Mở rộng cơ hội hợp tác điện ảnh Pháp và Việt Nam

NDO - Giữa điện ảnh Pháp và Việt Nam luôn có một mối nhân duyên. Từ nhiều năm qua, đã có nhiều tác phẩm điện ảnh của Pháp làm về Việt Nam và đạt được nhiều thành công. Bây giờ là thời điểm để cả hai nền điện ảnh tăng cường hợp tác và mở rộng tầm ảnh hưởng để cùng phát triển. Hội thảo “Điện ảnh Pháp và mối quan hệ với điện ảnh Việt Nam” trong khuôn khổ Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng là dịp để các nhà làm phim, các chuyên gia trao đổi, tìm cơ hội hợp tác phát triển điện ảnh giữa hai nước.
0:00 / 0:00
0:00
Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: ANH VŨ)
Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm. (Ảnh: ANH VŨ)

Đây là cuộc hội thảo trong chương trình Tiêu điểm Điện ảnh Pháp, nhằm đưa các tác phẩm điện ảnh Pháp đến gần hơn với khán giả Việt Nam.

Chia sẻ về mối quan hệ giữa hai nền điện ảnh Pháp và Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến điện ảnh Việt Nam, Giám đốc Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng cho biết, chủ đề của Liên hoan phim năm nay là “DANAFF - Nhịp cầu châu Á”, cũng là bắc nhịp cầu điện ảnh giữa Pháp và Việt Nam nói riêng, và châu Á nói chung.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho rằng, điện ảnh hai nước có những duyên nợ nhất định. Đầu thập niên 90, cùng một lúc có 3 bộ phim lớn của Pháp đều đến quay tại Việt Nam là “Đông Dương”, “Điện Biên Phủ” và “Người tình”. Sau đó, đạo diễn Trần Anh Hùng cũng làm một số phim về Việt Nam, từng giành giải thưởng và được đông đảo công chúng thế giới biết tới. Và chủ đề văn hóa Việt Nam cũng được thế giới biết đến nhiều hơn qua những kênh rất đặc biệt.

Mở rộng cơ hội hợp tác điện ảnh Pháp và Việt Nam ảnh 1

Tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ tại Hội thảo. (Ảnh: ANH VŨ)

Tiến sĩ Ngô Phương Lan cũng cho rằng, điện ảnh Pháp góp phần đem lại ít nhiều sự nổi tiếng cho điện ảnh Việt Nam bằng những bộ phim về Việt Nam. Tuy nhiên, do những nguyên nhân chủ quan và khách quan, rất tiếc là gần ¼ thế kỷ qua chưa có đoàn làm phim lớn nào của Pháp quay lại Việt Nam. “Chính vì thế, chúng ta cần những buổi hội thảo như hôm nay, để các chuyên gia hàng đầu của điện ảnh Pháp đến với Việt Nam để trao đổi, nói thêm về những mối liên hệ, những vấn đề có thể hợp tác được giữa hai nước” – bà Ngô Phương Lan nói.

Chia sẻ về mối quan hệ và sự ảnh hưởng giữa điện ảnh Pháp và Việt Nam, ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam so sánh một cách hài hước rằng, Việt Nam, Pháp và điện ảnh là một “mối tình tay 3 nhưng hạnh phúc”.

Ông Olivier Brochet nhấn mạnh rằng, giữa hai nước có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác, trong đó có hợp tác dành cho lĩnh vực điện ảnh. Từ nhiều năm nay, Pháp là nước luôn đi đầu trong việc đấu tranh để đạt được sự đa dạng văn hóa, đặc biệt là thông qua UNESCO, với mong muốn rằng tất cả các quốc gia, các nền văn hóa đều có cơ hội thể hiện bản sắc, tiếng nói riêng của mình.

Đại sứ Pháp cho biết, người Pháp có niềm đam mê không chỉ có mối đam mê không chỉ với điện ảnh Pháp mà cả với điện ảnh thế giới. Cuộc hội thảo hôm nay là cơ hội chia sẻ những thông tin, xem người Pháp nhìn về châu Á thông qua điện ảnh của mình như thế nào và cũng là dịp để tìm cơ hội hợp tác và phát triển điện ảnh Việt Nam cũng như để Pháp hợp tác với điện ảnh châu Á.

Ông Olivier Brochet cũng khẳng định, Pháp sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong việc chia sẻ kinh nghiệm về chính sách văn hóa để cho phép những ngành công nghiệp sáng tạo có thể phát triển. Pháp là cửa ngõ để cho các sản phẩm điện ảnh của châu Á đến với châu Âu. Người Pháp luôn quan tâm và đánh giá cao các sản phẩm điện ảnh từ châu Á, thể hiện rõ nhất ở Liên hoan phim Cannes. Đặc biệt, Đại sứ Pháp tại Việt Nam cũng khẳng định, Pháp sẵn sàng đồng hành với các nhà làm phim trẻ ở Việt Nam. “Việt Nam có nhiều nhà làm phim trẻ tài năng, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ họ tiếp cận các liên hoan phim lớn, các giải thưởng điện ảnh giá trị” - ông Olivier Brochet khẳng định.

Ở chiều ngược lại, điện ảnh Pháp cũng đang hiện diện ngày càng rõ nét trong đời sống văn hóa ở Việt Nam, khi ngày càng nhiều phim Pháp được chiếu tại Việt Nam trong nhiều chương trình, sự kiện và cả chiếu rạp thương mại truyền thống ở Việt Nam.

