Đây là cơ sở y tế tuyến đầu, đem lại lợi ích thiết thực cho bà con khu vực biên giới, nhất là trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Tạo thuận lợi cho người dân
Giờ đây, mỗi khi ốm đau, bà Moong Mẹ Vương, bản Huồi Bắc, xã Bắc Lý, huyện miền núi cao biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) đã không còn lo lắng nữa, vì đã có bác sĩ quân y chăm sóc sức khỏe cho bà. Khác với trước đây, mỗi khi ốm đau, con cháu đi lấy lá về cho bà uống để đuổi bệnh, đến khi không thể chữa được mới ra trạm y tế của xã, cách hàng chục km đường rừng để khám. Bà Moong Mẹ Vương chia sẻ: “Mẹ bị đau dạ dày, ra đây nhờ các chú bộ đội biên phòng khám bệnh. Tuổi mẹ cao rồi không đi xa được, có bác sĩ ở gần thuận tiện lắm, các chú quân y bộ đội biên phòng khám bệnh, chăm sóc cho mẹ rất nhiệt tình, mẹ cảm ơn nhiều lắm”.
Bản Huồi Bắc là địa bàn vùng sâu, vùng xa của xã Bắc Lý. Người dân nơi đây đa phần là hộ nghèo nên công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trong bản vẫn còn nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đã triển khai mô hình “Tủ thuốc biên cương”.
Tủ thuốc được triển khai tại Trạm quân dân y bản Huồi Bắc - điểm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho hàng trăm hộ đồng bào dân tộc Khơ Mú, Thái và Mông thuộc 8 bản xa nhất của xã Bắc Lý.
Người dân đến đây đều được khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí, chỉ những người bệnh nặng mới phải chuyển lên tuyến trên điều trị. Trong năm 2021, Tủ thuốc đã trực tiếp khám và cấp thuốc miễn phí cho 622 người dân.
Trưởng bản Huồi Bắc Lo Văn Nọi cho biết: “Người dân ở đây mỗi khi ốm đau hay xuống xin thuốc tại quân y Bộ đội Biên phòng. Các y, bác sĩ ở đây hỗ trợ, giúp đỡ bà con rất nhiệt tình, nên ai cũng yên tâm”.
Được giao phụ trách Trạm xá Quân dân y và “Tủ thuốc biên cương” bản Huồi Bắc, Thiếu tá Hồ Đình Giáp cho biết: “Qua quá trình thực hiện nhiệm vụ và trực tiếp thăm khám cho người dân, cho thấy, bà con thường hay bị các bệnh như thần kinh, đau cơ xương khớp, cao huyết áp... Trong thời gian chuyển mùa, nhiều người có thể mắc các bệnh cảm cúm, dạ dày, tiêu hóa. Ngoài sử dụng thuốc tây y, chúng tôi cũng chủ động nghiên cứu các bài thuốc dân gian có trong đồng bào để áp dụng vào chữa bệnh cho người dân”.
Tại địa bàn xã Phúc Sơn, huyện miền núi Anh Sơn, ba năm nay, mỗi khi trái gió trở trời hay đau ốm, đồng bào tại bốn bản giáp biên giới thuộc xã Phúc Sơn đến “Tủ thuốc biên cương” tại Trạm Biên phòng ở ngay cạnh để khám và chữa bệnh kịp thời; không phải di chuyển hơn 20 km đường rừng để ra Trạm y tế xã để khám, chữa bệnh như trước đây. Tại đây, Quân y Đồn Biên phòng Phúc Sơn là thầy thuốc của bà con, và việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc được thực hiện hoàn toàn miễn phí.
Bà Vi Thị Thân, bản Vều 2, xã Phúc Sơn chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì có cán bộ quân y bộ đội biên phòng khám sức khỏe thường xuyên cho người dân ở ngay trong bản; bà con không phải đi xa khám bệnh nữa”.
Đây là 2 trong số 8 “Tủ thuốc biên cương” ở các đồn Biên phòng mà Bộ đội Biên phòng Nghệ An triển khai trong thời gian qua để phục vụ các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc tại khu vực biên giới phía tây của tỉnh. Qua đó, củng cố và tăng cường mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân, tạo niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, chính quyền các cấp và bộ đội biên phòng; góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh.
