Mốc son 30 năm đào tạo sau đại học của Học viện An ninh nhân dân

Ðào tạo sau đại học là mốc son đậm nét, là một trong những thành tựu nổi bật trong quá trình 77 năm xây dựng và trưởng thành của Học viện An ninh nhân dân. Từ khóa đầu tiên khai giảng năm 1993 đến nay, trải qua 31 khóa cao học, 4.047 thạc sĩ, học viên cao học và 27 khóa nghiên cứu sinh, 569 tiến sĩ, nghiên cứu sinh, công tác đào tạo sau đại học của Học viện đã có nhiều đổi mới, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ An ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
0:00 / 0:00
0:00
Thiếu tướng PGS, TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân chủ trì họp Hội đồng Khoa học và Ðào tạo thông qua các Ðề án mở mã ngành đào tạo mới trình độ tiến sĩ.
Thiếu tướng PGS, TS Trịnh Ngọc Quyên, Giám đốc Học viện An ninh nhân dân chủ trì họp Hội đồng Khoa học và Ðào tạo thông qua các Ðề án mở mã ngành đào tạo mới trình độ tiến sĩ.

Là cái nôi đào tạo đầu tiên và là cơ sở đào tạo trọng điểm của ngành Công an, tròn 30 năm trước, Học viện vinh dự được Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Ðào tạo tin cậy giao nhiệm vụ đào tạo thạc sĩ theo Quyết định số 1479/QÐ-SÐH ngày 10/7/1993 của Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo và tiếp đó, được đào tạo tiến sĩ theo Quyết định số 339/QÐ-TTg ngày 2/6/1995 của Thủ tướng Chính phủ.

Ðây là mốc son đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc của Nhà trường. Bước chuyển đó thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự quyết tâm của lãnh đạo Bộ Công an và của Nhà trường trong việc tự đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, đưa công tác giáo dục, đào tạo của ngành Công an hội nhập cùng hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời nâng cao uy tín và vị thế của Học viện.

30 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; sự hướng dẫn, giúp đỡ của Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, giảng viên của Học viện, công tác đào tạo sau đại học của Học viện đã không ngừng hoàn thiện và đổi mới toàn diện, từ mục tiêu, nội dung, chương trình đến phương thức đào tạo, phương pháp giảng dạy, tổ chức quản lý.

“Ðổi mới, sáng tạo” đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong chỉ đạo của Ðảng ủy, Ban Giám đốc Học viện và trong quá trình tổ chức quá trình tuyển sinh, đào tạo. Thành tựu bao trùm là đã đào tạo được đội ngũ cán bộ công an trình độ thạc sĩ, tiến sĩ có chất lượng cao, “vừa hồng, vừa chuyên”, đáp ứng yêu cầu công tác thực tiễn, nghiên cứu, phát triển lý luận và giáo dục đào tạo của ngành thể hiện trên các mặt cụ thể sau:

Thứ nhất, chất lượng đào tạo luôn được khẳng định và thể hiện qua chính kết quả về đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có trình độ sau đại học phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với 3.654 học viên được cấp bằng thạc sĩ và 396 nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ, công tác đào tạo sau đại học của Học viện đã góp phần to lớn vào việc tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu chiến lược cho ngành Công an và một số cơ quan thuộc khối nội chính, tư pháp.

Các thế hệ học viên sau đại học của Học viện sau khi ra trường đã phát huy và vận dụng có hiệu quả kiến thức vào thực tiễn công tác, chiến đấu. Nhiều đồng chí lập chiến công, thành tích xuất sắc; được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú; nhiều đồng chí trở thành các tướng lĩnh, nhà nghiên cứu lý luận, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy có những đóng góp to lớn cho ngành, cho đất nước...

Không những thế, Học viện còn góp phần đào tạo cán bộ, lãnh đạo cho một số cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan tư pháp, cơ quan nội chính, nhiều đồng chí đã và đang giữ những trọng trách của Ðảng, Nhà nước; Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương; lãnh đạo các ngành khối Nội chính; lãnh đạo các cấp, các tướng lĩnh, nhà khoa học của Bộ Quốc phòng, nhất là lực lượng An ninh quân đội, Bộ đội Biên phòng...

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, phát triển ngành khoa học mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xây dựng lực lượng Công an nhân dân.

Từ chỗ chỉ đào tạo một ngành khi mới triển khai, đến nay Học viện đã có 05 ngành ở trình độ thạc sĩ (Trinh sát an ninh; Ðiều tra hình sự; Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm; An ninh phi truyền thống), 02 ngành ở trình độ tiến sĩ gồm (Quản lý nhà nước về an ninh, trật tự; Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm) và đang hoàn thiện thủ tục đề xuất mở 02 ngành mới ở trình độ tiến sĩ (Trinh sát an ninh, Ðiều tra hình sự).

