vì vậy, việc trả lời kiến nghị của cử tri vẫn chỉ là nội dung: “Chưa có vốn”.

Có thể nói, số lượng thôn, bản chưa có điện ở Bắc Kạn khá lớn, đều là các thôn vùng sâu, vùng xa, nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Tuy nhiên, vì là tỉnh nghèo, thu ngân sách hằng năm chưa đến 1.000 tỷ đồng nên Bắc Kạn “lực bất tòng tâm” trong việc tự bố trí vốn để đưa điện tới người dân, chỉ trông chờ từ vốn Trung ương. Tỉnh đã ban hành văn bản đăng ký nhu cầu vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 cho dự án cấp điện nông thôn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp.

Bộ Công thương đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công “Cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025”, trong đó, Bắc Kạn thuộc phạm vi chương trình. Khi được bố trí nguồn vốn, Bắc Kạn sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện việc đầu tư lưới điện đến các thôn, bản chưa có điện. Việc mòn mỏi chờ điện hàng chục năm qua đã tác động bất lợi đối với đời sống, phát triển kinh tế, công cuộc xây dựng nông thôn mới của địa phương và rất cần sớm có các giải pháp mạnh mẽ, phù hợp.

TUẤN SƠN và HÀ NHUNG