Thay đổi tư duy chữa bệnh của đồng bào
Với đặc điểm địa giới hành chính chia cắt, trải rộng, việc đi lại của người dân trên địa bàn xã Phúc Sơn gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, những năm trước đây, đồng bào các dân tộc ở Phúc Sơn rất ngại ra trạm y tế xã để khám, chữa bệnh mỗi khi ốm đau. Thực tế này chính là cơ sở để Bộ đội Biên phòng và các đơn vị liên quan của huyện Anh Sơn cùng các tổ chức thiện nguyện, các nhà hảo tâm cùng chung tay xây dựng “Tủ thuốc biên cương”. Thông qua “Tủ thuốc biên cương” này đã huy động nguồn lực hướng về biên giới trong chăm sóc sức khỏe ban đầu tại chỗ cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Hoạt động hiệu quả của “Tủ thuốc biên cương” đã có sức lan tỏa lớn, góp phần làm thay đổi quan điểm chữa bệnh của đồng bào. Nếu như trước đây, khi dân bản có bệnh, họ thường tự chữa trị tạm thời bằng cây cỏ quanh nhà, trên rừng, thì giờ đây, người dân đã hiểu rõ giá trị của phương pháp điều trị Tây y và tin tưởng vào khả năng điều trị của những thầy thuốc quân hàm xanh.
Bên cạnh việc khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí, cán bộ quân y của Đồn Biên phòng còn kết hợp các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, tuyên truyền phòng, chống các loại dịch bệnh; phối hợp thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường làng bản. Những hoạt động này đã góp phần không nhỏ trong thực hiện chương trình mục tiêu y tế quốc gia về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Hiện nay, Bộ đội Biên phòng Nghệ An đang duy trì hoạt động hiệu quả 8 “Tủ thuốc biên cương”, trong đó 6 tủ thuốc được triển khai tại 6 trạm xá quân dân y và 2 tủ thuốc được triển khai tại 2 tổ công tác của Đồn Biên phòng Phúc Sơn và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.
Vị trí “Tủ thuốc biên cương” được khảo sát, lựa chọn xây dựng tại các các thôn, bản khó khăn, vùng cao, vùng sâu, nơi tỷ lệ hộ nghèo, đói cao. Tủ thuốc do cán bộ quân y các Đồn Biên phòng trực tiếp quản lý. Ngoài các hoạt động khám, chữa các bệnh thông thường; còn tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phương pháp sinh hoạt hợp vệ sinh, phòng, chống dịch bệnh cho nhân dân khu vực biên giới, nhất là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, nơi không có điều kiện thuận lợi để khám, chữa bệnh.
Ngoài khám chữa bệnh, các bác sĩ nơi đây còn là những tuyên truyền viên, tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình và đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19.
Trung tá Hoàng Thế Tài, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mỹ Lý cho biết: “Ngoài trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân, Trạm quân dân y còn kịp thời tiếp nhận các thông tin về công dân làm ăn xa về địa bàn để phối hợp với chính quyền địa phương có các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả. Cùng với đó, cán bộ biên phòng vừa làm nhiệm vụ khám bệnh, vừa tuyên truyền, vận động bà con làm tốt công tác phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng”.
Thiếu tá Nguyễn Bá Kỷ, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết thêm: Trong những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn, các quân y phụ trách ở “Tủ thuốc biên cương” còn là một trong các tuyên truyền viên trong tuyên truyền, vận động bà con nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19 nhằm bảo đảm mọi người dân khỏe mạnh, an toàn.
Ngoài khám chữa bệnh tại chỗ, các quân y biên phòng phụ trách các “Tủ thuốc biên cương” còn trực tiếp đến từng hộ gia đình thăm khám, cấp thuốc miễn phí cho người dân. Hoạt động này góp phần nâng cao sức khỏe cho đồng bào, xây dựng mối đoàn kết quân dân ngày càng bền chặt trên địa bàn biên giới.
Trung tá Nguyễn Ngọc Cẩm, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết: “Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng Nghệ An tiếp tục khảo sát các địa bàn, vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh hỗ trợ vật chất, thuốc men để tiếp tục triển khai thêm các “Tủ thuốc biên cương” ở các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, qua đó góp phần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên địa bàn biên giới của tỉnh”.
Tuy nhiên, hoạt động của “Tủ thuốc biên cương” vẫn còn những khó khăn. Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn Nguyễn Văn Tráng cho biết: “Tủ thuốc biên cương” là cơ sở khám ban đầu để phục vụ cho người dân, nhưng đây là giải pháp tình thế. Về lâu dài, mong các cấp có liên quan đánh giá hiệu quả, tiện lợi của “Tủ thuốc biên cương” để có thể thành lập Trạm quân dân y, có cơ sở pháp lý để khám chữa bệnh theo thẻ bảo hiểm y tế cho người dân tại chỗ”.