Mới có 20% bệnh viện hạng 1 triển khai bệnh án điện tử

NDO - Việt Nam hiện có khoảng 13.000 cơ sở khám, chữa bệnh gồm khoảng 135 bệnh viện hạng 1 trở lên. Tuy nhiên, đến nay mới có 37/135 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử theo Thông tư 46/2018/TT-BYT, đạt 20%. Trong đó, hầu hết là các bệnh viện địa phương, tư nhân, chỉ có một vài bệnh viện tuyến Trung ương. 
0:00 / 0:00
0:00
PGS, TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam.
PGS, TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam.

Mới có 37/135 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử

PGS, TS Trần Quý Tường, nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế), Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam cho hay, giai đoạn vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số y tế.

Trong đó, văn bản có ý nghĩa là Thông tư 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 Quy định hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên, đến thời điểm này nhiều giám đốc bệnh viện chưa hiểu hết, thậm chí người còn chưa biết tới văn bản này.

“Nhiều người không hiểu bệnh án điện tử là gì, có thay thế được bệnh án giấy không. Trong khi đó, Thông tư 46/2018/TT-BYT đã có quy định nội dung cụ thể bệnh án điện tử là gì và quy định cụ thể làm thế nào thay thế bệnh án giấy”, ông Tường nói.

Theo Chủ tịch Hội Tin học y tế Việt Nam, để các bệnh viện triển khai được bệnh án điện tử thì cần 2 yếu tố: Một là phải có phần mềm bệnh án điện tử hoàn thiện. Hai là, phải triển khai thực hiện chữ ký số.

“Nếu bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, bỏ được bệnh án giấy đã được coi là chuyển đổi số thành công đến 70%. 30% còn lại đến từ việc ứng dụng thêm các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, công nghệ cao…”, PGS, TS Trần Quý Tường cho hay.

Thông tư 46/2018/TT-BYT Quy định hồ sơ bệnh án điện tử do Bộ Y tế ban hành tháng 12/2018 nêu rõ lộ trình đến hết năm 2023, các cơ sở khám chữa bệnh hạng 1 trở lên bao gồm bệnh viện tuyến Trung ương, tư nhân, địa phương phải chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác căn cứ vào nhu cầu, năng lực thực tế để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử khi đáp ứng các yêu cầu quy định tại Thông tư này.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2023, mới có 37/135 bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, đạt 20%, trong đó chủ yếu là các bệnh viện địa phương, tư nhân, có rất ít bệnh viện tuyến Trung ương. “Như vậy, việc hết năm 2023, theo Thông tư yêu cầu các bệnh viện hạng 1 đều triển khai bệnh án điện tử là không khả thi”, ông Tường nói.

Cần tháo gỡ “ba điểm nghẽn”

Nguyên Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế cho hay, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới việc các bệnh viện chưa mạnh dạn triển khai bệnh án điện tử.

Một là, nhận thức và quan tâm của các lãnh đạo cơ sở y tế đến số hóa, chuyển đổi số y tế chưa thật sự sâu sát.

Hai là, cơ chế chính sách, đặc biệt cơ chế tài chính chưa có. Hiện kinh phí công nghệ thông tin dựa vào ngân sách nhà nước cấp hoặc dựa vào bố trí của cơ sở y tế chứ không có hạng mục riêng.

“Theo cơ chế thị trường, cái gì tác động vào dịch vụ y tế phải hình thành giá. Năm 2017-2018, Cục Công nghệ thông tin đã có đề án tính giá thành công nghệ thông tin trong y tế và lãnh đạo Bộ Y tế đồng tình. Chúng tôi đã tính phần ứng dụng công nghệ thông tin chiếm 1-3% trong tổng chi phí của bệnh viện.

Chúng tôi định áp dụng 1% đưa vào cấu thành phần chi phí quản lý cho dễ tính. Nhưng rất tiếc lại vướng dịch Covid-19 nên Chính phủ chưa cho phép chuyển đổi giá dịch vụ y tế”, Ông Tường nói.

Mới có 20% bệnh viện hạng 1 triển khai bệnh án điện tử ảnh 1

PGS, TS Trần Quý Tường.

Hiện nay, phần mềm lưu trữ, truyền tải hình ảnh y khoa (PACS) đã có kết quả triển khai thí điểm thành công nhưng không thực hiện được toàn quốc vì Bộ Y tế chưa quy định được giá.

Nếu triển khai được phần mềm này, các cơ sở y tế có thể tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng chẩn đoán, bảo vệ môi trường. Nhưng hiện nay chưa thể làm được vì không có cơ chế tài chính.

Thứ 3, về kỹ thuật, cơ bản các công ty Việt Nam triển khai được các phần mềm bệnh án điện tử nhưng nhiều cơ sở y tế còn lúng túng sử dụng phần mềm nào trên thị trường.

Do đó, PGS, TS Trần Quý Tường kiến nghị Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt xây dựng cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin, định giá công nghệ thông tin trong giá thành dịch vụ y tế, xác định giá phần mềm lưu trữ và chuyển tải hình ảnh để đẩy mạnh sử dụng phần mềm PACS trong bệnh viện.

Bộ Y tế tiếp tục quan tâm chỉ đạo, có cơ chế khen và xử phạt các bệnh viện không triển khai chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần phải tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề giúp các bệnh viện tháo gỡ khó khăn. Các Sở Y tế phải quan tâm, đầu tư về công nghệ thông tin. Bởi việc đầu tư này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho cơ quan quản lý, cho các giám đốc trong quản lý bệnh viện. Đồng thời, sẽ giúp người dân tiếp cận dịch vụ nhanh, giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng khám chữa bệnh.

“Tôi tin tưởng, thời gian tới khi có Luật khám bệnh. chữa bệnh sửa đổi, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những điểm nghẽn được sẽ tháo gỡ. Khi đó, việc chuyển đổi số trong ngành y tế sẽ mạnh hơn. Hội Tin học y tế chúng tôi sẽ quan tâm và góp phần vào công tác chuyển đổi số y tế”, ông Tường nói.