EU đề xuất dự luật nhằm giảm phát thải khí methane từ công nghiệp dầu khí

NDO -

Các nhà lập pháp của Liên minh châu Âu (EU) đã soạn thảo một dự luật nhằm giảm lượng phát thải khí methane thông qua việc yêu cầu các công ty dầu khí báo cáo về sản lượng khai thác của mình, cũng như tìm và khắc phục các sự cố rò rỉ loại khí này.

EU đề xuất dự luật nhằm giảm phát thải khí methane từ công nghiệp dầu khí

Cùng với CO2, khí methane (CH4) được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hiệu ứng nhà kính. Theo Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson, khí methane chịu trách nhiệm khoảng 30% sự nóng lên toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Reuters cho biết, với dự luật này, các công ty khai thác dầu khí trong khối EU sẽ phải đệ trình dự toán về lượng phát thải khí methane từ các cơ sở sản xuất của họ trong vòng 12 tháng sau khi quy định tại dự luật chính thức có hiệu lực.

Ủy ban châu Âu (EC) dự kiến sẽ trình dự thảo luật này vào tháng 12 tới, từ giờ đến lúc đó dự luật có thể tiếp tục được chỉnh sửa và cập nhật.

Sau khi được đưa ra bởi Ủy ban châu Âu, dự luật sẽ trải qua quá trình thương lượng có thể kéo dài đến hai năm giữa Nghị viện châu Âu (EP) và các quốc gia thành viên.

EU đề xuất dự luật nhằm giảm phát thải khí methane từ công nghiệp dầu khí -0
 Khí methane được xác định là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây hiệu ứng nhà kính. (Ảnh minh họa: Reuters)

Hai năm sau khi quy định mới có hiệu lực, các công ty dầu khí sẽ phải báo cáo về các biện pháp thực tế đo lường lượng phát thải khí methane của mình, đồng thời phải thực hiện các cuộc khảo sát thường xuyên để kịp thời phát và khắc phục các sự cố rò rỉ.

Brussels đã phải đối mặt với áp lực lớn từ các nhà vận động và một số nhà đầu tư yêu cầu tăng cường kiểm soát phát thải khí methane liên quan đến khí đốt nhập khẩu, bằng cách buộc các công ty ở nước ngoài khắc phục sự cố rò rỉ trong quá trình bán khí đốt vào châu Âu.

Khí methane được thải ra từ một số nguồn như hạ tầng nhiên liệu hóa thạch bị rò rỉ, hoạt động chăn nuôi gia súc và các bãi rác.

Mặc dù thời gian tồn tại trong khí quyển ngắn hơn, song chất khí này có khả năng làm Trái đất nóng lên cao hơn gấp 80 lần so với CO2. Chính vì vậy, việc cắt giảm phát thải khí methane đến năm 2030 có thể đem lại tác động nhanh chóng đối với nỗ lực làm chậm lại quá trình nóng lên toàn cầu.

Bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu