Mở rộng những vùng nông sản an toàn

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đánh giá, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn sinh học, thảo mộc của tỉnh Bắc Giang ngày càng tăng và cao hơn bình quân chung cả nước; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học có xu hướng giảm dần. Đây là tiền đề quan trọng để hướng tới nâng chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, gia tăng giá trị sản phẩm và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng cho các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang.
0:00 / 0:00
0:00
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang).
Sản xuất rau an toàn tại Hợp tác xã rau sạch Yên Dũng (Bắc Giang).

Tín hiệu tích cực từ ruộng vườn

Vấn đề thực phẩm an toàn và thân thiện với môi trường ngày càng được người tiêu dùng quan tâm. Tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng giảm sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học, thay vào đó việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học đã trở nên phổ biến tại nhiều cánh đồng, ruộng vườn.

Nhiều nông sản của tỉnh có thương hiệu đã tạo được niềm tin cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu như: Vải thiều, cam, bưởi, na, nhãn, chè, rau, ổi, dứa…

Theo khảo sát và đánh giá của Cục Bảo vệ thực vật, hiện nay bình quân chung cả nước sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn sinh học, thảo mộc đạt khoảng 48%, thì tại Bắc Giang đạt khoảng 55%.

Ngoài ra, việc sử dụng phân bón hữu cơ trên địa bàn tỉnh cũng đạt hơn 49,3%, đây là tỷ lệ tương đối cao so với trung bình của cả nước và là tín hiệu tích cực trong sản xuất nông nghiệp.

Tại xã Huyền Sơn (Lục Nam) hiện trồng hơn 150 ha cây na, trong đó có 60 ha được áp dụng theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Như vườn sản xuất na hơn 1 ha của gia đình ông Phương Minh Hiến ở thôn Khuyên được thực hiện các quy trình sản xuất sạch, an toàn.

Những năm gần đây, ông không sử dụng các chất hóa học mà thay vào đó là sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học theo danh mục được cơ quan chuyên môn hướng dẫn và bón phân hữu cơ. “Không chỉ bảo vệ sức khỏe đối với chính người sản xuất, phương pháp canh tác này còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng”, ông Hiến nói.

Tại Hợp tác xã Lục Ngạn xanh (huyện Lục Ngạn) đã ứng dụng phương pháp ủ cá hoặc đỗ tương, thân cây chuối, hoa quả hư hỏng... để tạo nguồn phân hữu cơ cho cây trồng.

Theo đánh giá, sản phẩm ổi, dưa lê của hợp tác xã được bón phân ủ từ quả chuối chín, thân chuối với hàm lượng kali hữu cơ cao, giúp sản phẩm thơm, ngọt tự nhiên, khác biệt hẳn so với loại bón bằng phân hóa học. Ngoài ra, hợp tác xã cũng sử dụng ớt, gừng, cây có vị đắng để tạo ra nguồn thuốc sinh học hữu cơ, khi phun lên cây hoa cúc chi, ổi, dưa sẽ xua đuổi sâu hại, cắt đứt vòng đời sinh trưởng của một số loại sâu hại trên cây trồng.

Với cách làm này, nông dân sẽ giảm được chi phí, đặc biệt là giảm sử dụng phân bón hóa học, tăng sử dụng nguồn phụ phẩm để tạo nguồn phân bón tại chỗ. Ước tính chi phí sử dụng phân bón giảm ít nhất 20%, đồng thời môi trường đất và nước ở vùng sản xuất được cải thiện rõ rệt.

Mở rộng diện tích nông sản an toàn

Diện tích trồng trọt toàn tỉnh Bắc Giang hiện nay đạt hơn 151.800 ha, chủ yếu là cây lương thực và cây ăn quả. Trong đó đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo tiêu chuẩn VietGAP (hơn 16.600 ha), vùng sản xuất vải đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 164 ha, vải thiều đạt tiêu chuẩn hữu cơ 10 ha, nhãn đạt tiêu chuẩn GlobalGAP 10 ha và nhiều vùng trồng đạt tiêu chuẩn VietGAP như: Na, cam, bưởi, chè, rau các loại...

Ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh) cho biết: ‘‘Phát triển sản xuất theo hướng hạn chế sử dụng phân bón, thuốc hóa học góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tạo nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn, có lợi cho sức khỏe con người.

Qua đó, góp phần để người dân nâng cao nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc sinh học để thay thế các loại phân bón, thuốc hóa học.

Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang tiếp tục bố trí kinh phí thực hiện chương trình giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; tổ chức chỉ đạo, hỗ trợ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ đối với các cây trồng chủ lực có thế mạnh như: Vải thiều, nhãn, cây có múi, rau an toàn.

Đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích người dân dần thay thế phân bón vô cơ, thuốc hóa học sang phân bón hữu cơ và các loại thuốc sinh học có nguồn gốc thảo dược. Khuyến khích các mô hình nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường kết hợp với du lịch trải nghiệm, nhất là đối với các vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao, vùng vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Hiện nay tại tỉnh Bắc Giang, việc ký cam kết sản xuất nông sản an toàn ngày càng phổ biến và lan rộng đối với các hộ nông dân, các cơ sở sản xuất nông nghiệp và các hợp tác xã.

Đây là những việc làm cụ thể để Bắc Giang triển khai có hiệu quả đề án phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và đề án sản xuất sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua đó góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.