Món ăn ngon ở làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm (xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) là điểm du lịch hấp dẫn ở Xứ Đoài. Đến đây, sau khi được tham quan nhiều di tích văn hóa, lịch sử, những ngôi nhà cổ, tham gia các hoạt động cùng người dân địa phương, du khách còn có cơ hội thưởng thức các món ăn ngon do chính người dân chế biến trong không gian của những ngôi nhà cổ. Đây là một trong những yếu tố tạo sức hấp dẫn với du khách khi đến thăm điểm du lịch này.
0:00 / 0:00
0:00

Sản phẩm ẩm thực của làng cổ Đường Lâm rất đa dạng, phong phú đã và đang chinh phục du khách. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị ẩm thực góp phần quảng bá cho các giá trị của di tích, tạo ra việc làm ổn định, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân.

Một số sản phẩm ẩm thực của làng cổ Đường Lâm đã được công nhận là sản phẩm OCOP như: Gà Mía, các loại kẹo, bánh gai, tương. Ngoài ra còn có thêm những món mới được người dân sáng tạo để phục vụ nhu cầu của khách sử dụng tại chỗ và mang về như: Cá kho tương, cơm sen mùa hạ, bánh sắn. Các khúc cá trong nồi kho vừa béo, chắc thơm được hòa quyện với các thức gia vị đi kèm như:

Tương, sả, thịt ba chỉ, ớt, nước hàng. Nồi cá được kho đun bằng bếp củi hay mùn cưa kéo dài cả buổi. Món cỗ sen được chế biến với các sản phẩm từ sen như: Cá, gà hấp lá sen, canh củ sen, xôi sen, chim câu hầm hạt sen, chè sen long nhãn, chè Thái Nguyên ướp sen...

Mùa hè, nếu đến làng cổ, sau khi chụp ảnh ngắm nhìn những cánh đồng sen thơm ngát, phái nữ quay về được dùng bữa cơm sen cũng là kỷ niệm đáng nhớ. Ngoài những sản phẩm trên, đến làng cổ, khách du lịch thường chọn món thịt lợn quay đòn, chả nướng và nem rán để thưởng thức. Để cho ra lò được sản phẩm thịt quay đòn có chất lượng cao thì đòi hỏi người chế biến phải lựa chọn nguyên liệu tươi, ngon, thịt ướp kỹ với lá ổi, các loại gia vị, sau đó quay trên than hoa trong vòng sáu tiếng.

Các món ăn trong bữa cơm hay các sản phẩm bánh, kẹo đều thể hiện sự sáng tạo, khéo léo của người dân Đường Lâm với những yêu cầu kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu, gia vị, các nguyên liệu đi kèm, đến cách chế biến, bài trí... Mặc dù ngày nay, một số hộ cũng đã thực hiện các quy trình cơ giới hóa dây chuyền sản xuất, tuy nhiên, có những sản phẩm bắt buộc phải dùng phương pháp thủ công như cách thức nấu kẹo dồi, vì nó đòi hỏi phải tập trung và độ chính xác cao, nếu không sẽ không cho được sản phẩm như ý. Hay quá trình nghiền bột, cho các chất phụ gia vào bột để nấu được mẻ chè lam như ý, vừa dẻo, thơm, không ngọt quá để chiều lòng thực khách.

Ngoài việc thưởng thức các món ăn ngon, nhiều hộ dân ở làng cổ Đường Lâm còn mở dịch vụ cho khách du lịch tự chế biến các món ăn, món quà, từ việc đi chợ chọn mua nguyên liệu, đến chế biến sản phẩm qua các khâu. Các sản phẩm được người dân đưa vào khai thác theo các tour du lịch trải nghiệm bao gồm: Làm các loại bánh, kẹo (kẹo lạc, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh gai), chè lam, thịt quay đòn, nem rán.

Hình thức này thu hút sự tham gia của nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra còn một số doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch cho học sinh tham gia thu hoạch và thưởng thức các sản phẩm nông nghiệp thu hái từ đồng ruộng, mang về các nhà hàng trong làng cổ để chế biến và thưởng thức.

Thời gian vừa qua, ngoài sự nỗ lực của người dân địa phương, công tác bảo tồn phát triển các sản phẩm ẩm thực tiêu biểu của làng cổ Đường Lâm nhận được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các tổ chức, công ty du lịch và sự hưởng ứng đón nhận của du khách.

Tuy nhiên, để những giá trị đặc sắc của ẩm thực làng cổ phát triển, tạo thương hiệu, có sức tiêu thụ lớn thì các ngành chức năng và các hộ dân cần phải tăng cường quảng bá xúc tiến, đào tạo, truyền nghề cho thế hệ kế cận; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất mang tính chuyên nghiệp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; liên kết mở rộng thị trường; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững...