Từ năm 2015, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, học sinh, sinh viên trở thành nhóm đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế. Quy định này không chỉ thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy nhanh lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân bởi đây là nhóm có khả năng tham gia chiếm tỷ lệ cao trong tổng dân số, mà còn hướng tới mục tiêu cao hơn, đó là thông qua chính sách bảo hiểm y tế để thực hiện tốt hơn công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước được phát triển toàn diện cả về trí tuệ và thể chất.
Để sớm đạt tỷ lệ 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, bên cạnh việc đề cao trách nhiệm của bản thân học sinh, sinh viên và cha mẹ học sinh, Nhà nước cũng có những hỗ trợ cụ thể để khuyến khích. Ngoài hỗ trợ chung theo nhóm đối tượng với mức cao nhất là 100% và thấp nhất là 30% mức đóng, nhiều địa phương còn trích ngân sách để hỗ trợ thêm, tạo điều kiện để các em tham gia.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, có thể nói, việc phát triển bảo hiểm y tế trong học sinh, sinh viên còn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội, mà trực tiếp là các cấp, các ngành liên quan, thông qua những biện pháp khác nhau. Nhờ vậy, trong những năm qua, số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế không ngừng tăng cao và đến năm 2021 đã đạt khoảng 18,8 triệu em, chiếm khoảng 96% tổng số học sinh, sinh viên và trở thành một trong những nhóm đối tượng có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao nhất. Trong đó, nhiều địa phương, trường học đã sớm đạt và duy trì tỷ lệ 100%.
Dù chỉ còn khoảng 4% chưa có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng thực tế cho thấy, việc hiện thực hóa mục tiêu 100% học sinh, sinh viên tham gia là không dễ dàng, nhất là với nhóm sinh viên các trường đại học, cao đẳng và học sinh các trường trung cấp, đào tạo nghề. Theo thống kê, hiện cả nước vẫn còn khoảng 150.000 sinh viên chưa có thẻ bảo hiểm y tế, chủ yếu là các em đang học năm thứ hai trở đi.
Khác với học sinh phổ thông, việc tham gia bảo hiểm y tế phụ thuộc nhiều vào các bậc cha mẹ học sinh cũng như mức độ quan tâm của nhà trường, các thầy, cô giáo bởi phần lớn sinh viên đại học đã có sự độc lập tương đối với gia đình và môi trường học tập.
Trong khi đó, dù Luật Bảo hiểm y tế quy định bảo hiểm y tế là hình thức bắt buộc và quy chế về công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học chính quy cũng quy định rất rõ vấn đề này, nhưng nhiều cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc sinh viên phải tham gia bảo hiểm y tế, chưa có chế tài xử lý cụ thể, mà đa số vẫn là vận động, nhắc nhở, trừ điểm rèn luyện.
Do đó, không ít sinh viên chỉ tham gia trong năm đầu tiên, khi phải làm cùng các thủ tục nhập trường. Đây cũng là lựa chọn của nhiều sinh viên, khi chủ quan cho rằng độ tuổi này khỏe mạnh, ít ốm cho nên không tham gia bảo hiểm y tế, dù đã được các trường tuyên truyền, vận động. Ngoài ra, điều kiện kinh tế của nhiều gia đình sinh viên cũng còn khó khăn, không có tiền mua bảo hiểm y tế.
Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu 100% học sinh-sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, những khó khăn trong việc đưa chính sách này đến với các đối tượng này cần chú trọng hơn, trong đó, vai trò của ngành giáo dục và các cơ sở giáo dục, đào tạo cần phải được phát huy cao nhất.