Tại tỉnh Hậu Giang có hai đơn vị cấp huyện là TP Vị Thanh và huyện Vị Thủy thiết lập “vùng xanh” trên toàn địa bàn. Các đơn vị cấp huyện còn lại cũng đã và đang đánh giá mức độ nguy cơ để lên kế hoạch thiết lập “vùng xanh” cấp xã, phường, “vùng xanh” cụm liên xã… Theo quy định, khu vực “vùng xanh” là nơi khép kín để bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19. Do đó, người dân “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, trừ các trường hợp quy định cho phép.
Người lao động ở bên ngoài có nhà ở “vùng xanh” hoặc người ở bên ngoài làm việc, lao động trong “vùng xanh” được bố trí ở tại nơi làm việc hoặc làm việc tại nhà. Hàng hóa thiết yếu được tiếp nhận chủ yếu tại chốt kiểm soát. Ông Lưu Minh Thái, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tân Tiến (TP Vị Thanh) cho biết: “Để người dân trong khu vực nắm rõ thông tin, trước khi lập “vùng xanh”, địa phương đã cử cán bộ tuyên truyền về chủ trương của tỉnh. Nhờ vậy, xã đã nhận được sự đồng thuận, hợp tác và hỗ trợ nhiệt tình của người dân”.
Xã Tân Tiến bố trí các điểm mua bán từ rau, củ, quả, thịt, cá, đến các tiệm tạp hóa, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thuốc tây, điện dân dụng và dụng cụ lao động... Tại điểm bán hàng thiết yếu ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến, tuy số lượng có phần hạn chế, nhưng đầy đủ chủng loại. Chị Hạnh, người bán hàng, cho biết: “Hàng hóa chị lấy ở chợ phường 7, cần loại hàng nào, bao nhiêu, gọi điện thoại cho mối quen. Mối chở hàng đến chốt, chị ra chốt nhận về. Vào buổi sáng, có nhiều người thu hoạch nông sản, hoặc kiếm được mớ cá đồng cũng đem ra đây bán, nên hàng hóa đầy đủ”.
Địa phương cũng bố trí các điểm tập kết nông sản, để thương lái vào thu mua. Các xe vận chuyển hàng hóa khi ra vào được khử khuẩn tại chốt kiểm soát, lái xe và phụ xe không xuống xe suốt quá trình lưu thông trong “vùng xanh”; việc lên xuống hàng phải do người tại địa phương thực hiện… Ông Dương Minh Khải, ngụ ấp Mỹ Hiệp 1, xã Tân Tiến nói: “Trong tình hình dịch phức tạp như hiện nay, ngoài việc thực hiện nghiêm theo Chỉ thị 16, địa phương còn thiết lập xây dựng “vùng xanh” là thêm một giải pháp tốt để phòng, chống dịch hiệu quả. Bà con rất đồng tình và yên tâm trong sản xuất”.
Trong thời gian phát động xây dựng và mở rộng dần vùng xanh, Hậu Giang chú trọng khâu kiểm tra, kiểm soát chặt người từ các tỉnh, thành phố có dịch trở về. Hậu Giang đã thành lập 11 điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa ở khu vực ven đô thị của tám đơn vị huyện, thị xã.
Hoạt động tại các điểm tập kết, trung chuyển, giao nhận hàng hóa, bảo đảm các yêu cầu an toàn giao thông, thông điệp 5K và các nội dung về phòng, chống dịch Covid-19. Đây là cách làm hiệu quả để kiểm soát an toàn hoạt động vận chuyển, giao, nhận; góp phần giảm áp lực về cung ứng, tiêu thụ hàng hóa ở các vùng. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết: Tỉnh hiện còn năm xã, một phường ghi nhận có ổ dịch trong cộng đồng, đã thiết lập bảy vùng cách ly y tế, với tổng số 262 hộ, 1.265 khẩu. Hậu Giang cố gắng đến ngày 25/8, sẽ kiểm soát toàn diện tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Các địa phương quyết tâm
Những ngày này, thanh niên tình nguyện len lỏi vào khắp các vùng quê sông nước của tỉnh Cà Mau. Họ đến tận nhà tuyên truyền phòng, chống dịch, thăm hỏi nhu cầu và thu mua những nông sản mà nhà nông chưa tiêu thụ được. Ông Khổng Văn Trường, ngụ xã Khánh Lộc, huyện Trần Văn Thời (Cà Mau) vui vẻ: “Đang lo rẫy dưa không bán được, thì thanh niên xuống hỏi thăm, rồi hỗ trợ tiêu thụ. Nhờ đó mà gia đình đã bắt tay vào sản xuất vụ mới”.
