Mô hình “đảng viên kèm cặp giúp dân thoát nghèo”

15 năm trước, xã miền núi Trà Linh, nằm ở độ cao từ 2.000m đến 2.500m so với mực nước biển, là xã xa xôi và khó khăn nhất huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. 95% số bà con Ca Dong đều thuộc diện hộ nghèo, nhà cửa tạm bợ, cơm không đủ no, áo không đủ mặc, ốm đau, dịch bệnh thường xuyên xảy ra…
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư chi bộ thôn 2, Hồ Văn Đuôi (trái) vận động người dân thực hiện các nghị quyết của chi bộ.
Bí thư chi bộ thôn 2, Hồ Văn Đuôi (trái) vận động người dân thực hiện các nghị quyết của chi bộ.

Nhờ được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các đảng viên ở địa phương trong phát triển kinh tế cho nên đời sống của người dân ngày càng được nâng cao...

Ông Hồ Văn Đuôi, Bí thư Chi bộ thôn 2 (xã Trà Linh) cho biết, trước đây các loại thực phẩm đơn giản như muối ăn, mỳ chính, cá khô… người dân phải xuống trung tâm huyện mua, gùi cõng hai ngày ngược núi, mới có để ăn.

Nhà ở thì khoảng hai đến ba năm phải làm lại, do làm bằng tre, nứa nên nhanh dột nát. Chi bộ thôn 2 có 45 đảng viên, hầu hết là đảng viên đồng bào dân tộc Ca Dong, thuộc diện hộ nghèo, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy.

Năm 2017, khi cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ xác định là sản phẩm quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã khuyến khích và hỗ trợ giống cho người dân trồng sâm. Tại thôn 2, các đảng viên Hồ Văn Du, Hồ Văn Đuôi, Hồ Văn Dũng và Hồ Thị Bích Thảo… là những người tiên phong trồng sâm và đã vươn lên thoát nghèo, làm giàu từ cây sâm.

Không chỉ làm giàu, các đảng viên còn đề xuất thực hiện mô hình “đảng viên kèm cặp giúp dân thoát nghèo”. Được sự thống nhất của 100% số đảng viên, Chi bộ thôn 2 đã ra Nghị quyết số 04 về việc “đảng viên kèm cặp giúp dân thoát nghèo”. Mỗi đảng viên có trách nhiệm kèm cặp, giúp đỡ cho 10 hộ gia đình trở lên thoát nghèo.

Đảng viên Hồ Văn Dũng kể lại, mỗi đảng viên đã đến từng hộ dân, tập hợp khoảng 11 hộ gia đình để triển khai chủ trương, vận động người dân tham gia chăm sóc cây sâm cho các hộ đã trồng sâm. Ngày công lao động được trả bằng cây sâm giống Ngọc Linh để mọi người có thể cùng trồng sâm mà không cần vốn.

Sau 4 năm, được sự giúp đỡ nhiệt tình của chi bộ và đảng viên phụ trách là ông Hồ Văn Đuôi, gia đình anh Hồ Văn Dân đã thoát nghèo và giàu lên. Gia đình anh Dân hiện sở hữu gần 300 gốc sâm giống. Năm vừa qua, gia đình anh thu hoạch được 15kg lá, 10 lon hạt và 500 cây sâm giống một năm tuổi, bán được một tỷ đồng. Anh Dân tâm sự, khi nào thôn 2 làm xong đường giao thông nông thôn, anh sẽ mua xe ô-tô như những đảng viên “tỷ phú” đi trước.

Từ Nghị quyết “đảng viên kèm cặp giúp dân thoát nghèo”, từ năm 2019 đến 2022, Chi bộ thôn 2 đã giúp 150 hộ gia đình thoát nghèo, nhiều hộ trở thành tỷ phú.

Xã Trà Linh có 3 thôn, với diện tích hơn 2.000ha đất nhưng chỉ thôn 2 và thôn 3 là có diện tích đất trồng sâm Nam và sâm Ngọc Linh. Trong khi đó, 300 hộ gia đình thôn 1 lại không có đất trồng những loài dược liệu quý này. Với trách nhiệm nêu gương và suy nghĩ “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bí thư Chi bộ

thôn 2 Hồ Văn Đuôi cùng nhiều đảng viên trong chi bộ tiếp tục vận động đảng viên và người dân thôn 2 “nhường đất cho bà con thôn 1 trồng sâm”.

Bằng uy tín, tinh thần trách nhiệm, tập thể Chi bộ thôn 2 đã vận động các già làng tuyên truyền cho người dân theo phương thức “mưa dầm thấm lâu”; khơi gợi tinh thần đoàn kết, sẻ chia, vốn là truyền thống tốt đẹp của đồng bào Ca Dong; động viên đảng viên tiên phong nhường đất… Nhờ vậy, người dân thôn 2 đồng thuận chủ trương nhường 300ha đất rừng trồng sâm cho người dân thôn 1, khai mở con đường thoát nghèo, làm giàu từ trồng sâm Ngọc Linh cho người dân toàn xã.

Sau khi được nhận gần 1ha đất của người dân thôn 2 nhường lại, ông Hồ Văn Đoàn ở thôn 1 đã được Nhà nước hỗ trợ 500 gốc sâm 1 năm tuổi. Gia đình ông cũng đã đầu tư mua thêm cây giống từ 2-3 năm tuổi, sau ba năm, vườn sâm của ông Đoàn đã có hơn 2.000 gốc. Mỗi năm, ông Đoàn thu nhập khoảng 500 triệu đồng từ vườn sâm “nghĩa tình”. Có tiền tỷ, ông Đoàn mạnh dạn đề xuất với Chi bộ thôn 1 nhận đỡ đầu, hỗ trợ người dân trong thôn thoát nghèo.

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Nam Trà My cho rằng, việc người dân thôn 1 được nhận đất rừng ở thôn 2 đã giúp cho 100% số hộ dân trong toàn xã có đất trồng sâm và trồng cây dược liệu, xóa được nghèo và phát triển kinh tế bền vững.

Những ngày đầu năm 2023, bà con thôn 2 tưng bừng tổ chức lễ khánh thành hơn 2km đường bê-tông nông thôn theo hình thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước 800 triệu đồng bằng xi măng, cát sạn, Chi bộ thôn 2 đã vận động người dân đối ứng bằng ngày công gần 500 triệu đồng; huy động đóng góp mỗi người 500 nghìn đồng để mua công cụ lao động và tổ chức nấu ăn cho cả làng khi tham gia làm đường.

Chỉ trong một tháng, hơn 2,2km đường bê-tông đã hoàn thành trong niềm hân hoan, phấn khởi của người dân sinh sống dưới chân núi Ngọc Linh. Và rồi đây, sẽ lại có thêm nhiều gia đình như hộ anh Hồ Văn Dân mạnh dạn mua xe ô-tô để phục vụ đời sống và phát triển kinh tế...