Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 886/QÐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Ðề-Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, cảng biển Trần Ðề có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT. Tổng diện tích quy hoạch 5.400 ha, gồm: bến cảng ngoài khơi 1.400 ha; khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, cảng trung chuyển hàng hóa phía bờ: 4.000 ha (giai đoạn 2030 sẽ triển khai trước 1.000 ha). Cảng kết nối với các tuyến Quốc lộ 1, 91, 91B và Quốc lộ 60; các tuyến cao tốc và cầu Ðại Ngãi nối Trà Vinh-Sóc Trăng; các tuyến đường thủy chính từ cửa sông Hậu đến Campuchia và các hành lang vận tải kết nối từ các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tại hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Ðề do Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Bộ Giao thông vận tải vừa tổ chức, các doanh nghiệp, nhà đầu tư rất quan tâm đến việc đầu tư phát triển cảng biển quan trọng này. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung cho rằng, để giảm dần chi phí logistics của vùng tiệm cận với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và khu vực, cần thiết phải sớm hình thành một cảng cửa ngõ ngoài khơi cửa Trần Ðề cho tàu biển trọng tải lớn để xuất nhập hàng hóa trực tiếp toàn vùng.
Ngoài ra đây là dự án lấn biển, tạo cảnh quan thu hút du lịch xanh. Chuyên gia cao cấp Công ty Nippon Koei - Nhật Bản, ông Thi Ha tâm đắc vì vị trí dự kiến xây dựng cảng Trần Ðề nằm ngoài khơi cửa Trần Ðề của sông Hậu, cách đất liền khoảng 18 km. Phần trên bờ sẽ xây dựng cảng thủy nội địa trung chuyển cùng khu vực bến bãi, hậu cần và khu công nghiệp. Cảng này sẽ được kết nối với cảng ngoài khơi bằng cầu dài và là một điểm nhấn thú vị về cảnh quan du lịch. “Với vị trí chiến lược, việc đầu tư cảng Trần Ðề sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam nói chung và đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trên thị trường khu vực và quốc tế.
Hơn nữa, cảng được hưởng ưu đãi đầu tư do thuộc địa bàn đặc biệt khó khăn sẽ thu hút các nhà đầu tư đầu tư xây dựng cảng và hạ tầng logistics. Nếu xây dựng tuyến đường sau cảng dài 6,1 km kết nối từ bến cảng ngoài khơi cửa Trần Ðề đến điểm cuối tuyến đường cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng bằng nguồn vốn ngân sách, thì ngân sách cần hỗ trợ 70% kinh phí và nhà đầu tư tự cân đối nguồn vốn còn lại”, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Nguyễn Anh Tuấn kỳ vọng.
Mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng từ 25.000-30.000 tấn thủy sản, tương đương khoảng 1.500-2.000 container. Hiện nay, các lô hàng của công ty đều tập trung lên hai cảng Cát Lái và Cái Mép để xuất khẩu. Do cung đường vận chuyển hẹp và khá dài, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hàng hóa giao thường không đúng hẹn. Nếu có cảng Trần Ðề sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận chuyển khoảng 20 tỷ đồng/năm, đồng thời rút ngắn thời gian vận chuyển.
Hồ Quốc Lực, Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta
Theo quy hoạch, quy mô cảng bảo đảm phù hợp với vai trò chức năng là cảng cửa ngõ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp của vùng, tiếp chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Công; góp phần đồng bộ hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của khu vực. “Triển khai thực hiện chủ trương của Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đang khẩn trương phối hợp Bộ Giao thông vận tải hoàn thành quy hoạch để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Ðề. Xây dựng định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng như công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, nhất là dự án đường bộ cao tốc Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng và các hệ thống giao thông mới kết nối đến cảng. Cảng Trần Ðề sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa đất nước vươn tầm cao mới”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định.