Khi được hỏi về động lực để bắt đầu nuôi giun quế, ông Vượng chia sẻ rằng, từ khi ông cùng vợ con chuyển về sinh sống tại đây vào năm 2012, đã thấy con sông Đáy bị ô nhiễm trầm trọng, nước sông đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Mà nguồn nguyên nhân chủ yếu là do bã củ đót, chất thải từ làng nghề làm miến dong ở xã Dương Liễu, Hoài Đức. Bản thân ông cũng luôn quan niệm rằng con giun là sinh vật bé nhỏ nhưng lại là người bạn lớn của nông nghiệp, của người nông dân. Do đó, hai vợ chồng ông đã quyết định thành lập trại nuôi giun để thu mua lại những chất thải đó, góp phần bảo vệ môi trường sống ở đây.
Nuôi giun quế - nuôi “người bạn lớn” của nhà nông
Hiện tại, gia đình ông Đàm Văn Vượng (65 tuổi) có hai trang trại nuôi giun quế thuộc xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội. Mỗi trang trại có diện tích khoảng 2.000 m2 và cung cấp giun giống, phân giun và các sản phẩm khác từ giun cho các đại lý như Thần Nông Xanh, Organic Farm, OSG…, các cơ sở nhỏ lẻ, hoặc các hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội để phục vụ cho việc cải tạo đất, trồng rau xanh, cây cảnh.
Phân giun quế được dùng để bón cho cây trồng; dịch giun có thể dùng để tưới cho cây, lá. Ngoài ra, giun quế còn được dùng để làm mồi câu cá, hoặc nghiền nhỏ để trộn vào các sản phẩm thức ăn chăn nuôi cao cấp. Ông Vượng cũng cho biết: “Có hơn 20 hộ gia đình trong nội thành vẫn thường xuyên mua phân giun từ trang trại để trồng rau. Giá mỗi kg phân giun là 2.500 đồng”. Đối với giun giống, trang trại của ông bán với giá từ 12.000 - 15.000 đồng/kg.
Bà Hoàng Thị Nhàn (vợ ông Vượng) cho biết, vào mùa xuân, thời tiết thuận lợi nên giun sinh sản nhanh hơn.
Học hỏi kinh nghiệm trồng rau sạch trên mạng, được biết phân giun quế không độc hại, có nhiều chất dinh dưỡng, tốt cho đất và cây trồng, cách đây hai tháng, chị Hoàng Thu Hương (An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) cũng quyết định sử dụng phân giun quế để trồng rau sạch cho gia đình. Cứ có chút thời gian rảnh, chị lại tranh thủ trồng rau. Đến nay, gia đình chị đã có khoảng 10 - 15 thùng xốp rau mầm trồng trên sân thượng. Chị kể: “Tôi mua phân giun quế từ trang trại giun nhà bác Vượng về trộn thêm với đất để gieo hạt các loại rau mầm như củ cải đỏ, cải xoong, cải bó xôi, đậu Hà Lan… Có lần tôi thử đem một cây non được gieo trên đất có bón phân giun ra trồng trên đất thường, cây chậm phát triển và dần dần cũng héo rồi chết”.
Chị Hương cho biết, trồng rau mầm trên đất bón phân giun quế không gây độc hại và tiết kiệm thời gian chăm sóc.
“Chỉ mình làm thì không thể tiêu thụ hết nguồn bã củ đót”
Đối với ông Vượng, việc nuôi giun quế không quá khó bởi từ năm 1985, ông đã bắt đầu làm mô hình này cùng với một vài người quen khi ông còn là giảng viên Trường trung cấp Mỏ (Quảng Ninh). Tuy nhiên, mô hình của ông không thể phát triển mạnh vì nông nghiệp hữu cơ thời kỳ đó vẫn còn quá mới mẻ, không ai mua nên thị trường tiêu thụ là một vấn đề lớn.
Từ khi thành lập trang trại ở đây, ngoài đọc sách báo, tham khảo các mô hình thực tế, ông thường xuyên lên mạng để tìm hiểu thông tin, tham gia diễn đàn nông nghiệp và các cuộc hội thảo để chia sẻ công nghệ. Ban đầu, gia đình ông bỏ vốn để thuê trang trại và mua khoảng 40 - 50 kg giống giun sinh khối. Giun sinh trưởng và phát triển nhanh. Ông thử nghiệm nuôi khoảng 20 con giun quế trong một hộp xốp. Sau chừng hai tháng, nếu đổ giun và tính diện tích bề mặt bao phủ thì đã lên đến 10 m2 giun giống.
Ông Vượng cho biết, ở trang trại đầu tiên, ông nuôi giun bằng chất thải chăn nuôi. Còn ở trang trại mới, bã củ đót vẫn là nguồn nuôi giun chủ yếu. Những loại phế thải nông nghiệp khác thì cũng có thể sử dụng nhưng giá thành sẽ cao hơn. Nhưng dù cố gắng mở rộng trang trại thì cung vẫn không đủ cầu.
Hàng tháng, trại giun vẫn cung cấp phân giun cho các đại lý, cơ sở có nhu cầu. Có các công ty của Nhật Bản tới trang trại của gia đình ông để đặt mua phân giun quế với khối lượng lớn, tuy nhiên, quy mô hai trại giun của gia đình với tổng diện tích 4.000 m2 vẫn không thể đáp ứng đủ. Với mong muốn cải tạo môi trường, “chỉ mình làm thì không thể tiêu thụ hết nguồn bã củ đót”, ông Vượng chia sẻ.