Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành T.Ư Ðảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam Trần Ðại Quang, tôi sắp tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới nước CHXHCN Việt Nam. Như vậy, tiếp sau chuyến thăm Việt Nam cuối năm 2015, nay một lần nữa tôi lại có dịp tới thăm miền đất tươi đẹp này, nơi đã để lại trong tôi những tình cảm vô cùng thân thiết.
Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng gần gũi núi liền núi, sông liền sông, gắn bó như môi với răng. Nhân dân hai nước sống bên nhau, từ xưa đã có tình cảm tương thân, học hỏi lẫn nhau.
Từ thời cận đại đến nay, nhân dân hai nước kề vai chiến đấu, chi viện lẫn nhau, đã kết nên tình hữu nghị nồng thắm “vừa là đồng chí, vừa là anh em” trong cuộc đấu tranh giành độc lập và giải phóng dân tộc của mỗi nước. Thời gian hoạt động cách mạng tại Trung Quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng cộng dài tới 12 năm, Người đã xây đắp nên tình cảm nồng thắm với các nhà lãnh đạo Trung Quốc như Chủ tịch Mao Trạch Ðông, Thủ tướng Chu Ân Lai... Vị tướng nổi tiếng Việt Nam Hồng Thủy đã tích cực dấn thân cho cách mạng Trung Quốc, tham gia cuộc Trường Chinh hai vạn năm nghìn dặm, là sĩ quan nước ngoài duy nhất được nước Trung Hoa mới phong quân hàm cấp tướng, cũng là vị “Lưỡng quốc Tướng quân” hiếm có trên thế giới. Nhân dân Trung Quốc cũng đã giúp đỡ vô tư cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam, Chủ tịch Mao Trạch Ðông từng nói “700 triệu người dân Trung Quốc là hậu thuẫn vững chắc của nhân dân Việt Nam, Trung Quốc bao la là hậu phương tin cậy của nhân dân Việt Nam”. Cố vấn pháo binh nhiệm kỳ đầu tiên của Ðoàn Cố vấn quân sự Trung Quốc giúp Việt Nam Ðậu Kim Ba đã đặt tên cho cô con gái mới chào đời là “Việt Hoa” sau khi nhận được nhiệm vụ sang giúp Việt Nam. Ôn lại những năm tháng cách mạng, tình hữu nghị do các nhà lãnh đạo tiền bối của hai Ðảng, hai nước trực tiếp vun đắp, được kết nên bằng máu của nhân dân hai nước rất đáng để chúng ta mãi mãi ghi nhớ và trân trọng.
Bước vào thời kỳ mới, nhân dân hai nước học hỏi, tham khảo lẫn nhau, tay trong tay tiến lên trong thúc đẩy sự nghiệp cải cách, đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chúng ta cùng tìm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội phù hợp tình hình của mỗi nước, làm nên những kỳ tích phát triển của mình, cùng thúc đẩy quan hệ hai nước có bước phát triển vượt bậc. Tin cậy chính trị giữa hai nước ngày càng vững chắc, giao lưu cấp cao ngày càng dồn dập. Chuyến thăm lần này của tôi là dịp để lãnh đạo cao nhất của hai Ðảng, hai nước một lần nữa thực hiện thăm viếng lẫn nhau trong năm sau hai năm. Hợp tác thực chất giữa hai nước không ngừng được mở rộng và đi vào chiều sâu. Trung Quốc liên tục 13 năm là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong các nước ASEAN, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước năm 2016 đạt gần 100 tỷ USD. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến Việt Nam đầu tư, phát triển. Tập đoàn Thiên Hồng kinh doanh hơn mười năm qua tại Việt Nam, đã xây dựng nhà máy tại tỉnh Bắc Ninh và tạo hơn 7.000 việc làm tại địa phương, cũng là doanh nghiệp đóng thuế nhiều nhất của tỉnh. Các nhà đầu tư Trung Quốc với chủ thể là doanh nghiệp dân doanh xây dựng Khu công nghiệp Long Giang tại tỉnh Tiền Giang, đã thu hút hơn 30 doanh nghiệp vào khu công nghiệp. Giao lưu nhân dân giữa hai nước gắn bó hơn. Trung Quốc là nước cung cấp nguồn du khách lớn nhất của Việt Nam. Tại các thành phố Ðà Nẵng, Nha Trang... đều có thể nhìn thấy du khách Trung Quốc. Giữa hai nước có hơn 300 chuyến bay mỗi tuần. Các pho tiểu thuyết kinh điển như “Tam Quốc Diễn Nghĩa”, “Thủy Hử”... của Trung Quốc rất được yêu chuộng tại Việt Nam, các bộ phim nhựa và phim truyền hình Trung Quốc cũng được người dân Việt Nam mến mộ. Ca sĩ Việt Nam Ðỗ Thị Thanh Hoa còn đoạt chức vô địch tháng trong chương trình “Ðại lộ Ngôi sao” của Ðài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Ðiều đáng quý hơn là, hai nước đã giải quyết vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền và trên Vịnh Bắc Bộ thông qua hiệp thương hữu nghị, xử lý và kiểm soát thỏa đáng các bất đồng, tạo điều kiện có lợi cho sự phát triển chung của hai nước và hòa bình, ổn định của khu vực. Tất cả những điều này là sự thể hiện tốt nhất của cốt lõi tinh thần và nội hàm phong phú của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung Quốc - Việt Nam.
