Mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế

NDO -

Kiểm soát khá tốt bệnh dịch đang là cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế. Không còn con đường nào khác hơn là phải mở cửa, nếu chậm hơn thì cái giá phải trả vô cùng lớn.

Việt Nam đang có cơ hội ngàn vàng để mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế.
Việt Nam đang có cơ hội ngàn vàng để mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế.

Đó là ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại hội thảo trực tuyến “Bức tranh Kinh tế Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long: Dự báo Kinh tế quý IV và triển vong năm 2022” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Trọng Tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức sáng 1/10.

Doanh nghiệp không thể “trụ” thêm

Ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm trong cả nước đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ nền kinh tế.  Trong 9 tháng qua, cả nước có 85.500 doanh nghiệp doanh nghiệp thành lập mới, giảm 13,6%, nhưng có đến 90.300 doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Trung bình mỗi tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2020.

“Riêng đồng bằng sông Cửu Long, trong 3 tháng qua có gần 90% doanh nghiệp trong vùng tạm ngừng hoạt động. Các doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động thực hiện “3 tại chỗ” cũng chỉ sản xuất từ 5-10% công suất. Trong khi chi phí sản xuất mô hình này rất cao vì quy định phải bình ổn giá, chi phí hỗ trợ người lao động, nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí vận chuyển…”, ông Võ Tân Thành phân tích.

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam, số liệu của Tổng cục Thống kê có 94% doanh nghiệp trong cả nước đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Tại 19 tỉnh thành phố phía nam, 98% doanh nghiệp thiệt hại nặng nề, đặc biệt ở vùng đông nam bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Phần lớn các doanh nghiệp khó có thể trụ thêm 3 - 6 tháng tới, nếu tình hình không được cải thiện.

Mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế -0

Các doanh nghiệp chia sẻ không thể “trụ” thêm được nữa. 

Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên trong lịch sử suốt 2 thập kỷ qua, kể từ khi Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê theo quý, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III ước tính âm đến 6,17%, so với cùng kỳ năm trước. “Âm sâu tới 6,17% thì ít ai nghĩ tới. TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh là trung tâm dịch bệnh có thể âm rất sâu tới 2 con số. Theo dự báo GDP sẽ tiếp tục âm sâu nếu tình hình không được cải thiện sớm”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.

Nông nghiệp duy trì tăng trưởng

Các chuyên gia cho rằng, tuy đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, bức tranh kinh tế vẫn có những điểm sáng: GDP 9 tháng đầu năm tăng trưởng dương 1,42%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa vẫn duy trì tốc độ tăng cao, đạt 483,17 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu tăng 18,8%; nhập khẩu tăng 30,5%, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản chiếm gần 10% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI tại Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của vùng trong tháng 8 chỉ đạt 1,97 tỷ USD, giảm 49,7% so với tháng 7. Trong đó, xuất khẩu đạt 1,04 tỷ USD (giảm 40,61%), nhập khẩu đạt 930 triệu USD (giảm 22%).

Bộ Trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mặc dù GDP quý III năm 2021 giảm mạnh, nhưng khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản vẫn tăng 1,04%. Sự đóng góp của đồng bằng sông Cửu Long - trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến lương thực, thực phẩm lớn của cả nước trong việc duy trì sự tăng trưởng là vô cùng lớn.

Sau một thời gian dài chống dịch, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nỗ lực của Chính quyền các cấp cùng sự đồng lòng của doanh nghiệp và nhân dân, các ca nhiễm đã có xu hướng giảm, dịch bệnh đang dần được kiểm soát. Nhiều tỉnh thành trong vùng đồng bằng sông Cửu Long từng bước nới lỏng giãn cách từ Chỉ thị 16 về Chỉ thị 15, thiết lập “vùng xanh” thực hiện trạng thái bình thường mới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, sự phục hồi kinh tế của các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tại các nước này tăng cao. Triển vọng xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam cuối năm nay được dự báo sẽ có nhiều thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Cơ hội vàng để mở cửa

Theo TS Vũ Tiến Lộc, dự kiến ngay trong năm 2021, nền kinh tế thế giới dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 5,6%, mức phục hồi lớn nhất trong vòng 80 năm qua. Việt Nam có nguy cơ lỡ nhịp, phải đứng ngoài tiến trình nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu khi các nền kinh tế lớn cũng là các đối tác chiến lược của chúng ta theo các hiệp định thương mại tự do đang phục hồi, đang nỗ lực nối lại các chuỗi cung ứng và các đối thủ cạnh tranh cũng đang tái khởi động và tranh thủ các đơn hàng. Các nhà đầu tư FDI không chờ đợi, các kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh của những tập đoàn lớn đã dừng lại, không tiếp tục triển khai.

Trong nước thì doanh nghiệp và nền kinh tế đang “sức cùng”, “lực kiệt”, người dân và doanh nghiệp mất đi sinh kế, chi phí cho y tế tăng lên, trong khi ngân sách nhà nước và các địa phương thì co hẹp. TS Vũ Tiến Lộc khẳng định: “Giải cứu nền kinh tế, giải cứu doanh nghiệp đang là yêu cầu cấp bách”.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, dịch bệnh đã được kiểm soát bước đầu tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và các tỉnh, thành phố khác đang là cơ hội ngàn vàng để có thể nới lỏng giãn cách, mở cửa thị trường, tái khởi động nền kinh tế. “3 tháng cuối năm, 100 ngày tới là thời gian vàng và cũng là thách thức sinh tử với nền kinh tế Việt Nam. Mở cửa là con đường không thể nào khác được. Nếu mở cửa chậm hơn thì cái giá phải trả là vô cùng lớn”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Thời điểm mở cửa lại là thời điểm doanh nghiệp phải thực sự tăng tốc, chiến đấu trong trạng thái vô cùng yếu ớt sau một thời gian dài “ngủ đông”, với muôn vàn khó khăn như: thiếu vốn, thiếu hụt lao động, nguyên vật liệu tăng, chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu của khách hàng thay đổi.

Trong bối cảnh “bình thường mới”, tuy có nhiều tín hiệu tích cực, lạc quan nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro. Dịch bệnh vẫn có nguy cơ diễn biến phức tạp, bên cạnh vai trò đồng hành và tiếp sức của Chính phủ, Chính quyền các cấp, thì những nỗ lực, sáng kiến, giải pháp thích ứng và hướng đi phù hợp của doanh nghiệp sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn.

TS Vũ Tiến Lộc: “Trong quý III/2021, số lao động đang làm việc trong nền kinh tế giảm 2,4 triệu người so với quý trước, nghĩa là đội quân thất nghiệp đã tăng 2,4 triệu người, chỉ trong 1 quý. Đằng sau 2,4 triệu người lao động cũng là sinh kế của ngần ấy gia đình”.