“Antigone” là vở kịch của Sophokles, nhà soạn kịch nổi tiếng Hy Lạp. Mặc dù đã trải qua gần 2500 năm, tác phẩm sân khấu này vẫn là một nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng làm nghệ thuật trên thế giới. Dự án sân khấu “Antigone” của Viện Goethe có sự tham gia của các đạo diễn sân khấu Trần Lực, Bùi Như Lai, Hà Nguyên Long, đạo diễn Lê Thị Hòa An, nghệ sĩ sáng tác đa phương tiện Hà Thúy Hằng và biên đạo Trần Minh Hải.
Vở kịch “Antigone” có thể tương đối xa lạ với công chúng Việt Nam. Nhưng những giá trị nhân văn được truyền tải trong tác phẩm lại có nhiều điểm tương đồng quen thuộc với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, khi sử dụng hình tượng một người phụ nữ để nêu cao thông điệp về niềm tin đúng đắn, sự trung thành và phẩm giá của con người.
Câu chuyện “Antigone” trong phiên bản gốc tương đối phức tạp, nhưng khi được tái hiện lại qua tư duy nghệ thuật của Đạo diễn, NSƯT Trần Lực, cùng phương pháp ước lệ biểu diễn và kỹ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam, tác phẩm đã trở nên dễ hiểu và chạm tới trái tim của khán giả Hà Nội.
“Antigone” của Đạo diễn, NSƯT Trần Lực diễn ra trên một tấm thảm trắng, lấy ý tưởng từ manh chiếu của nghệ thuật Chèo, cùng lối diễn mang tinh thần ước lệ của nghệ thuật Tuồng, đã đem tới cho khán giả thủ đô và quốc tế một buổi diễn mang đậm hơi thở sân khấu kịch phương tây và nghệ thuật sân khấu Việt Nam.
Để bảo đảm các quy định phòng, chống dịch Covid-19, trong các buổi diễn của vở kịch “Antigone”, Nhà hát Tuổi trẻ chỉ tiếp đón các khán giả đã được tiêm đủ liều vaccine và mang theo giấy tờ tùy thân. Khán giả bắt buộc phải tiến hành quét mã QR khai báo y tế, ngồi ở các vị trí giãn cách trong khán phòng và bảo đảm nguyên tắc 5K.