Nhà máy gạch gây ô nhiễm môi trường ở thành phố Điện Biên Phủ

NDO -

Tọa lạc giữa trung tâm thành phố, ngày ngày máy móc chạy rầm rập, khói từ nhà máy xả ngùn ngụt nhưng chính quyền địa phương lại khẳng định: “Nhà máy không hoạt động sản xuất, văn phòng không người điều hành”. Và ngay khi nghe tin có phóng viên làm việc về hoạt động nhà máy gạch thì Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên đã lập đoàn kiểm tra và khẳng định: “Nhà máy vẫn hoạt động sản xuất bình thường”…

Nhà máy sản xuất gạch tuynel ở tổ 19, phường Him Lam vẫn hoạt động sản xuất bình thường.
Nhà máy sản xuất gạch tuynel ở tổ 19, phường Him Lam vẫn hoạt động sản xuất bình thường.

Chính việc “bất nhất” trong thông tin về nhà máy gạch khiến dư luận nhân dân khu vực thành phố Điện Biên Phủ rất bức xúc.

Tiếp nhận phản ánh của người dân tổ 19, phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) về việc nhà máy sản xuất gạch tuynel (sau đây gọi tắt là nhà máy) của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu và Xây dựng Điện Biên đã hết hạn thuê đất 2 năm vẫn ngang nhiên hoạt động, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống người dân quanh khu phố, chúng tôi cứ ngờ ngợ. Bởi nếu ở đâu xa có tình trạng ấy thì “dễ tin”, chứ ngay ở phường giữa trung tâm thành phố thì việc ấy, quả là… hy hữu.

Trong vai người tìm mua gạch đất nung, sáng 30/9, tìm đến trụ sở nhà máy đóng tại tổ 19, phường Him Lam, chúng tôi được bà Lưu Thị Lan, quản lý nhà máy đưa đi tham quan khu sản xuất, khu phơi sấy, khu xuất bán. Vừa giới thiệu các công đoạn để có gạch thành phẩm, bà Lan vừa cung cấp các thông tin rành rọt: “Công suất trung bình của nhà máy 16 triệu viên/năm. Giá bán tại nhà máy gạch loại 1 là 1.100 đồng/viên; loại 2 giá 900 đồng/viên. Làm việc thường xuyên tại nhà máy có gần 40 công nhân chia theo ca, kíp liên tục suốt cả ngày. Muốn mua hàng, lúc nào cũng có…”.

Nhức nhối nhà máy gạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường ở Điện Biên Phủ -0
Tại nhà máy có gần 40 công nhân chia theo ca, kíp liên tục suốt cả ngày.

Làm việc với chúng tôi vào chiều 30/9, bà Phạm Thị Thúy, Trưởng phòng Kinh tế - Xây dựng - Tổng hợp (Sở Xây dựng Điện Biên) lại khẳng định: Nhà máy đã dừng hoạt động… Nói rồi, bà Thúy đưa cho chúng tôi Báo cáo 281/BC-UBND ngày 1/7/2021 của UBND thành phố Điện Biên Phủ và Báo cáo 1729/BC-SXD ngày 30/8/2021 của Sở Xây dựng Điện Biên, chung nội dung ghi rõ: Thành phố Điện Biên Phủ có 1 đơn vị sản xuất gạch đất nung là Nhà máy gạch tuynel ở phường Him Lam. Tuy nhiên, hiện tại đơn vị này dừng hoạt động sản xuất, văn phòng không có người điều hành?…

Theo các Quyết định số 97, 98, 99, 100 cùng được UBND tỉnh Điện Biên (trước là tỉnh Lai Châu) ban hành ngày 2/2/1999, Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu và Xây dựng Điện Biên được thuê đất 20 năm tại phường Him Lam để sản xuất gạch đất nung; thời hạn tính từ tháng 2/1999 đến tháng 2/2019.

Khi Công ty hết thời hạn thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên đã phát đi Thông báo 147/TB-STNMT ngày 4/3/2019 gửi công ty để thông báo công ty không đủ điều kiện được gia hạn quyền sử dụng đất thuê tại phường Him Lam, vì việc sử dụng đất của Công ty không còn phù hợp với Quy hoạch được UBND thành phố Điện Biên Phủ phê duyệt; đồng thời yêu cầu công ty có phương án di chuyển tài sản trên đất để Sở trình UBND tỉnh thu hồi đất ngay trong tháng 3/2019.

