Mở rộng thực hành dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội

NDO - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trong bối cảnh đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, dưới sự chỉ đạo của Đảng việc xây dựng và thực hiện dân chủ ở cơ sở tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Dân chủ được mở rộng, chất lượng quyền làm chủ của người dân được nâng cao trên mọi lĩnh vực đã tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) Nguyễn Thị Tuyết Nga cùng nhân dân giám sát, kiểm tra quy trình trồng cây dâu tằm nhằm thực hiện quy hoạch mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. (Ảnh: Thanh Sơn)
Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái) Nguyễn Thị Tuyết Nga cùng nhân dân giám sát, kiểm tra quy trình trồng cây dâu tằm nhằm thực hiện quy hoạch mở rộng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. (Ảnh: Thanh Sơn)

Triển khai nghiêm túc, sáng tạo

Các cấp ủy, tổ chức đảng tiếp tục chỉ đạo, quán triệt, đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với nhiệm vụ chính trị, trọng tâm là Kết luận số 120-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI “Về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở” và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở...

Nhiều cấp ủy chỉ đạo nghiêm túc việc cụ thể hóa, thể chế hóa, hướng dẫn tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng về mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhất là thực hiện dân chủ ở cơ sở; tập trung chỉ đạo việc lấy phiếu tín nhiệm cán bộ theo tinh thần Hội nghị Trung ương 7, khóa XIII và Quy định số 96- QĐ/TW, ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Một số cấp ủy, địa phương đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiều hình thức phong phú. Bên cạnh tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin kịp thời, duy trì các chuyên trang, chuyên mục; tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh, trang thông tin điện tử, sử dụng mạng xã hội, Tỉnh uỷ Bắc Kạn, Tỉnh ủy Thái Nguyên đã kịp thời biên soạn tài liệu tuyên truyền, hỏi đáp về Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Nghị định số 59/2023/NĐ-CP, ngày 14/8/2023 của Chính phủ hướng dẫn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để nhân dân biết và tham gia.

Nhiều cấp ủy đảng đưa việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở vào chương trình, kế hoạch của cấp ủy, tổ chức cơ sở đảng nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh. Tỉnh ủy Hà Giang ban hành kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng công tác dân vận và thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023-2025. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Với vai trò người đại diện của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân.

Các địa phương Nghệ An, Đồng Tháp, Hải Phòng, Thái Nguyên đưa nội dung thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thành một trong những tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm; triển khai đăng ký xây dựng mô hình điểm về thực hiện dân chủ ở cơ sở; phát huy điểm sáng quy chế dân chủ ở cơ sở, phát động phong trào thi đua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở năm 2023.

Với vai trò người đại diện của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng gần dân, sát dân như: tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện dân chủ ở cơ sở; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tuyên truyền Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các Nghị định hướng dẫn; vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm về thực hiện dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội cũng đã tăng cường vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào các chương trình, đề án, dự án trình các Kỳ họp của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, nhất là góp ý vào dự thảo các dự án luật sửa đổi. Cùng với đó là thường xuyên nắm tình hình nhân dân, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, người dân để kiến nghị đến cấp ủy, chính quyền các cấp; tham gia giải quyết những vấn đề phát sinh, phức tạp ngay từ cơ sở, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Chức năng giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được đẩy mạnh thực hiện, tập trung vào những nội dung: việc ban hành, thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với một số đối tượng; việc thực hiện các quy định của pháp luật; triển khai các đề án phát triển ngành; việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, các cán bộ, đảng viên tại nơi làm việc và những vấn đề nhân dân quan tâm. Nhiều ý kiến được các cơ quan chức năng tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện kịp thời, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Chuyển biến tích cực từ cơ sở

Tập trung chỉ đạo triển khai các quy định về dân chủ ở cơ sở của các cấp ủy đảng đã tạo nhiều chuyển biến tích cực trong thực thi dân chủ ngay từ cơ sở. Cấp ủy, chính quyền cơ sở nhiều nơi thực hiện mở rộng dân chủ để nhân dân tham gia bàn bạc và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi xã, phường, khu phố. Chính quyền không áp đặt hoặc can thiệp vào công việc của nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân bàn bạc, thảo luận và quyết định các vấn đề liên quan trực tiếp đến nhân dân.

Các xã, phường, thị trấn tập trung tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi); phổ biến, tuyên truyền Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận trong cộng đồng.

Khảo sát thực tế cho thấy nhiều UBND xã, phường, thị trấn thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá và thực hiện việc đơn giản hóa, số hóa đối với các thủ tục hành chính; triển khai kết nối liên thông giữa các sở, ngành, huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn; thực hiện mạnh mẽ việc phân cấp, ủy quyền, phát huy hiệu quả hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO; gia tăng tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp... Nhiều địa phương đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ” như ở các tỉnh: Hà Nam, Thái Bình… Với phương châm “làm đúng, làm nhanh, làm tốt”, mô hình đã góp phần củng cố niềm tin, sự hài lòng của người dân.

Việc tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với nhân dân được người đứng đầu các xã, phường, thị trấn quan tâm. Theo số liệu thống kê từ 39/63 tỉnh, thành, năm 2023: Bí thư cấp xã tiếp công dân 54.485 cuộc, đối thoại trực tiếp 13.078 cuộc; Chủ tịch UBND tiếp công dân 108.924 cuộc, đối thoại 22.002 cuộc. Ngoài đối thoại định kỳ còn có các cuộc đối thoại đột xuất để lắng nghe ý kiến, phản ánh của người dân. Trong quá trình đối thoại, tiếp công dân và giải quyết đơn thư, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã vận dụng sáng tạo, có hiệu quả công tác dân vận, kịp thời giải quyết những thắc mắc, khiếu kiện của công dân ngay từ cơ sở, không để tồn đọng, hạn chế khiếu kiện vượt cấp.

Ban Thanh tra nhân dân từng bước được kiện toàn, sửa đổi quy chế hoạt động phù hợp với Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và Nghị định số 59/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Ban đã phối hợp các tổ chức thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tiến hành giám sát tình hình thực hiện nghị quyết của Hội đồng nhân dân, việc triển khai quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; chế độ chi trả, chăm sóc các đối tượng chính sách; việc bình chọn các đối tượng nghèo, hỗ trợ nhà đại đoàn kết... Thông qua giám sát đã kịp thời phát hiện, kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, giải quyết những vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh. Việc phát huy hiệu quả các tổ hòa giải ở cơ sở trong tư vấn, trợ giúp pháp lý đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp ngay từ thôn xóm, khu phố.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Trung ương, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian quan đã tạo điều kiện cho nhân dân tham gia bàn bạc, giám sát theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Dân chủ trực tiếp và gián tiếp của nhân dân được thực thi có hiệu quả trong mọi hoạt động của đời sống xã hội đã góp phần phát huy vai trò, tiềm năng, sức sáng tạo của nhân dân trong phát triển kinh tế -xã hội và góp ý xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.