Khánh Lộc là vùng trồng rau màu trọng điểm của huyện Trần Văn Thời, nhưng do thực hiện giãn cách nên thương lái không vào xóm mua hàng. Nhằm bảo vệ thành quả chống dịch và hỗ trợ nông dân, Huyện đoàn Trần Văn Thời thành lập “Gian hàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản”. Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Chí Tâm cho biết: Trong tuần đầu hoạt động, gian hàng ở xã Khánh Lộc hỗ trợ nông dân tiêu thụ được khoảng 13 tấn nông sản các loại. Gần đây, bình quân mỗi ngày tiêu thụ từ 2-3 tấn nông sản.
Ngoài rau màu, nông dân huyện Trần Văn Thời đang bước vào vụ thu hoạch lúa hè thu. Thời điểm giãn cách, các quy định về thu hoạch, thu mua được siết chặt. Người thu mua đi trên phương tiện lớn phải sinh hoạt trên ghe, không tiếp xúc với người địa phương. “Để nông dân tiêu thụ được lúa, huyện đã liên hệ với các đầu mối thu hoạch, tiêu thụ lúa, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn về các điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch. Nếu thời tiết tốt, khoảng một tháng, các đồng lúa trên địa bàn huyện sẽ thu hoạch dứt điểm”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời Duy Quốc Tuấn chia sẻ.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt: Cà Mau đã thiết lập “vùng xanh” tại hai huyện Ngọc Hiển và Phú Tân và sẽ mở rộng ra các huyện: Trần Văn Thời, Cái Nước, Năm Căn… nhằm tạo thế trận liên hoàn trong cuộc chiến với dịch Covid-19, trở thành hậu phương vững chắc để Cà Mau tiến đến “xanh” hóa toàn tỉnh. Chiến lược “vùng xanh” được Cà Mau xác định là chìa khóa để địa phương quay trở lại quỹ đạo phát triển nhanh, bền vững trong điều kiện bình thường mới.
Tại “vùng xanh”, công tác phòng, kiểm soát dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm ngặt, bảo vệ an toàn, tuy nhiên địa phương vẫn có các giải pháp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, lưu thông hàng hóa. Nhằm thể hiện sự quyết tâm mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”, tỉnh Cà Mau đã củng cố Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban, Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Trưởng ban Thường trực. Cà Mau cũng lập Sở chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19, do Chủ tịch UBND tỉnh làm Chỉ huy trưởng.
Tương tự, các địa phương khác đang quyết tâm cao để đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường mới. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang Mai Văn Huỳnh cho biết: Kiên Giang đang thực hiện các giải pháp để quyết tâm bảo vệ “vùng xanh”, đồng thời có lộ trình chuyển “vùng vàng”, “vùng cam” thành “vùng xanh” trong thời gian ngắn nhất, quyết tâm khoanh chặt, thu hẹp “vùng đỏ”, phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8.
Hiện Kiên Giang có 11 trong số 15 đơn vị cấp huyện là “vùng xanh”, trong đó một đơn vị chưa có ca bệnh, 10 đơn vị trong 14 ngày không xuất hiện ca bệnh; có 111 trong số 144 đơn vị cấp xã là “vùng xanh”. Để bảo vệ “vùng xanh”, Kiên Giang đã tăng cường các chốt kiểm soát, với nhiều quy định mới; đồng thời tiến hành xét nghiệm sàng lọc trên phạm vi toàn tỉnh, cố gắng đưa F0 ra khỏi cộng đồng trước ngày 25/8.
Bạc Liêu là một trong những tỉnh có số ca nhiễm Covid-19 thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và chưa có trường hợp tử vong do Covid-19. Tỉnh xác định nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2021, quyết tâm giữ vững thành quả chống dịch, mở rộng “vùng xanh”, thu hẹp “vùng đỏ”; đẩy mạnh sản xuất, nhất là nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng: “Việc áp dụng giãn cách trên diện rộng bước đầu đã phát huy hiệu quả, ý thức phòng dịch, bệnh trong nhân dân nâng lên, hệ thống chống dịch ở cơ sở được kiện toàn, nhất là các tổ phòng, chống Covid-19 cộng đồng đang phát huy hiệu quả. Nếu được khoanh vùng, tập trung nguồn lực và áp dụng các biện pháp mạnh ở khu vực có dịch thì sẽ xử lý nguồn lây triệt để hơn; đồng thời việc linh hoạt áp dụng sẽ bảo đảm hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân ở các địa bàn không có dịch”. Hiện tỉnh Sóc Trăng có 45 đơn vị xã, phường an toàn “vùng xanh”; 28 đơn vị là “vùng vàng” có nguy cơ, 27 đơn vị “vùng cam” có nguy cơ cao và chín đơn vị là “vùng đỏ” với mức nguy cơ rất cao.