Trước mắt, hai nước đều đang trên chặng đường mới cải cách và phát triển, anh dũng tiến lên hướng tới mục tiêu hùng vĩ của mỗi nước. Tháng trước, Ðảng Cộng sản Trung Quốc đã tổ chức thành công Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ 19. Ðại hội đã xây dựng phương châm tổng thể và cương lĩnh hành động cho sự phát triển trong tương lai của Ðảng và Nhà nước Trung Quốc, cũng đã phác họa lên bức tranh hùng vĩ cho mục tiêu xây dựng và phát triển của Trung Quốc đến giữa thế kỷ này. Ðến năm 2020 sẽ hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện; từ năm 2020 đến năm 2035 cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; từ năm 2035 đến giữa thế kỷ này xây dựng Trung Quốc thành cường quốc xã hội chủ nghĩa hiện đại giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp. Chúng tôi có năng lực, có lòng tin dẫn dắt nhân dân Trung Quốc hướng tới thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Việt Nam cũng đang thúc đẩy toàn diện sự nghiệp đổi mới, hướng tới thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo phương châm đề ra tại Ðại hội lần thứ XII của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Hơn lúc nào hết chúng ta đều cần phải siết tay hợp tác, cùng nhau theo đuổi giấc mơ dân giàu, nước mạnh.
Hiện nay tình hình quốc tế và khu vực biến đổi khôn lường, hai Ðảng và hai nước Trung - Việt đối mặt với nhiều vấn đề mới, thách thức mới tương đồng hoặc gần giống nhau. Trung Quốc có câu tục ngữ: “Càng gian nan, càng giúp người thành công”. Việt Nam cũng có câu tục ngữ “chớ thấy sóng cả, mà ngã tay chèo”. Là láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt có chung tiền đồ và vận mệnh, chúng ta cần gìn giữ và phát triển tốt quan hệ hai nước, góp phần giữ gìn ổn định, sâu sắc cải cách, cải thiện dân sinh của mỗi nước, cùng nhau thúc đẩy sự nghiệp chủ nghĩa xã hội, thúc đẩy hòa bình, ổn định và cải cách, phát triển của khu vực. Nhân dịp này tôi xin chia sẻ mấy quan điểm.
- Nắm vững định hướng, mưu cầu tầm cao mới về tin cậy chiến lược. Chúng ta cần duy trì sự tiếp xúc cấp cao thường xuyên, kịp thời trao đổi ý kiến về quan hệ hai Ðảng, hai nước và các vấn đề cùng quan tâm, nắm vững tay lái của quan hệ Trung - Việt. Tích cực triển khai giao lưu kinh nghiệm cầm quyền và phát triển đất nước, tăng cường giao lưu giữa hai Ðảng, cùng nhau làm phong phú và phát triển lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh có ý nghĩa chiến lược.
- Sâu sắc hợp tác, kiến tạo bố cục mới hội nhập lợi ích. Chúng ta cần tiếp tục kết nối chặt chẽ chiến lược phát triển của hai nước, cùng nhau thúc đẩy xây dựng “Một vành đai, một con đường” và “Hai hành lang, một vành đai”, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực trọng điểm như xây dựng cơ sở hạ tầng, kinh tế - thương mại, năng lực sản xuất, khu hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp... thu được tiến triển thực chất, mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho nhân dân hai nước.
- Mở rộng giao lưu, củng cố nền tảng mới tương thân, tương ái giữa nhân dân. Chúng ta cần tôn vinh tình hữu nghị truyền thống, thúc đẩy giao lưu nhân văn, mật thiết hợp tác về văn hóa, giáo dục, du lịch, thanh niên, báo chí, kể tốt câu chuyện của Trung Quốc và câu chuyện của Việt Nam, để tình hữu nghị Trung - Việt ăn sâu bén rễ trong nhân dân, truyền từ đời này sang đời khác.
- Tăng cường điều phối, tạo dựng điểm sáng mới hợp tác đa phương. Chúng ta cần nắm bắt xu thế lớn và trào lưu thời đại của thế giới, tăng cường điều phối và phối hợp trong các khuôn khổ đa phương như Liên hợp quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc - ASEAN, hợp tác sông Lan Thương - Mê Công..., cùng dẫn dắt hợp tác khu vực cởi mở và bao trùm, giữ gìn đà phát triển cởi mở của khu vực.
- Tập trung cho đại cục, tiếp tục viết nên trang sử mới láng giềng thân thiện. Chúng ta cần xuất phát từ đại cục cải cách, phát triển, ổn định của mỗi nước và hữu nghị Trung - Việt, kiểm soát các mâu thuẫn và bất đồng, kiên trì hiệp thương hữu nghị, tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Chúng ta cần thực hiện toàn diện và hiệu quả “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông”, tích cực thúc đẩy tham vấn về “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông”, cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trên Biển Ðông.
Chuyến thăm lần này của tôi còn có một lịch trình quan trọng, đó là tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 25 diễn ra tại thành phố Ðà Nẵng. Trung Quốc ủng hộ Việt Nam tổ chức tốt hội nghị lần này, sẵn sàng cùng Việt Nam và các thành viên khác triển khai thảo luận thực chất về sâu sắc nhất thể hóa kinh tế khu vực, xây dựng Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương, tăng cường kết nối khu vực, thúc đẩy cải cách, sáng tạo đổi mới kết cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển bao trùm, quy hoạch tầm nhìn hợp tác sau năm 2020 thu được thành quả tích cực, góp phần tích cực vì sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong khuôn khổ chủ đề “Tạo dựng động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Trung Quốc có câu “anh em đồng lòng, cắt được cả sắt”. Tôi mong đợi chuyến thăm lần này tạo cơ hội để cùng với các nhà lãnh đạo và bạn bè các giới Việt Nam đi sâu trao đổi, cùng khai thác tiềm năng hợp tác, vun đắp tình hữu nghị, sâu sắc hữu hảo đặc biệt giữa hai nước, tay trong tay mở ra cục diện mới của quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.