Mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản Việt Nam

Những năm qua, xuất khẩu nông sản luôn là điểm sáng trên bức tranh kinh tế Việt Nam, kể cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thị trường sụt giảm. Năm 2024, đà tăng trưởng được duy trì ổn định, với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt hơn 24 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
 Nông dân tỉnh Bình Phước trồng chuối cấy mô xuất khẩu.
Nông dân tỉnh Bình Phước trồng chuối cấy mô xuất khẩu.

Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, nhất là nông sản và thực phẩm chế biến là một trong bốn ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, hằng năm đóng góp 14-15% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp của thành phố.

Năng lực sản xuất của doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ bảo đảm đủ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố và thị trường trong nước mà đã xuất khẩu đến thị trường nhiều nước trên thế giới. Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết: Bước sang những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố đã có sự phục hồi khởi sắc và tăng trưởng trở lại sau khi bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 của ngành chế biến lương thực, thực phẩm tăng 0,8%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản của thành phố 4 tháng đầu năm 2024 đã tăng trưởng tốt, đạt hơn 2 tỷ USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, mặt hàng gạo đạt gần 600 triệu USD (tăng 74,5%), cà-phê 377 triệu USD (tăng 94,3%), hạt tiêu 132 triệu USD (tăng 88%), thủy sản đạt 285,5 triệu USD (tăng 47,5%), rau quả đạt 384,4 triệu USD (tăng 56,3%).

Ông Trần Phú Lữ cũng cho biết, để phát triển bền vững, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh lúc này cần nhất là chính sách hỗ trợ vốn để đổi mới công nghệ sản xuất, thực hiện chuyển đổi số, cũng như chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh, tuần hoàn, giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh của sản phẩm. Song song đó, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là những thị trường xuất khẩu mới tiềm năng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm phát triển bền vững, Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng chiến lược phát triển ngành chế biến lương thực, thực phẩm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống xây dựng thương hiệu, tiếp cận và đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu thụ, trước hết là khai thác tốt thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân.

Sau đó, thành phố sẽ tập trung gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại các thị trường truyền thống còn dư địa khai thác và nghiên cứu mở rộng xuất khẩu vào các thị trường mới tiềm năng theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết. Bên cạnh đó, thành phố đẩy nhanh tiến độ đề án phát triển hệ thống kho lạnh, kho dự trữ bảo quản cho ngành chế biến lương thực, thực phẩm; tiếp tục nâng cao hiệu quả liên kết vùng giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành phố để hình thành vùng nguyên liệu ổn định, bền vững cho chuỗi sản xuất của ngành chế biến lương thực, thực phẩm của thành phố.

Theo các chuyên gia, Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi, có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp đa ngành về nông, lâm, thủy sản, với thời gian sản xuất gần như quanh năm. Chính vì vậy, trong những năm kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn và bất ổn thì nông nghiệp đã trở thành trụ đỡ của nền kinh tế.

Ngành nông nghiệp Việt Nam có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng và có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 FTA phủ khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN… Việt Nam hiện là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà-phê; thứ nhất về hạt điều, hạt tiêu; thứ ba về gạo. Các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan; đồng thời, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng cho rằng: Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành hỗ trợ rất tốt cho ngành nông nghiệp, với tâm thế chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp; chú trọng các yếu tố: Sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững, kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới.

Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục tạo điều kiện phát triển ứng dụng khoa học-công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.

Để làm được những điều trên, sự kết nối, tương tác thường xuyên giữa các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp thế giới, nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp thế giới là không thể thiếu. Trong nhiều năm qua, cùng với việc triển khai có hiệu quả các đề án của Chính phủ, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng rất chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, và nhất là công tác “đi trước mở đường” đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam. Có thể kể đến những thành công của việc mở đường xuất ngoại chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc); nhãn (sang Nhật Bản); bưởi, chanh (sang New Zealand); dừa (sang Hoa Kỳ)…