Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm y tế

Bảo hiểm y tế là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe người dân. Do vậy việc mở rộng đối tượng tham gia và hoàn thiện chính sách nhằm bảo đảm phát triển bền vững bảo hiểm y tế cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Điều trị người bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Điều trị người bệnh tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.

Theo thống kê của Bộ Y tế, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 92,03% số dân. Nhưng việc phát triển bền vững và vận động tỷ lệ 8% số dân còn lại tham gia bảo hiểm y tế đang là bài toán cần có lời giải...

Tỷ lệ bao phủ tăng nhưng chưa ổn định

Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho hay: Sau 31 năm triển khai chính sách bảo hiểm y tế (BHYT), đến nay Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ người dân tham gia BHYT công cộng tại khu vực châu Á. Tính đến tháng 12/2022, toàn quốc có trên 91,067 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,03% số dân.

Tổng chi từ Quỹ BHYT tăng từ 0,85 tỷ USD năm 2010 đến năm 2022 đã đạt hơn năm tỷ USD. Diện bao phủ BHYT tập trung vào các nhóm yếu thế như: nhóm người lao động; nhóm hưu trí, mất sức lao động, bảo trợ xã hội; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ như hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên và trên 17,5 triệu người tham gia theo hình thức hộ gia đình.

Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi hộ gia đình cho dịch vụ y tế, góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt đối với nhóm người yếu thế trong xã hội. Nhiều trường hợp đã được quỹ BHYT chi trả chi phí khám, chữa bệnh trong năm lên đến hàng tỷ đồng. Chính sách BHYT đã phát huy hiệu quả vai trò chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như chia sẻ gánh nặng cho gia đình các bệnh nhân khi không may gặp phải ốm đau, bệnh tật.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chia sẻ, tham gia BHYT, mọi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản bình đẳng mà không phụ thuộc vào khả năng chi trả của mình. Chất lượng khám, chữa bệnh BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau, bệnh tật.

Danh mục thuốc được Quỹ BHYT chi trả khi người có thẻ BHYT khám, chữa bệnh lên tới hơn 1.000 hoạt chất hóa dược, sinh phẩm và hàng trăm thuốc đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm, bệnh máu không đông, tim mạch… Nhiều người bệnh được chỉ định sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh. Danh mục thuốc BHYT hiện nay đã cơ bản đáp ứng nhu cầu điều trị đối với các bệnh hiểm nghèo.

Những người thường xuyên đau ốm như chị Nguyễn Thị Vượng, nhà ở thị trấn Đồi Ngô, Lục Ngạn (Bắc Giang) mới hiểu rõ giá trị của tấm thẻ BHYT. Chồng mất sớm, một mình phải lo cho cuộc sống của cả gia đình, nhưng hai năm nay chị Vượng bị tiểu đường và tăng huyết áp khiến sức khỏe kém, đi làm không đều, thu nhập lúc có, lúc không. Cuộc sống vất vả, nay lại thêm khoản kinh phí chi trả cho khám, điều trị bệnh đã tạo ra gánh nặng lớn đối với chị và gia đình. Nhờ tham gia BHYT, gánh nặng chi phí đã giảm rất nhiều. Chị Vượng tâm sự, BHYT đã trở thành phao cứu sinh đối với gia đình chị.

Lợi ích của người dân khi tham gia BHYT là rất lớn, tuy nhiên, hai năm 2021 và 2022 tỷ lệ bao phủ BHYT vẫn là con số “ổn định” 92,03%. Đến hết năm 2022, cả nước mới có 10 tỉnh có tỷ lệ đối tượng tham gia BHYT đạt 95%, còn hai tỉnh là Gia Lai và Bạc Liêu tỷ lệ tham gia BHYT đạt 83,8%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ người dân tham gia BHYT chưa cao, đó là việc chưa thực hiện được quy định “BHYT là hình thức bắt buộc”; chi cho BHYT chưa thật sự đạt hiệu quả như mong muốn của người dân; chế tài chưa đủ mạnh trong xử lý các tổ chức vi phạm trong quá trình khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT; chính sách có xu hướng thu hẹp số người được ngân sách nhà nước chi trả... Việc vận động tham gia BHYT hộ gia đình còn thấp so với tiềm năng; nhiều người bỏ tham gia BHYT vì không thấy bị đau ốm...

Mở rộng đối tượng

BHYT là chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội của quốc gia để chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do vậy, mở rộng đối tượng tham gia và hoàn thiện chính sách BHYT cần có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đức Hòa cho rằng, trong quá trình vận động phát triển đối tượng, cơ quan Bảo hiểm xã hội cần luôn chú trọng phân tích tình hình để tiếp tục nâng tỷ lệ bao phủ. Số người tham gia BHYT đạt tỷ lệ cao nhưng chưa bền vững, có thể biến động, trong đó, nhiều thành phần được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ. Các địa phương thực hiện phương thức chỉ đạo linh hoạt, khắc phục những bất cập hiện có, tạo đòn bẩy phát triển đối tượng.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam kiến nghị, cần nâng mức hỗ trợ cho một số nhóm còn có tỷ lệ tham gia thấp, thiếu ổn định; hỗ trợ người mới ra khỏi nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng BHYT chuyển sang nhóm tự đóng BHYT; nghiên cứu thu gọn các nhóm đối tượng để đơn giản và thuận tiện trong tổ chức thực hiện. Mức đóng BHYT cần rõ ràng và công bằng giữa các nhóm, giữa người tuân thủ tham gia và người chậm tham gia BHYT; không khuyến khích cung ứng dịch vụ được BHYT bao phủ và không được BHYT bao phủ trên cùng một người bệnh (trừ các dịch vụ tiện ích)...

Theo bà Trần Thị Trang, giải pháp trước mắt của ngành y tế là cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh; cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh…; kiện toàn các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị; lựa chọn thuốc, công nghệ, vật tư sử dụng trong các hướng dẫn cần càng cụ thể càng tốt, trên nguyên tắc chi phí đi đôi với hiệu quả.