Vậy nhưng không hiểu vì lý do gì mà hơn 1 năm sau (chính xác là 1 năm 7 tháng 18 ngày) cũng Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên lại có Văn bản 1087/STNMT-QLĐĐ do ông Nguyễn Đăng Nam (Phó Giám đốc) ký ngày 22/10/2020 gửi 3 Sở: Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và UBND thành phố Điện Biên Phủ xin ý kiến về đề xuất: “Đề nghị UBND tỉnh đồng ý gia hạn thuê đất cho Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Điện Biên từ ngày 3/2/2019 đến hết ngày 31/12/2022”.

Trả lời nội dung xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Văn bản 1087 chỉ duy nhất Sở Xây dựng Điện Biên khẳng định “Đồng ý đề nghị UBND tỉnh gia hạn…”; còn 2 Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư trả lời chung chung. Riêng UBND thành phố Điện Biên Phủ không trả lời đồng ý hay không đồng ý với đề nghị, song UBND thành phố dẫn 2 văn bản, gồm: Kế hoạch số 2761/KH-UBND ngày 31/7/2014 của UBND tỉnh Điện Biên về lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh Điện Biên và Quyết định 529/QĐ-UBND ngày 8/6/2020 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt quy hoạch sử dụng đất của thành phố Điện Biên Phủ đều cho thấy, đề nghị gia hạn thuê đất của Công ty Cổ phần sản xuất vật liệu và xây dựng Điện Biên là không phù hợp.

Tổng hợp ý kiến các sở, UBND thành phố Điện Biên Phủ, ngày 9/11/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường chính thức có báo cáo 239 gửi UBND tỉnh Điện Biên để kiến nghị: “UBND tỉnh đồng ý chủ trương cho công ty tiếp tục thuê đất tại phường Him Lam để làm trụ sở, sản xuất gạch tuynel”…

Điều đáng nói, hoạt động của nhà máy ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống, sức khỏe của nhân dân tổ 19, phường Him Lam. Người dân tổ dân phố nhiều lần kiến nghị chính quyền, đại biểu hội đồng nhân dân thành phố về những ảnh hưởng từ nhà máy, song kiến nghị gửi đi không ai hồi đáp.

Hay tin có phóng viên đến làm việc tìm hiểu thực trạng hoạt động của nhà máy, ngày 7/10, Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên đã tức tốc ban hành quyết định lập đoàn kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật đất đai, bảo vệ môi trường và khai thác khoáng sản của công ty.

Nhức nhối nhà máy gạch hoạt động gây ô nhiễm môi trường ở Điện Biên Phủ -0
 Người dân tổ dân phố 19, phường Him Lam rất lo lắng vì ô nhiễm từ nhà máy gạch.

Ngay trong ngày 8/10, Đoàn kiểm tra với đầy đủ thành phần theo Quyết định của Sở Tài nguyên và Môi trường cùng đại diện UBND phường Him Lam, tổ dân phố 19 đã chính thức có buổi làm việc tại nhà máy.

Sau khi kiểm tra thực tế nhà máy, làm việc trực tiếp với người chịu trách nhiệm pháp lý của công ty là ông Lưu Công Ruyên (Giám đốc), Đoàn kiểm tra chỉ rõ các tồn tại của công ty, gồm: Tự ý sử dụng đất hết thời hạn thuê khi chưa được cấp thẩm quyền chấp nhận; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đất đai với số tiền hơn 672 triệu đồng; không thực hiện lập báo cáo quan trắc, giám sát môi trường năm 2020; không lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại năm 2020.

Chiểu theo quy định pháp luật, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu công ty dừng hoạt động sản xuất của nhà máy kể từ ngày 10/10; đồng thời phải thực hiện đúng các cam kết về giám sát chất thải, báo cáo quan trắc môi trường về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Vậy nhưng biên bản của Đoàn kiểm tra ký còn chưa khô mực thì nhà máy lại hoạt động bình thường. Và suốt từ đó đến nay, nhà máy vẫn ngày ngày hoạt động, khói thải vẫn bốc lên, nồng nặc khắp khu dân cư lân cận…