Dự án xây dựng, mở rộng quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh) nối với tỉnh Long An đã được HĐND thành phố Hồ Chí Minh thông qua nghị quyết để bố trí vốn xây dựng với tổng kinh phí 1.500 tỷ đồng. Đây là dự án giao thông rất quan trọng kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh tây Nam Bộ.
Hiện, tuyến đường hiện hữu dài gần 7 km có mặt đường nhỏ hẹp, trong khi phương tiện lưu thông lại dày đặc nên thường xuyên ùn tắc, nguy cơ tai nạn giao thông rất cao. Việc đầu tư xây dựng mở rộng quốc lộ 50 góp phần nâng cao năng lực khai thác đường trục kết nối TP Hồ Chí Minh với khu vực đồng bằng sông Cửu Long; tăng cường kết nối cho đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, các tuyến trục chính, vành đai cũng như kết nối với sân bay Long Thành sau khi hoàn thành đưa vào khai thác. Đồng thời, sẽ phát huy hiệu quả của các dự án trong khu vực đã và đang triển khai đầu tư xây dựng, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông tại cửa ngõ vào trung tâm thành phố.
Cũng trên địa bàn huyện Bình Chánh, dự án mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ nút giao Tân Kiên đến nút giao Bình Thuận cũng đang gấp rút chuẩn bị đầu tư xây dựng. Đoạn đường này có tổng chiều dài 2,5 km, mở rộng lên 120 m, có 10 làn xe, vỉa hè hai bên và để lại một phần đất dự trữ. Dự án có tổng mức đầu tư 3.353 tỷ đồng.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, dự án này rất cần thiết, cấp bách trong bối cảnh quốc lộ 1A đoạn qua Bình Chánh nhỏ hẹp. Là cửa ngõ của thành phố nối với các địa phương Tây Nam Bộ nhưng các phương tiện giao thông đang phải lưu thông hỗn hợp, chưa thể lắp dải phân cách. Đây cũng là đoạn tuyến huyết mạch ở cửa ngõ với mật độ, lưu lượng xe cao, đang liên tục gia tăng nên thường xuyên ùn tắc, nhất là các dịp nghỉ lễ, Tết.
Phía đông TP Hồ Chí Minh, dự án quốc lộ 13 trên địa bàn TP Thủ Đức sẽ mở rộng từ đoạn cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước, dài hơn 5,5 km, mở rộng lên từ 53 đến 60 m, tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỷ đồng; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...
Quốc lộ 13 là tuyến đường cửa ngõ nối TP Hồ Chí Minh với tỉnh Bình Dương. Hiện, phía tỉnh Bình Dương đã mở rộng quốc lộ này lên 6 làn xe, sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe, nhưng trên địa phận TP Hồ Chí Minh thì tuyến đường bị "thắt cổ chai" nên thường xuyên xảy ra kẹt xe, ảnh hưởng tới việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, doanh nghiệp.
Một tuyến đường cửa ngõ khác cũng đang rơi vào tình trạng quá tải. Đó là quốc lộ 22 kết nối TP Hồ Chí Minh đi tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài đi Campuchia. Hiện, tuyến đường có mật độ xe rất cao, gây ùn tắc thường xuyên vào giờ cao điểm. Trong điều kiện nguồn vốn ngân sách đầu tư cho giao thông còn hạn hẹp, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đề xuất thực hiện nâng cấp, mở rộng trước đoạn từ nút giao ngã tư An Sương đến đường Nguyễn Văn Bứa, dài 5,4 km. Đoạn đường này sẽ được mở rộng từ 4 lên 8 làn xe với tổng vốn đầu tư 935 tỷ đồng…
Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh), nhiều tuyến đường ở các khu vực cửa ngõ thành phố đã quá tải, các tuyến liên kết vùng chưa có, các tuyến cao tốc còn quá ít. Do vậy, từ nay đến hết năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ khơi thông hạ tầng giao thông ở các cửa ngõ phía đông, phía tây thành phố, khép kín vành đai 2, hoàn thành vành đai 3, vành đai 4, nâng cấp mở rộng các quốc lộ 1A, 13, 50 và 22... Song song đó, đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đi Mộc Bài, Bến Lức, Long Thành.
Hoàn thành các dự án nêu trên sẽ tạo được kết nối liên vùng, giải quyết được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông. Ngoài ra, các dự án còn tạo sức bật, động lực phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho thành phố mà còn cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam…