Ông Nguyễn Tuấn, Phó Giám đốc ITPC cho biết, TP Hồ Chí Minh là một đô thị đặc biệt, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hiện, thành phố đóng góp khoảng 23% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, 1/2 số khách du lịch quốc tế và 30% tổng số dự án FDI vào Việt Nam. Có thể nói, thành phố là đầu tàu kinh tế, trung tâm giao thương và thu hút đầu tư nước ngoài.
Hội thảo lần này giúp các doanh nghiệp hoạt động trong ngành thực phẩm, nông sản tại TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung tìm cơ hội kết nối, hợp tác mở rộng hơn nữa xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Bắc Mỹ, ASEAN.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, đây là hai thị trường đầy tiềm năng, do đó, trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ để nâng cao hơn nữa kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khối ASEAN và Bắc Mỹ.
Tuy nhiên, để xâm nhập, mở rộng thị trường xuất khẩu vào hai khu vực này, nhất là thị trường Bắc Mỹ, các doanh nghiệp trong nước cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; sản phẩm phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời, doanh nghiệp phải thay đổi mạnh mẽ toàn bộ cơ cấu từ nguồn nhân lực đến chuỗi sản xuất để tăng sức cạnh tranh trong môi trường kinh doanh quốc tế.