Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, sáng 27/5, sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.
Mở rộng đối tượng xét phong tặng "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú"
Một số ý kiến đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu bổ sung đối tượng hoạt động trong các lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.
Liên quan vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội 2 phương án về Điều 66 để đại biểu Quốc hội thảo luận và cho ý kiến. Trong đó, phương án 1: bổ sung các đối tượng hoạt động trong lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học, bổ sung các “soạn giả” trong lĩnh vực sân khấu được xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” tại Điều 66; phương án 2: giữ như quy định của Luật hiện hành, theo đó “nhạc sĩ” và “phát thanh viên” là đối tượng được xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêng về phương án 1 và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Bày tỏ đồng thuận với việc xét danh hiệu vinh dự Nhà nước "Nghệ sĩ Nhân dân", "Nghệ sĩ Ưu tú" đối với các nghệ sĩ nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học và soạn giả của lĩnh vực sân khấu theo Điều 66 của dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhấn mạnh, đây đều là những danh hiệu cao quý, vì vậy việc thêm 1 đối tượng, thêm 1 lĩnh vực được đưa vào xét tặng danh hiệu này sẽ tạo thêm động lực cho những nghệ sĩ hoạt động và cống hiến trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) cho rằng, phương án mở rộng như trên được đông đảo giới văn nghệ sĩ thực sự trông mong, giúp xóa đi những phân biệt giữa nghệ sĩ sáng tác và nghệ sĩ biểu diễn trong đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, tạo động lực lớn cho sự sáng tạo, cống hiến của giới văn nghệ sĩ, phù hợp với tinh thần của Hội nghị Văn hóa toàn quốc vừa được tổ chức rất thành công và ý nghĩa vừa qua.
Đại biểu nhấn mạnh, sự động viên, khích lệ, ghi nhận kịp thời của Đảng, Nhà nước sẽ là nguồn động lực lớn lao để những người nghệ sĩ tiếp tục miệt mài lao động, tạo ra những tác phẩm có giá trị lớn, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc.
Ủng hộ phương án 1 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, đặc thù của những tác phẩm nhiếp ảnh, kiến trúc, tác phẩm văn học là không có việc trình diễn tác phẩm bởi các nghệ sĩ, diễn viên, mà các khán giả, độc giả, người xem chỉ được biết đến tác phẩm khi tác phẩm đó được trưng bày, xây dựng hay xuất bản.
Do đó, theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa, sẽ là công bằng và hợp lý hơn nếu các nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả cũng được xét tặng “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” khi tác phẩm của họ đủ điều kiện và đưa tới công chúng. Ngoài ra, quy định này cũng góp phần ghi nhận, động viên, khích lệ đối với người hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Bổ sung thêm các hình thức khen thưởng
Tranh luận làm rõ một số vấn đề tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) kiến nghị, bên cạnh các hình thức khen thưởng đã quy định rõ trong dự thảo Luật, bao gồm Huân chương, Huy chương, Danh hiệu vinh dự Nhà nước, “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”, Kỷ niệm chương, Bằng khen, Giấy khen, cần thiết bổ sung thêm hình thức “Thư khen”.
Theo đại biểu, đây là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, nhưng hiệu quả khích lệ rất lớn, đặc biệt động viên kịp thời và tạo động lực lớn cho người được trao tặng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích thêm, ngay tại Quốc hội, nếu như trong 1 kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc đưa ra những sáng kiến hiệu quả mà được Chủ tịch Quốc hội gửi thư khen sẽ là một điều rất trân trọng. Do đó, đại biểu đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng này.
Lấy phiếu ý kiến đại biểu Quốc hội về đối tượng được xét tặng “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”
Giải trình, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bám sát nguyên tắc, yêu cầu sửa đổi, vừa kế thừa, vừa đổi mới để bảo đảm được tính bao quát toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đúng với tính chất đặc thù của Luật Thi đua, khen thưởng của nước ta.
Đối với một số vấn đề bổ sung đối tượng được xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Bộ trưởng Nội vụ cho biết, việc xét tặng “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” hoạt động trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật được thực hiện từ năm 1984 đến Luật Thi đua khen thưởng năm 2003 đến nay, trong đó tập trung hướng tới đối tượng là biểu diễn và trình bày tác phẩm, chưa có đối tượng sáng tác.
Theo Bộ trưởng, với tinh thần cầu thị, trách nhiệm, nghiêm túc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng xét tặng và trân trọng ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi) theo 2 phương án như đã nêu và Quốc hội cũng đã thảo luận sôi nổi vấn đề này tại phiên họp.
Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu lấy phiếu xin ý kiến để đại biểu Quốc hội lựa chọn quyết định phương án cụ thể.