“Hồi sinh” không gian công cộng trong mùa dịch

NDO -

Một số quốc gia trên thế đã thực hiện các giải pháp mở rộng không gian công cộng bằng cách cải tạo các công viên vốn có và xây mới thêm công viên, giải tỏa “cơn khát” không gian công cộng, đặc biệt là các không gian xanh. Đồng thời, trong bối cánh dịch bệnh, mở rộng không gian công cộng cũng góp phần cải tạo chất lượng không khí, nâng cao sức khỏe người dân.

Phác thảo về thiết kế mới đại lộ Champs-Elysees, Pháp. (Ảnh: CNN)
Phác thảo về thiết kế mới đại lộ Champs-Elysees, Pháp. (Ảnh: CNN)

Xu hướng mở rộng không gian xanh

Không gian công cộng là một phần quan trọng trong cấu trúc tổng thể của một đô thị hiện đại. Bằng chứng là những đô thị hiện đại và phồn thịnh bậc nhất thế giới, như: New York, Brussels có đến 35% diện tích đất sử dụng cho đường phố, 15% diện tích được sử dụng cho không gian mở.

Chất lượng không khí tại nhiều đô thị lớn trên thế giới vốn đã ngột ngạt, cộng thêm ảnh hưởng từ dịch Covid 19 càng khiến người dân trở nên bí bách. Vì thế, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã và đang có xu hướng hồi sinh mạnh mẽ các không gian công cộng, giúp những người dân sống ở gần các không gian này có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn.

Tháng 1/2021, Thủ đô Paris của Pháp đã triển khai dự án “phủ xanh” đại lộ Champs-Elysees - một trong những đại lộ danh tiếng nhất thế giới. Kế hoạch này là một trong những nỗ lực mà chính quyền thúc đẩy nhằm kiến tạo không gian xanh tại Thủ đô Paris đông đúc. Theo đó, dự án “phủ xanh” đại lộ Champs-Elysees sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn, các làn đường dành cho ô-tô tại đây được biến thành các khu vực cho người dân đi bộ và các công viên rợp bóng cây xanh.

Tương tự, tại NewYork, công viên Quảng trường Union được sắp đặt lại để mở rộng tới 33% diện tích. Phần diện tích mở rộng sẽ được trồng nhiều cây xanh hơn và xây dựng các vùng không có xe cộ.

Trong khi đó, với nỗ lực tạo thêm không gian công cộng, Barcelona, thành phố lớn thứ 2 của Tây Ban Nha, xây mới thêm 21 quảng trường công cộng cho người dân.

Tại châu Á, hồi sinh các không gian xanh cũng là xu hướng được nhiều đô thị lớn chú trọng. Thủ đô Bangkok của Thái Lan là một điển hình khi cho xây dựng thêm 11 công viên mới.

Trước đó, tháng 6/2020, Bangkok cũng đã xây mới và mở cửa công viên Chao Phraya trên nền tuyến đường sắt Lavalin Skytrain đã bỏ hoang 30 năm. Công viên giống như một cây cầu dành cho người đi bộ và được phủ bóng bởi nhiều cây xanh nhiệt đới.

Tại châu Phi, Nairobi, thủ đô và cũng là thành phố lớn nhất của Kenya tăng gần như gấp đôi không gian xanh trong mùa dịch Covid. Chính quyền thành phố này còn khuyến khích người dân trồng thêm nhiều cây xanh ở các bùng binh trên đường. Nairobi cũng tiến hành chuyển đổi một bãi rác trở thành công viên Michuki Memorial, một không gian công cộng lý tưởng cho người dân đi dạo và thư giãn.

“Cơn khát” không gian công cộng tại các đô thị Việt Nam

Các đô thị lớn tại Việt Nam luôn trong tình trạng thiếu các không gian công cộng, đặc biệt là các không gian xanh, như: công viên, vườn hoa… Thay vào đó là sự lấn át của các chung cư, nhà cao tầng làm gia tăng cảm giác ngột ngạt và giảm chất lượng không khí đến mức báo động.

Hơn nữa, trong các quy hoạch của các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vấn đề sẽ di dời các cơ sở nhà máy, nhà xưởng, một số trường học, bệnh viện ra ngoại thành để dành đất cho không gian công cộng đã được đề cập nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Theo đề xuất của Tổ chức Y tế thế giới, không gian công cộng/bình quân đầu người là 9m2, trong khi đó, thực tế hiện nay, trung bình người dân Hà Nội chỉ có 3m2 diện tích không gian công cộng/người.

Thậm chí, theo thống kê của tổ chức Healthbridge Canada tại Việt Nam, tại quận Hoàn Kiếm, người dân chỉ có 0,1m2 không gian công cộng. Đặc biệt, ở khu phố cổ, dân số khoảng 7 vạn dân, chỉ có duy nhất vườn hoa Đường Thành với diện tích gần 1.000m2 là không gian chung dành cho các hoạt động công cộng.

Chưa kể, không gian công cộng đã hiếm lại thường bị lấn chiếm bởi các điểm đỗ xe, bán hàng hay các hoạt động kinh doanh nhỏ lẻ, lộn xộn khác. Không chỉ tại Hà Nội, nhiều đô thị lớn khác ở nước ta cũng trong tình cảnh tương tự.

Rõ ràng, “cơn khát” không gian công cộng tại các đô thị luôn hiện hữu, thường trực nhưng chưa được giải tỏa. Bởi một bất cập lớn là mặc dù trong quy hoạch chung của các đô thị, có chủ trương dành quỹ đất cho không gian công cộng nhưng khi triển khai, quy hoạch chi tiết không kịp thời đáp ứng tốc độ đô thị hóa và sự gia tăng của dân số đô thị.

Để giải tỏa “cơn khát” không gian công cộng, phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Mỗi đô thị cũng cần có khung quyết định chiến lược cho không gian công cộng ngay từ đầu, giống như kinh nghiệm của một số đô thị lớn trên thế giới như Barcelona hay Copenhagen...

Trong bối cảnh hiện tại, nên ưu tiên quỹ đất để mở rộng, xây dựng thêm các không gian công cộng mới; tận dụng, cải tạo quỹ đất là các di sản công nghiệp cũ thành các không gian mới, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế. Bởi để thành phố trở nên đáng sống, không chỉ là phương tiện, hạ tầng, quy hoạch còn phải tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu cơ bản mà người dân đáng được hưởng.

Đồng thời, điều chỉnh quy hoạch phù hợp từng thời kỳ, thích ứng với những giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, người dân cũng cần ủng hộ chủ trương mở rộng thêm không gian công cộng.

Chỉ khi không gian công cộng được bảo đảm thì chất lượng của không gian tư mới được bảo đảm theo. Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Hà Nội, nếu cứ mải mê xây dựng, chiếm hữu tư nhân mà quên rằng dày đặc không gian tư không phải chỉ khiến thiếu hụt không gian công cộng mà còn làm cho chất lượng không gian tư xuống cấp.