Học viện là cơ sở đào tạo tiên phong trong mở ngành và phát triển ngành đào tạo, được Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Công an cho phép đào tạo những mã ngành mới ở trình độ sau đại học đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của lực lượng Công an nhân dân trong danh mục ngành đào tạo của Nhà nước, đồng thời phát triển ngành khoa học mới đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đang đặt ra.

Thứ ba, góp phần phát triển lý luận về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và tham mưu chiến lược cho Ðảng, Nhà nước và Bộ Công an trong bảo đảm an ninh, trật tự.

Nhiều kết quả nghiên cứu, đào tạo sau đại học của Học viện không chỉ góp phần quan trọng bổ sung, phát triển lý luận nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, mà còn cung cấp luận cứ khoa học để tham mưu, đề xuất các giải pháp, kiến nghị mang tầm chiến lược cho Ðảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách quan trọng trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nhất là các vấn đề về chiến lược Bảo vệ An ninh quốc gia, chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, chiến lược bảo đảm an ninh mạng quốc gia, thế trận an ninh trên không gian mạng, tăng cường tiềm lực An ninh quốc gia, an ninh phi truyền thống…; tham mưu với Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an ban hành nhiều đề án, chỉ thị, quyết định về công tác Công an.

Thứ tư, góp phần mở rộng quan hệ hợp tác với các trường đại học trong nước và với các nước trong khu vực, trên thế giới.

Học viện đã đào tạo hàng trăm cán bộ có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cho Bộ Công an nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào, Bộ Nội vụ Vương quốc Campuchia, trong đó nhiều đồng chí trở thành lãnh đạo các cấp, nhà khoa học của các nước bạn, nhờ đó góp phần mở rộng hợp tác, giữ vững an ninh quốc phòng và bảo vệ “biên giới mềm” khu vực các nước Ðông Dương. Công tác đào tạo sau đại học đã thúc đẩy hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng, có bước chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều thành tựu.

Thứ năm, góp phần bổ sung, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục có học hàm, học vị cho Học viện và các cơ sở đào tạo khác.

Công tác đào tạo sau đại học của Học viện đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục cho các Học viện, trường Công an nhân dân; Học viện Biên phòng; Học viện An ninh Quốc gia Lào. Thông qua quá trình đào tạo sau đại học tại Học viện, đội ngũ giảng viên đã được hoàn thiện về tiêu chí theo các chức danh giảng viên, nhiều đồng chí được bổ nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, Nhà giáo Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, bổ sung đội ngũ các nhà khoa học có học hàm, học vị.

Thứ sáu, góp phần xây dựng và phát triển Học viện trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm của ngành Công an.

Việc mở đào tạo trình độ sau đại học đã góp phần đưa Học viện trở thành cơ sở đào tạo cả ba trình độ: đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; là trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của ngành. Kết quả đó đã tạo điều kiện để Học viện hội nhập vào hệ thống đào tạo quốc gia, mở ra những cơ hội hợp tác quốc tế; góp phần nâng cao vị thế, đưa Học viện thành cơ sở đào tạo đại học trọng điểm của ngành Công an và trọng điểm quốc gia.

Với những nỗ lực và thành tích to lớn trong giáo dục đào tạo nói chung, đào tạo sau đại học nói riêng, Học viện vinh dự được Ðảng, Nhà nước hai lần tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Sao vàng; hai lần được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác.

Ðặc biệt, ngày 1/11/2023, với những thành tích xuất sắc trong đào tạo sau đại học, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ký Quyết định số 1308 tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho Học viện. Ðây là phần thưởng cao quý, là nguồn khích lệ, cổ vũ, động viên các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên tiếp tục phát huy truyền thống, nỗ lực cống hiến, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Ðảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Thời gian tới, trước yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng lực lượng thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới theo Nghị quyết số 12-NQ/TW của Bộ Chính trị, Học viện sẽ tiếp tục đổi mới đào tạo sau đại học với những định hướng và giải pháp đồng bộ, toàn diện.

Trọng tâm là đổi mới mạnh mẽ mục tiêu, chương trình, phương thức đào tạo, phương pháp dạy học; nâng cao chất lượng nguồn tuyển; gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo sau đại học với thực tiễn; tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý; huy động hiệu quả sự tham gia của các nhà khoa học trong và ngoài ngành Công an; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học và ứng dụng có hiệu quả vào phát triển lý luận, tham mưu chiến lược, giải quyết các vấn đề mới; tăng cường chuyển đổi số, mở rộng hợp tác quốc tế.

Với truyền thống anh hùng, với sự nỗ lực của cán bộ, giảng viên Học viện, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Ðảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an; sự phối hợp giúp đỡ của các đơn vị trong và ngoài ngành Công an, công tác đào tạo sau đại học của Học viện sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn nữa, sớm đưa Học viện trở thành trường đạt chuẩn quốc gia, ngang tầm khu vực và từng bước tiếp cận chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.