Cây tra là loại cây hoang dã mọc quanh mé sông, con rạch. Hồi xưa, lúc làm nông, người dân sử dụng vỏ dây tra thắt lại làm dây gầu sòng tát nước. Do độ bền của dây cho nên cây tra cũng được dùng làm nguyên liệu làm thảm, đan chiếu, đan võng. Bà Nguyễn Thị Đẹp ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp là người còn nắm giữ kỹ thuật đan võng dây tra ở tỉnh Hậu Giang.
Bà cho biết, để làm ra một chiếc võng từ sợi vỏ cây tra vô cùng kỳ công, phải vất vả đi tìm cây, chặt về tước vỏ, ngâm nước, phơi khô; sau đó phải bện làm sao để chiếc võng vừa bền, vừa chắc. Thông thường, bà phải mất vài tháng để đan được một chiếc võng, võng đan hình mắt cáo để tạo sự thông thoáng, thoải mái khi nằm.
Hồi trước ở quê, chiếc võng đan dây tuy quê mùa, thô kệch nhưng là vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Có người dùng võng ru con, có người để nghỉ lưng sau những giờ lao động vất vả. Với bà Đẹp, đan võng dây tra là cách để nhớ về người mẹ quá cố của mình.
Bà Bàn Thị Xiếu đang hướng dẫn khách đan võng dây chuối. |
Cách đây hơn chục năm, bà vô tình tìm thấy cái dây võng còn đan dang dở từ mẹ để lại cho nên bà quyết định chắp nối những sợi tra cũ và mới để hoàn chỉnh chiếc võng tưởng đã bỏ quên. Từ đó, bà cũng tiếp nối lưu giữ kỹ thuật đan võng từ chất liệu độc đáo này. Không chỉ dây tra, bà còn sử dụng dây chuối, lục bình để làm võng.
Cuộc sống xoay vần, giờ những cây tra mọc cạnh mé sông, con rạch muốn tìm cũng đỏ mắt, huống chi những người làm võng dây tra như bà Đẹp. Với người phụ nữ quê, việc đan võng dây tra không chỉ giúp con cháu có thêm một giấc ngủ êm mà còn là cách để lưu giữ giá trị ký ức thời gian.
Cũng như bà Đẹp, ở Cồn Sơn, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, hơn 50 năm qua, bà Bàn Thị Xiếu bằng đôi tay khéo léo đã "hô biến" những tàu lá chuối khô thành chiếc võng tinh tươm. Trong ký ức của bà, thời xưa nghèo khó cho nên những gia đình ở miền tây chỉ dựa vào sự khéo léo, sáng tạo để làm ra những sản phẩm dân dã phục vụ cuộc sống hằng ngày. Do đó, những thứ "cây nhà lá vườn" như vỏ cây bình bát, cây bố mọc dại hay tàu lá chuối đã được tận dụng để thắt dây bó lúa, đan đệm, đan võng…
Như bao phụ nữ xưa, bà Xiếu cũng được truyền nghề rồi tâm huyết giữ gìn kỹ thuật đan võng để đưa con, đưa cháu đến tận bây giờ. Với bà, nghề đánh võng chuối "nhà quê" đã đồng hành qua từng năm tháng gian khó của cuộc đời. Vì thế dù hiện nay đã có rất nhiều loại võng chất liệu khác nhau, nhưng bà vẫn đánh võng chuối.
Bà Bàn Thị Xiếu đan võng ru con cháu êm giấc tuổi thơ. |
Hơn 50 năm kinh nghiệm, nghề này với bà Xiếu dù là làm thủ công nhưng cũng vất vả và rất cần sự khéo tay. Để có một chiếc võng chuối đẹp sắc sảo, bền chắc, khâu đầu tiên là phải lựa chọn cắt dây chuối khô thật kỹ. Kích cỡ to nhỏ sao cũng được, miễn sợi dây dẻo dai là lấy mang về tước sợi. Sợi sau khi tước sẽ được bà Xiếu xe thành dây, rồi thì đánh đầu võng và mặt võng. Mỗi chiếc võng chuối khô được bà đánh với chiều dài hai thước tư, chiều ngang hơn một thước, tương đương khoảng 20 mặt võng.
Nếu như trước đây, chiếc võng được bà Xiếu đan chủ yếu để dùng trong gia đình, thì giờ nó trở thành sản phẩm du lịch độc đáo giúp bà có thêm thu nhập. Du khách tìm mua chiếc võng dây chuối có giá vài trăm ngàn dùng để đưa, làm quà tặng hay chỉ để làm kỷ niệm. Vợ chồng bà Xiếu cũng không giấu nghề mà tận tâm chia sẻ từng bước trong quy trình tạo nên chiếc võng với mọi người. Khách đường xa đến thăm không chỉ tận mắt chứng kiến mà còn được tự tay đan từng dây chiếc võng ngày xưa mình vẫn hay nằm. Rồi từ đó sống lại ký ức tuổi thơ tưởng chừng đã bị bỏ quên sau những thăng trầm của cuộc sống.
Thời gian trôi qua, những nhịp võng đong đưa kèm theo tiếng ầu ơ thiết tha, đằm thắm cũng dần thưa thớt. Thậm chí chiếc võng ngày nay cũng được tạo nên với chất liệu đa dạng hơn như võng ni-lông, võng vải, võng dù hay võng gấm… tiện nghi, dễ dàng mua ở chợ hay trong siêu thị.
Thế nhưng, đâu đó trong dòng chảy cuộc sống, vẫn có những người bà, người chị miệt mài giữ lấy nghề xưa nhằm lưu giữ ký ức, đồng thời tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách với tính chất và vẻ đẹp riêng mộc mạc. Để rồi khi mỗi người tìm về nghề đan võng xưa, bất giác thấy cả tuổi thơ như sống lại bên lời ru, bên tiếng kẽo cà kẽo kẹt thân quen khiến lòng bỗng xuyến xao thương hoài miền quê xưa cũ…