Các nước EU ủng hộ kế hoạch áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu

NDO -

Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 15/3 đã ủng hộ kế hoạch áp thuế biên giới carbon đầu tiên trên thế giới nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ các quốc gia bên ngoài EU dựa trên mức xả thải carbon trong quá trình sản xuất sản phẩm.

Lá cờ của Liên minh châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)
Lá cờ của Liên minh châu Âu tung bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)

Lập trường đàm phán chung về thuế biên giới carbon được các bộ trưởng tài chính EU thống nhất tại cuộc họp diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 15/3.

Theo kế hoạch, EU sẽ tiến hành thu phí phát thải CO2 đối với một số mặt hàng nhập khẩu như thép, xi măng, phân bón, nhôm và điện từ năm 2026. Động thái này nhằm bảo vệ ngành công nghiệp EU trước hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn từ các nước có tiêu chuẩn về môi trường thấp hơn.

Với việc giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 3 năm sẽ bắt đầu vào năm 2023, các nước thành viên EU và Nghị viện châu Âu sẽ phải chạy đua để đàm phán và phê duyệt các quy định liên quan trong năm nay.

“Đó là một bước tiến lớn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire chia sẻ với báo giới sau cuộc họp tại Brussels, đồng thời cho biết quan điểm đàm phán trên đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các nước thành viên.

“Chúng tôi đang nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trong ngành công nghiệp. Chúng tôi không muốn những nỗ lực này trở nên vô ích bởi vì nhập khẩu các sản phẩm chứa nhiều carbon hơn”, ông Le Maire cho hay.

Thuế biên giới carbon là một phần trong gói chính sách về biến đổi khí hậu của EU nhằm hướng tới mục tiêu cắt giảm 55% lượng phát thải khí CO2 của khối vào năm 2030 so với mức năm 1990.

Mục tiêu trên đòi hỏi phải có những khoản đầu tư khổng lồ vào các công nghệ xanh như công nghệ hydro và áp phí phát thải CO2 cao hơn đối với những công ty gây ô nhiễm. Thuế biên giới carbon nhằm mục đích tạo ra một “sân chơi bình đẳng” bằng cách áp cùng một mức phí phát thải CO2 đối với các công ty trong khối EU cũng như các doanh nghiệp ngoài khối.

Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ xác nhận lập trường của mình vào tháng 7 tới, điều này đồng nghĩa các cuộc đàm phán giữa cơ quan này và các nước thành viên EU về các quy định cuối cùng liên quan thuế biên giới carbon có thể được xúc tiến sau mùa hè năm nay.

Tuy nhiên, các bộ trưởng tài chính EU vẫn chưa chốt thời điểm thuế biên giới carbon sẽ thay thế giấy phép carbon miễn phí mà ngành công nghiệp các nước thành viên hiện đang nhận được trong thị trường carbon của EU. 

Vẫn còn nhiều tranh cãi chung quanh việc loại bỏ dần giấy phép trên. Vì vậy, các bộ trưởng nhất trí vấn đề này sẽ được thảo luận trong các cuộc đàm phán riêng về cải cách thị trường carbon EU thời gian tới, cùng với đó là vấn đề có hay không đưa doanh thu từ thuế carbon vào ngân sách của khối.