Ông Olivier Brochet cho rằng, Pháp cũng chú trọng đến việc trao đổi, giao lưu văn hóa, và mong muốn sẽ có nhiều tác phẩm điện ảnh Pháp được giới thiệu tại Việt Nam để công chúng Việt Nam được tiếp cận nhiều hơn với điện ảnh Pháp. Trong những năm qua, Viện Pháp đã phối hợp các hệ thống phòng chiếu ở Hà Nội và Đà Nẵng chiếu 50 bộ phim Pháp.

Mở rộng cơ hội hợp tác điện ảnh Pháp và Việt Nam ảnh 2

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ về cơ hội hợp tác giữa hai nền điện ảnh. (Ảnh: ANH VŨ)

Nói về cơ hội hợp tác giữa hai nền điện ảnh, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, trong thời gian qua, Bộ đã ký rất nhiều giấy phép tổ chức các liên hoan phim, tuần phim, sự kiện điện ảnh Pháp tại Việt Nam trên khắp đất nước, từ bắc vào nam. Đây là lần thứ hai tổ chức Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng, đây là dịp để Việt Nam rút ra được nhiều bài học cũng như kinh nghiệm từ nền điện ảnh phát triển và danh tiếng như Pháp.

Thứ trưởng cũng cho rằng, việc kết nối về điện ảnh giữa Việt Nam và Pháp cũng như kết nối giữa hai nước còn giúp Việt Nam có thêm những bài học kinh nghiệm để chúng ta có thể góp mặt tại nhiều liên hoan phim hơn nữa trên thế giới, đặc biệt là Cannes.

Nhiều nhà làm phim, nghệ sĩ cũng đã chia sẻ những trải nghiệm và cảm nhận khi được trải qua hợp tác làm phim với Pháp hoặc qua đào tạo điện ảnh tại Pháp. NSND Như Quỳnh, người từng tham gia một số phim điện ảnh nổi tiếng của Pháp như “Đông Dương”, “Mùa hè chiều thẳng đứng” cho biết, điện ảnh Pháp và Việt Nam có sự gần gũi, thấu hiểu, và đạo diễn Trần Anh Hùng của “Mùa hè chiều thẳng đứng” thì rất hiểu tâm lý phụ nữ Việt Nam.

Mở rộng cơ hội hợp tác điện ảnh Pháp và Việt Nam ảnh 3
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nói về những ảnh hưởng của điện ảnh Pháp đối với ông.

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, nhà làm phim kỳ cựu vừa được trao giải Thành tựu điện ảnh tại đêm khai mạc Liên hoan phim bày tỏ sự biết ơn đến nền điện ảnh Pháp, nơi đào tạo và có những ảnh hưởng mạnh mẽ đến phong cách cũng như sự nghiệp điện ảnh của ông. Đạo diễn kể, bộ phim “Bao giờ cho đến tháng Mười” của ông sau khi làm xong đã được công chiếu tại Pháp. Ngoài ra, phim “Mùa ổi” của ông cũng được Pháp tài trợ, và được chiếu tại hệ thống rạp chiếu ở Pháp trong hai tháng. Và cho đến bây giờ, trào lưu Làn sóng mới của điện ảnh Pháp vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc đến ông. “Những gì tôi có được hôm nay là nhờ có Pháp” – đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Mở rộng cơ hội hợp tác điện ảnh Pháp và Việt Nam ảnh 4

Đạo diễn, NSƯT Tất Bình kể về những kinh nghiệm học hỏi được từ việc hợp tác làm phim với đối tác Pháp.

Còn đối với đạo diễn, NSƯT Tất Bình, ông không chỉ học hỏi được những bài học trong quá trình hợp tác làm phim cùng đối tác Pháp, mà còn thu được nhiều kinh nghiệm quý giá trong quá trình đào tạo điện ảnh ở Pháp. “Chúng tôi học hỏi được sự tỉ mỉ chỉn chu đến từng chi tiết nhỏ. Đó là việc nhập khẩu hàng tấn thiết bị, trong đó có cả thiết bị dùng cho chiếu sáng. Để phục vụ một cảnh quay trong phim “Đông Dương”, ê-kíp đã tìm hiểu cặn kẽ thủy triều ở Vịnh Hạ Long từng ngày từng giờ, chính xác đến từng chi tiết” – đạo diễn, NSƯT Tất Bình kể lại.

Mối lương duyên giữa hai nền điện ảnh có từ trong quá khứ, và điện ảnh Pháp cũng có những ảnh hưởng nhất định đối với điện ảnh Việt Nam, trong đó có cả các nhà làm phim và diễn viên Việt Nam. Điều quan trọng là tìm kiếm, mở ra cơ hội cho những nhà làm phim Việt Nam, như ông Jeremy Segay, Tùy viên Nghe nhìn khu vực Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đề cập đến.

Và đó cũng là điều mà ông Jeremy Segay khẳng định, khi cho biết Pháp sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển điện ảnh Việt Nam, tìm kiếm, đưa các nhà làm phim trẻ Việt Nam ra thế giới, phát triển điện ảnh thương mại. “Chúng tôi sẽ đề xuất các cơ quan chức năng của Pháp giúp Việt Nam về những vấn đề này. Điều quan trọng là chúng ta phải có sự ký kết phát triển văn hóa giữa hai nước” - ông Jeremy Segay chia sẻ.