Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Hoàng Thị Vân Anh cho biết, hiện nay, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang tập trung nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã đã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2020, toàn bộ 28 xã của huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đăng ký về đích huyện nông thôn mới năm 2021. Tuy nhiên, một khó khăn lớn đang “cản bước” về đích nông thôn mới của huyện là tỷ lệ người dân được cung cấp nước sạch còn rất thấp, chỉ đạt 34%, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Nguyên nhân là do huyện Ứng Hòa nằm xa các nhà máy nước của thành phố. Việc quy hoạch đường ống lớn phải xin ý kiến Bộ Xây dựng. Các công ty nước sạch “ngại” đầu tư ở Ứng Hòa, do đầu tư chi phí lớn nhưng doanh thu thấp, người dân trong huyện rất mong mỏi sớm có nguồn nước sạch.
Tại buổi làm việc giữa Sở Xây dựng mới đây, huyện Ứng Hòa đã đề xuất được khai thác nguồn nước mặt sông Hồng của Công ty nước sạch Hà Nam - là đơn vị giáp ranh với các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa nhằm tăng tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch trên địa bàn. Năm 2021, huyện sẽ phối hợp Sở Xây dựng đôn đốc đơn vị thi công tiến hành khảo sát lắp đặt đường ống cấp nước sạch theo chỉ đạo của UBND thành phố, phấn đấu 100% số hộ dân trên địa bàn được cung cấp nước sạch.
Đại diện UBND huyện Chương Mỹ cho biết, hiện nay mới có 6.318 hộ, chiếm 7,61% dân số của huyện, được sử dụng nước sạch từ các trạm cấp nước trên địa bàn; còn 26 xã trong số 32 xã, thị trấn chưa được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Nguyên nhân là nhà đầu tư hệ thống cấp nước - Công ty CP Môi trường đô thị Xuân Mai, dự kiến sử dụng nguồn nước sạch sông Đà, song nguồn nước này hiện chưa phủ tới phạm vi dự án, cho nên nhà đầu tư chỉ sử dụng các trạm cấp nước hiện có.
Tỷ lệ các hộ dân của huyện Thạch Thất cũng rất thấp, đến nay vẫn còn chín xã trong tổng số 23 xã, thị trấn của huyện chưa được cấp nước sạch. Đây phần lớn là khu vực đồi gò, dân cư thưa thớt, khả năng sử dụng nước ít cho nên chưa có nhà đầu tư đăng ký.
Theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội, khu vực ngoại thành Hà Nội có 416 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 17 huyện và thị xã Sơn Tây. Đến hết năm 2019, thành phố đã kêu gọi 23 nhà đầu tư nghiên cứu triển khai 40 dự án đầu tư nước sạch có khả năng phủ kín khoảng 94% địa bàn nông thôn. Hiện nay, hệ thống cấp nước đã mở rộng tới 246 xã, có khả năng cung cấp cho 880.135 hộ (hơn 3,52 triệu người), đạt tỷ lệ 78%, trong đó, đã có 810.427 hộ ký hợp đồng sử dụng nước sạch (tỷ lệ 67,6%). Còn 170 xã với hơn 378.050 hộ (hơn 1,43 triệu người) chưa được đầu tư hệ thống cấp nước tập trung. Những huyện có tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch thấp là: Chương Mỹ, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thường Tín.
Về giải pháp cấp nước cho 170 xã còn lại, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng thông tin: Với khu vực các huyện phía bắc thành phố, liên danh Công ty CP Nước Aqua One và Công ty CP Nước mặt sông Đuống đã chuẩn bị triển khai mạng cấp nước cho năm xã của huyện Đông Anh và cam kết hoàn thành trong quý II-2021. Còn 16 xã của huyện Sóc Sơn, liên danh này phối hợp Công ty TNHH Nước sạch Ngọc Anh và Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội nghiên cứu phương án cấp nước tổng thể, bảo đảm hoàn thành trong năm 2021-2022.
Tại khu vực phía tây thành phố, do có đến hơn nửa số xã có kế hoạch tiếp nhận nguồn cấp từ Nhà máy Nước sạch sông Hồng, dự kiến đến quý IV-2021 mới hoàn thành, cho nên trước mắt, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty CP Nước sạch Tây Hà Nội sử dụng nguồn nước sông Đà cấp cho ba xã của huyện Đan Phượng, hoàn thành trong năm 2021. Nhà đầu tư khác là Công ty CP Tập đoàn đầu tư nước sạch và môi trường Hùng Thành nghiên cứu phương án xây dựng trạm cấp nước cục bộ sử dụng nguồn nước mặt sông Hồng và mạng cấp nước cho 11 xã của huyện Phúc Thọ, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2023...
Các huyện nằm ở khu vực tây nam thành phố giáp hệ thống cấp nước Công ty CP cấp nước Hà Nam đang triển khai tại huyện Phú Xuyên và tỉnh Hà Nam, cho nên Sở Xây dựng đề xuất giao Công ty CP c nước Hà Nam triển khai mạng cấp nước cho huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức, thay cho liên danh Công ty CP Nước Aqua One và Công ty CP Nước mặt sông Đuống... Những giải pháp nói trên được triển khai sẽ giúp thành phố sớm hoàn thành mục tiêu 100% người dân khu vực nông thôn tiếp cận nước sạch.