Năm 2020, Hợp tác xã nông nghiệp Thanh Bình, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín, đã huy động các thành viên góp vốn, thuê diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả, thường xuyên bị bỏ hoang của các hộ dân để đầu tư nhà màng, nhà lưới sản xuất rau, củ, quả an toàn, ứng dụng công nghệ cao. Toàn bộ quy trình canh tác khép kín, đấu nối với bộ điều khiển trung tâm, tự động điều chỉnh nước tưới, bón phân, dinh dưỡng, thông gió, phun sương, giúp sản xuất chủ động, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó, sau hơn một năm thực hiện dự án, hơn 10 nghìn gốc dưa giống Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đại diện hợp tác xã, trồng dưa lưới trong nhà màng ứng dụng công nghệ cao có nhiều ưu điểm vượt trội về năng suất, chất lượng, mẫu mã, nhất là vòng đời sinh trưởng cây từ khi trồng cho đến khi thu hoạch ngắn, chỉ từ 70 đến 75 ngày, cho nên trong một năm có thể trồng từ ba đến bốn vụ, giúp nâng cao giá trị sản phẩm so với canh tác theo phương thức truyền thống. Doanh thu trồng dưa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hữu cơ có thể đạt hơn 600 triệu đồng/ha/năm. Tuy mức đầu tư chi phí ban đầu lớn, song khả năng thu hồi vốn nhanh. Phát huy kết quả này, thời gian tới, hợp tác xã sẽ kết hợp trên dịch vụ trải nghiệm nông nghiệp sinh thái.
Cũng tại huyện Thường Tín, địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với gần 8.100 ha, vụ xuân năm nay, hai xã Quất Động và Tiền Phong thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, với tổng diện tích gần 23,5 ha. Để giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn, góp phần phục hồi hệ sinh thái môi trường trên đồng ruộng và mang lại lợi ích cho nông dân, huyện hỗ trợ toàn bộ giống lúa và các chế phẩm sinh học.
Quy trình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ sử dụng chế phẩm do Nhật Bản sản xuất để xử lý rơm rạ làm phân bón lót trước khi cấy và trong từng giai đoạn phát triển của cây lúa, kết hợp với một số loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học để phòng, trừ sâu bệnh. Việc áp dụng quy trình sản xuất theo hướng hữu cơ đã làm tăng độ phì nhiêu của đất, tăng chất khoáng và vi sinh vật có lợi cho đất, giúp cải tạo đất sau thời gian dài sử dụng phân bón vô cơ. Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp xã Quất Động, Hồ Văn Ban, hiệu quả sản xuất lúa hữu cơ rất rõ. Cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Hợp tác xã sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động xã viên tham gia chương trình để mở rộng diện tích trồng lúa hữu cơ, xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung giúp gia tăng giá trị nông sản, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian qua trên địa bàn thành phố có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước khẳng định xu thế phát triển của nông nghiệp Thủ đô.
Điển hình như tại huyện Đan Phượng, mô hình sản xuất rau, củ quả của Hợp tác xã Cuối Quý trung bình mỗi ngày thu hoạch từ hai đến bốn tấn rau xanh cung cấp cho các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, trường mẫu giáo… với giá cả ổn định, cho thu nhập gần 6,6 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng lúa hữu cơ của Hợp tác xã Đồng Phú, mô hình trồng bưởi, dưa lưới tại xã Nam Phương Tiến, thị trấn Chúc Sơn của huyện Chương Mỹ; sản xuất rau hữu cơ tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất và nhiều diện tích trồng rau tại huyện Đông Anh… Mặc dù vậy, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ của thành phố Hà Nội vẫn còn hạn chế, với diện tích hơn 2.000 ha, do quy trình sản xuất đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, chặt chẽ, chi phí đầu tư lớn.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Chu Phú Mỹ, sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu để hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, gắn với du lịch sinh thái. Giai đoạn từ 2021 đến 2025, mỗi năm thành phố sẽ mở rộng sản xuất ít nhất từ 300 đến 500 ha cây trồng theo hướng hữu cơ. Để đạt mục tiêu này, ngành nông nghiệp đã giao các đơn vị xây dựng mô hình, làm cơ sở rút kinh nghiệm để nhân rộng. Đặc biệt, thành phố gắn chặt việc mở rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ và minh bạch trong quy trình sản xuất, làm cơ sở xây dựng, phát triển bền vững thương hiệu.